7 kiểu sếp gây ức chế cho nhân viên

Ngày 28/03/2021 16:20 PM (GMT+7)

Thực tế cho thấy, phải làm việc dưới quyền của những sếp tồi không chỉ ảnh hưởng tới công việc mà nghiêm trọng hơn, cuộc sống của bạn cũng bị đảo lộn.

1. Sếp liên tục canh chừng và đốc thúc

Đây là kiểu lãnh đạo "yêu cầu cao độ": luôn luôn muốn mọi việc phải thật nhanh, thật hoàn hảo, và người sếp theo phong cách này luôn kỳ vọng điều tương tự nơi cấp dưới.

Nếu công việc có chút chậm chạp, người sếp "yêu cầu cao độ" sẽ liên tục đốc thúc nhân viên. Thậm chí họ còn "nhảy vào" làm thay nhân viên luôn cho kịp tiến độ. Với họ, tốc độ và sự hoàn hảo của công việc là trên hết. Người sếp theo phong cách này thường tập trung vào kết quả hơn là quá trình làm việc của nhân viên.

Nhân viên dưới quyền của vị lãnh đạo theo phong cách "yêu cầu cao độ" thường thấy ngột ngạt, căng thẳng. Không gì dễ stress hơn việc liên tục bị canh chừng và đốc thúc. Tệ hơn nữa, nhân viên sẽ cảm thấy không được tôn trọng và trao đủ tự do làm việc. Cách lãnh đạo này vừa làm tiêu cực hoá bầu không khí làm việc, vừa làm nhân viên mất hết hứng thú và sáng tạo, chỉ muốn làm cho xong chuyện mà thôi.

7 kiểu sếp gây ức chế cho nhân viên - 1

Ảnh minh họa

2. Sếp tự cao

Những người sếp có cái tôi quá lớn là những người tự cao tự đại vốn muốn có nhiều sự chú ý, nhiều sự kiểm soát cũng như lòng trung thành. Họ nổi tiếng là luôn nhận công khi có thành tích (dù đúng hay không) và đổ lỗi khi thất bại.

Wendy Behary, tác giả của cuốn "Cắt vòi những kẻ tự đại" (Disarming the Narcissist) nói rằng ở vị trí người sếp, họ không có khả năng gắn kết với người khác ở mức độ cá nhân bởi vì họ thiếu khả năng cảm thông. "Đằng sau những tiếng quát tháo, những lời khoác lác, bắt nạt và sự kiểm soát là một người có rất nhiều bất an và, thật mỉa mai, một cảm giác thiếu thốn mà họ cố gắng che giấu trong tuyệt vọng," bà giải thích.

Đối phó với những người sếp dạng này tự thân nó đã có nhiều rủi ro. "Có huyền thoại rằng nếu bạn nhất nhất làm theo họ thì họ sẽ đưa bạn đến vinh quang," Behary nói, "nhưng bạn cần phải cảnh giác trước những lời hứa hẹn có lợi cho bạn mà họ đưa ra và bạn cần phải cẩn thận khi làm việc với họ - đừng bao giờ quá lệ thuộc vào kết quả."

3. Sếp thiên vị, không công bằng

Có những trường hợp nhân viên làm được việc, chăm chỉ chịu khó nhưng không chịu... nịnh sếp thì họ vẫn bị đì, không thể nào thăng tiến trong công việc.

Chính tính cách ưa nịnh, thích những nhân viên của mình phải có tư tưởng luồn cúi, dưới trướng sếp thì mới được sếp trọng dụng và cân nhắc khiến nhân viên làm được việc, có tính tình cương trực bị ức chế và dẫn đến nghỉ việc.

7 kiểu sếp gây ức chế cho nhân viên - 2

Ảnh minh họa

4. Sếp hứa cuội

Một ông sếp chỉ biết hứa suông thì quả là không đáng tin. Bạn được hứa thăng chức,tăng lương và rồi cuối cùng tất cả bạn nhận được chỉ là sự im lặng.

Sẽ tốt hơn cả nếu bạn biết được sự thật thông qua email nếu như những cuộc gặp gỡ trực tiếp không đem lại kết quả. Hãy cảnh giác nếu như những phản hồi từ sếp không đến thông qua email, hoặc tệ hơn là không có gì cả.

5. Sếp ra lệnh hà khắc 

Hãy hình dung về kiểu ra lệnh nơi chiến trường - lệnh được 'ban" từ trên xuống dưới không được sai một ly - bạn sẽ hiểu kiểu lãnh đạo "ra mệnh lệnh" này đáng sợ như thế nào. Người sếp theo phong cách "ra mệnh lệnh" muốn nhân viên tuân lệnh ngay lập tức mà không muốn giải thích lý do. Sếp sẽ đe doạ thay vì thuyết phục trong trường hợp nhân viên không "răm rắp tuân lệnh".

Ví dụ, khi một vị CEO được tuyển vào công ty đang gặp khủng hoảng, để cứu vãn tình thế ông áp dụng phong cách quản lý "ra mệnh lệnh" để nhanh chóng tạo thay đổi. Tuy nhiên, vì quá quyết liệt, ông thường xuyên đe doạ nhân viên hơn là động viên. Nhà quản lý này thường nhằm vào sai sót của họ mà chỉ trích, thậm chí còn thường xuyên làm bẽ mặt ai đó giữa chốn đông người. Kết quả là công ty không những không được "cứu" mà những nhân viên giỏi cùng lần lượt cuốn gói ra đi.

Sự thật là, không ai muốn làm việc cho một người sếp "bạo chúa", bởi việc thường xuyên bị công kích sẽ khiến họ mất hết tinh thần, cảm hứng hay niềm đam mê công việc. Môi trường làm việc cũng trở thành nặng nề vì những người sếp suốt ngày chỉ biết ra lệnh và chê trách. Nghiên cứu đã chứng minh cách lãnh đạo kiểu "mệnh lệnh" như thế này không hiệu quả trong hầu hết mọi trường hợp.

6. Sếp không tin tưởng nhân viên

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà lòng tin được xem như là một loại hàng hóa khan hiếm. Tuy nhiên, trong vai trò của một ông chủ, khi bạn thuê một ai đó về làm việc cho mình nghĩa là bạn đã đặt một niềm tin nhất định vào khả năng của họ. Chẳng có lý do gì để bạn luôn lo lắng về những điều không bao giờ hoặc có vô cùng ít khả năng xảy ra cả.

Khi một ông chủ liên tục đặt câu hỏi tỏ vẻ nghi ngờ cho mỗi hành động hoặc quyết định mà cấp dưới đưa ra thì nhân viên sẽ trở nên rất thất vọng. Hãy nhớ rằng, nhân viên cần có cơ hội để chứng minh giá trị của họ.

7. Sếp có thói quen bắt nhân viên làm thêm giờ

Bạn đi làm cả tuần, và xứng đáng được tận hưởng những ngày nghỉ cuối cùng. Vậy mà sếp lại không ngại ngần bắt bạn làm thêm, bất chấp đấy đang là lúc bạn được nghỉ ngơi. Để "đối phó" với việc này, bạn cần phải nói rõ với sếp quan điểm của mình ngay từ đầu.

10 bãi mìn nơi công sở người thông minh luôn biết cách tránh
Không chỉ với những người mới đi làm mà người đã làm việc lâu năm cũng cần biết để tránh những "bãi mìn" này nếu không muốn bị thương. Vậy làm sao để...
(Theo Lily (th))
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí kíp "sống sót" nơi công sở