Bố mẹ có thể đang phải chịu nhiều áp lực từ công việc và gia đình, nhưng đôi khi chúng ảnh hưởng tới cả lũ trẻ, khiến cả gia đình rơi vào stress. Dưới đây là những dấu hiệu và cách giải quyết để đem lại sự cân bằng cho tất cả các thành viên trong gia đình.
1. Không ai muốn ngủ
Khi bạn đã căng thẳng liên tục trong một thời gian dài thì mất ngủ là hệ lụy tất yếu. Thiếu ngủ sẽ khiến bạn cáu kỉnh, lo lắng và ngày càng stress hơn. Nếu cả gia đình đều thức ngày càng muộn, hãy giục cả nhà đi ngủ sớm nửa tiếng và tắt hết các thiết bị điện tử từ sớm.
2. Mọi người hét vào mặt nhau
Nếu để tâm lắng nghe, bạn sẽ phát hiện ra rằng, không khí gia đình càng căng thẳng thì mọi người càng có xu hướng hét vào mặt nhau. Hạ giọng xuống, hít thở sâu và nói chuyện thật bình tĩnh với các thành viên khác trong gia đình.
3. Không ăn cơm cùng nhau
Khi một thành viên trong gia đình đang gặp stress quá mức sẽ khiến bữa cơm trở nên kém ngon miệng hoặc không khí trở nên quá căng thẳng, khiến cho những người khác bỏ bữa hoặc ăn một mình thay vì ăn chung với cả nhà. Để khiến bữa ăn trở nên thú vị hơn, hạn chế nói những chuyện không vui vẻ vào bữa cơm, thay vào đó là những lời khen hay một câu chuyện vui trong ngày.
4. Con cái thu mình lại hơn
Trong một thời gian dài sống trong áp lực, căng thẳng, những đứa trẻ lớn hơn thường vào phòng khóa kín cửa, trong khi những đứa trẻ nhỏ hơn thà chơi một mình trong phòng chứ không muốn xin phép ra ngoài chơi. Nếu rơi vào trường hợp như vậy, bạn nên nói chuyện với con nhiều hơn, chia sẻ để con hiểu và dần sôi nổi trở lại thay vì lặng yên một chỗ.
5. Phải vật lộn với công việc
Hay trễ deadline? Quên lịch họp? Không nghĩ được ý tưởng mới cho công việc? Nếu áp lực công việc quá lớn, bạn hãy dành vài ngày đi ngủ sớm thay vì thức khuya mà không có tác dụng gì, nếu được thì xin nghỉ phép vài ngày để đầu óc thảnh thơi và nạp lại năng lượng để tiếp tục “chiến đấu” với công việc.
6. Mọi người đều uể oải, ủ rũ
Cho dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, stress đều có tác động tới cơ thể bạn. Trẻ nhỏ có thể kêu ca vì những cơn đau bụng hay mơ thấy ác mộng, thiếu niên thì thấy đau đàu, còn người lớn thì thấy đau mỏi cổ, vai và lưng. Cải thiện tình trạng sức khỏe của bản thân cũng có tác dụng xoa dịu tâm hồn khi stress, vì thế hãy ăn uống lành mạnh, tập thể dục và sinh hoạt điều độ hơn.
7. Liên tục di chuyển giữa các hoạt động
Bạn luôn phải chạy đôn chạy đáo để đón con từ trường, đưa con tới các lớp học thêm hay tham gia ngoại khóa, rồi lại vội vàng đi họp hay tới phòng tập yoga cho kịp thời gian. Việc di chuyển liên tục qua lại giữa các hoạt động khiến ai cũng sẽ mệt mỏi và chẳng còn sức lực làm gì. Hãy hạn chế những hoạt động không cần thiết lại, dành thời gian nhiều hơn cho các hoạt động của cả gia đình như cùng xem một bộ phim hay chơi trò chơi nào đó.
>> Xem thêm: Khoa học chứng minh cãi nhau tốt cho quan hệ vợ chồng