Nhiều lần tâm sự với chồng và mong một sự đồng cảm, nhưng chồng tôi nhẹ tênh “mình là trưởng thì phải lo toan”, lúc cục cằn thì chồng quát “cô ở được thì ở, không ở được thì biến”… Nhưng tôi quá mệt mỏi, ức chế rồi.
Tôi lấy chồng được gần 10 năm. Đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi không biết quyết định của tôi là đúng hay sai khi nhận lời làm vợ anh và bước chân vào làm dâu gia đình nhà anh. Dân làng chỗ tôi vẫn thường nói mỉa mai đó là “nhà có 7 mẹ chồng hiền lành, tốt bụng”. Chả là nhà chồng tôi có 7 chị chồng, chồng tôi là út nhưng là con trai duy nhất trong nhà.
Ngày yêu nhau và quyết định cưới, tôi ở tuổi ngoài đôi mươi khi vừa ra trường và đi làm được hơn 1 năm. Ở tuổi ấy, suy nghĩ của tôi hết sức đơn thuần là hạnh phúc hay không là do vợ chồng xây đắp, không phụ thuộc vào ai cả. Nhưng sự thật không phải thế.
Hở ra là tôi lại bị các chị chê trách, nói mỉa mai. (Ảnh minh hoạ)
Về nhà chồng được hơn nửa năm, tôi mới ngã ngửa khi phát hiện gia đình chồng dù mang tiếng tri thức nhưng thực sự bản chất chợ búa. Không một ngày nào người trong gia đình không cãi vã, chửi bới, ngấm nguýt nhau.
Mẹ chồng tôi là người cay nghiệt hay soi mói, chì chiết và chấp vặt con dâu từng lời ăn, tiếng nói. Bố chồng tôi là một người lỗ mãng, thường xuyên nát rượu rồi chửi bới một cách vô lý. Nhiều lần ông chửi bậy làm con tôi bắt chước học theo, tôi có góp ý với chồng nhưng không giải quyết được vấn đề gì.
Tôi như kẹt giữa một mẹ chồng và “6 bà cô chồng”. Mặc dù các chị đều đã lập gia đình và có cuộc sống riêng nhưng lạ thay tất cả đều rất thích về nhà mẹ đẻ để tụ tập ăn uống. Không kể ngày thường, ngày nghỉ, không kể ngày nắng, ngày mưa, các bà chị đều kéo nhau về nấu nướng, ăn uống, ngủ. Thậm chí, sinh nhật các cháu chồng cũng đều lôi về nhà tôi tổ chức.
Mỗi ngày như thế, nhà cửa lại bừa bộn, ầm ĩ như một bãi chiến trường. Cả tuần làm việc vất vả, cuối tuần tôi chỉ mong muốn được nghỉ ngơi, nhưng hầu như tuần nào cũng phải vật vã với 4 – 5 mâm cơm phục vụ các anh chị, cháu chắt bên chồng. Mặc dù phải nấu nướng, rửa bạn, dọn nhà, giặt đồ... lúc nào cũng quần quật đến kiệt sức nhưng cứ hở ra là tôi lại bị các chị chê trách, nói mỉa mai. Những ngày cuối tuần trở thành ác mộng đối với tôi.
Có lần đứa bạn tôi sang chơi, đang ngồi trong phòng thì bố chồng tôi đi thẳng vào mắng tôi xơi xơi: “Ngồi chơi không mà không biết nhìn giờ giấc mà nấu cơm nước”, trong khi lúc ấy chỉ mới hơn 4 rưỡi chiều. Tôi vừa ức chế, vừa ngại, vừa xấu hổ với đứa bạn, nó cũng nhìn tôi ái ngại rồi về luôn.
Mấy năm ròng tôi còn phải giặt quần áo cho chị thứ năm và con của chị chỉ vì chị thích sang nhà mẹ đẻ tắm rửa rồi mới về nhà chị. Nếu tôi không giặt thì cảm thấy không làm tròn trách nhiệm của người con dâu, thế nên tôi cũng đành nhịn mà làm cho êm cửa êm nhà, nhiều khi phơi đồ các cháu không đúng ý mẹ chồng còn bị nhắc nhở.
Có lần tôi phản ứng về việc này thì mẹ chồng nói tôi là loại người ích kỷ này nọ, chị em không biết yêu thương nhau, sống chỉ biết mình… Cứ như thế, tôi, từ một đứa hiền lành, cởi mở, sống giản đơn chân thật dần dần trở thành một người lặng lẽ, không cười không nói và sống chỉ như tồn tại trong gia đình chồng.
Tôi mệt mỏi quá rồi (Ảnh minh hoạ)
Bởi lẽ, cứ nói lời nào là tôi bị vặn vẹo lời đó, nếu có tranh luận điều gì thì đều bị quy chụp là láo, có ăn có học mà cãi bố mẹ chồng, còn không nói gì thì bị chửi là “cái mặt cứ lì lì như mặt … trâu” – trích nguyên văn câu bố chồng chửi xéo tôi trong một bữa cơm tối.
Nhiều lần tâm sự với chồng và mong một sự đồng cảm, nhưng chồng tôi nhẹ tênh “mình là trưởng thì phải lo toan”, lúc cục cằn thì chồng quát “cô ở được thì ở, không ở được thì biến”…
Tôi đã nghĩ đến việc ra ở riêng nhưng không được chồng chấp nhận, tôi còn nghĩ cả đến việc ly dị nhưng không dám thực hiện vì còn con cái. Nhưng nếu cứ tiếp tục thế này, cuộc sống thực sự là một sự mệt mỏi kéo dài mà tôi không biết mình có thể chịu đựng được đến khi nào?
(ghi theo lời kể Hoàng Liên – Bắc Ninh)