Những người hạnh phúc thực sự từ chối tin vào 7 điều này. Họ biết hạnh phúc của bản thân phải phụ thuộc vào chính mình thay vì bất kỳ ai hay yếu tố bên ngoài nào khác.
1. “Hạnh phúc của tôi phụ thuộc vào những người và những điều tôi không kiểm soát được”
Hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào lời nói và hành động của người khác chính là một quan niệm phổ biến sai lầm. Bạn có thể cảm thấy hạnh phúc khi ở bên người khác hoặc khi gặp điều diễn ra theo cách mình muốn nhưng nếu bạn lấy đó làm định nghĩa hạnh phúc thì hoàn toàn sai. Khi tâm trí chúng ta buông bỏ được gánh nặng, không gian sẽ mở ra cho ta một thứ khác, đó là hạnh phúc. Yếu tốt con người và sự kiện có thể mang lại cho ta hạnh phúc nhưng không phải là điều kiện quyết định hạnh phúc của chúng ta.
2. “Hạnh phúc sẽ đến khi tôi có…”
Một niềm tin khác ngăn cản chúng ta có được hạnh phúc chính là cho rằng bản thân sẽ tìm thấy hạnh phúc khi đạt được hoặc sở hữu một thứ gì đó. Chúng ta tự nhủ rằng hạnh phúc sẽ tự đến ngay khi chúng ta được thăng chức, kiếm được nhiều tiền hơn, sở hữu ngôi nhà to hơn hoặc hoàn thành mục tiêu nào đó. Tuy nhiên, sự thật là chúng ta không thể dự đoán chính xác những gì đến trong tương lai.
Nếu chúng ta cho phép hạnh phúc của mình phụ thuộc quá nhiều vào việc đạt được một số thứ nhất định, chúng ta đang tự chuốc lấy sự thất vọng khi những điều đó không xảy ra. Nhớ rằng, hạnh phúc của chúng ta không và không thể phụ thuộc vào những trải nghiệm cũng như kích thích từ bên ngoài.
3. “Sẽ chẳng có điều gì tốt đẹp đến với tôi”
Một số người sống với niềm tin rằng bất hạnh chính là số phận của mình, những điều tốt đẹp hoàn toàn nằm ngoài tầm với. Chính tâm lý nạn nhân này sẽ ngăn cản hạnh phúc đến với cuộc sống của họ.
Khi bạn đắm chìm trong lối suy nghĩ “Sẽ chẳng có điều gì tốt đẹp đến với tôi”, nó sẽ cản trở cách bạn nhìn nhận thế giới xung quanh mình. Bạn sẽ trở nên mù quáng trước bất kỳ nguồn hạnh phúc tiềm ẩn nào và quá nhạy cảm với tất cả những điều bạn cho là tiêu cực. Bạn bỏ lỡ hạnh phúc vì tin rằng nó không có ở đó và luôn quá bận rộn để tìm kiếm tất cả những điều không mong muốn.
4. Suy nghĩ hoặc cảm xúc tiêu cực là xấu
Một hiểu lầm phổ biến khác về hạnh phúc chính là những suy nghĩ hoặc cảm xúc tiêu cực rất xấu, hạnh phúc sẽ không thể xuất hiện khi có cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, đó có thể là lúc những hạt giống hạnh phúc được gieo trồng.
Khi chúng ta bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc của mình, nó là một phần của quá trình chữa lành mà đỉnh điểm là chúng ta chấp nhận và vượt qua. Khi chúng ta luôn ám ảnh bởi việc cố kìm nén những cảm xúc này, chúng ta sẽ không thể xử lý và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.
Một cách tiếp cận lành mạnh đối với mọi cảm xúc dù là tích cực và tiêu cực là để chúng được thể hiện ra. Kiềm chế cảm xúc chính là tạo ra rào cản đối với hạnh phúc.
5. Thất bại thật đáng sợ
Quá trình bạn hành động, cố gắng và học hỏi tạo nền tảng cho hạnh phúc chứ không phải kết quả bạn có thành công hay không. Nhưng quá nhiều người trong chúng ta lại bị mắc kẹt trong niềm tin rằng thất bại là một điều thực sự tồi tệ và đáng sợ.
Khi bạn sợ thất bại, bạn thậm chí còn từ bỏ việc cố gắng. Điều này khiến bạn không có cơ hội tận hưởng hành động mình đang làm và cố gắng. Chấp nhận rằng thất bại không hoàn toàn xấu sẽ giúp bạn giải phóng bản thân khỏi ngục tù của việc không hành động, từ đó mở ra cánh cửa dẫn đến hạnh phúc.
6. Yêu cầu giúp đỡ chính là yếu đuối
Nhiều người nghĩ rằng việc nhờ người khác giúp đỡ chính là thể hiện bản thân yếu đuối, kém cỏi hoặc không có khả năng. Niềm tin sai lầm này ngăn cản chúng ta tìm kiếm các giải pháp khác. Vượt qua được lời nói dối này, bạn sẽ nhanh chóng giải quyết được những vấn đề và cảm xúc rắc rối của mình, có nhiều thời gian và năng lượng hơn để tận hưởng trạng thái hạnh phúc.
7. Bạn không thể học được hạnh phúc
Một số người lạc quan hơn những người khác và nhiều người mặc định đó là điều không thể thay đổi. Trên thực tế, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy việc khuyến khích những cảm giác hạnh phúc đến thường xuyên hơn là điều có thể học được. Đó có thể là tăng cường vận động, hòa mình vào thiên nhiên, học cách chánh niệm, sống với lòng biết ơn và tìm sự cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi.