Có những thói quen chúng ta tưởng chừng vô hại mà không hề biết nó đang đánh cắp hạnh phúc của mình mỗi ngày.
7. Che giấu cảm xúc tiêu cực
"Không được khóc", "đừng tức giận như vậy", "đừng có làm cái mặt buồn thiu đó"... là những điều chúng ta vẫn được nghe từ ngày còn nhỏ. Dần dần, theo thời gian chúng ta học cách che giấu cảm xúc tiêu cực của mình. Tuy nhiên, hành vi này lại thường dẫn đến những trải nghiệm xấu hơn trong cuộc sống.
Theo các chuyên gia, việc đấu tranh với những cảm xúc tiêu cực cũng khiến chúng ta tê liệt trước những cảm xúc tích cực. Đó là bởi ta không thể chọn những gì mình muốn hay không muốn cảm nhận.
Điều này cũng dẫn đến việc các mối quan hệ cũng như giao tiếp của bạn trở nên kém hơn và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống. Che giấu cảm xúc tiêu cực còn có thể khiến bạn gặp phải một số vấn đề về sức khỏe tâm thần. Thay vì đó, bạn có nhiều cách để đẩy những cảm xúc đó ra ngoài như tập các bộ môn khiêu vũ, thiền...
6. Không cho phép bản thân được phạm sai lầm
Đừng quên rằng một số phát minh thay đổi cuộc sống chúng ta đã được tạo ra một cách tình cờ. Bạn có thể thấy khá hay ho khi viết trong CV xin việc rằng mình là người cầu toàn, tuy nhiên điều đó có thực sự giúp bạn hạnh phúc?
Câu trả lời hợp lý ở đây có lẽ là không. Khi bạn luôn bắt bản thân phải đạt được trạng thái lý tưởng, bạn sẽ luôn lo lắng, bất an khi không đạt được điều đó.
Sai lầm không có gì là xấu, hãy cho phép bản thân được sai và quan trọng là mình học được gì từ đó. Thomas Edison từng nói: "Tôi không thất bại 10.000 lần mà là tôi đã tìm thấy 10.000 cách không hiệu quả".
5. Thích trở thành nạn nhân
Biến người khác hay hoàn cảnh trở thành nguyên nhân cho mọi vấn đề bạn gặp phải chỉ khiến bản thân bạn trở nên không hạnh phúc. Thật dễ dàng để đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh phải không?
Bạn đi làm muộn, bạn nghĩ rằng đó không phải lỗi của mình mà là do tắc đường. Với những suy nghĩ này, bạn sẽ luôn nghĩ rằng mọi chuyện là do bản thân bị bất công hay đen đủi.
Hãy xem xét kỹ hơn để hiểu rõ mọi chuyện. Khi bạn nói lý do tới trễ là tắc đường, bạn không thể làm gì được thì ngày mai, ngày kia và cả những ngày tới, bạn sẽ làm gì khi tắc đường đâu phải chuyện một, hai hôm?
Đổi lại, khi bạn nhận trách nhiệm về mình, biết việc đi muộn là do bản thân mình, bạn sẽ có nhiều lựa chọn. Bạn có thể dậy sớm hơn hay yêu cầu sếp chuyển lịch làm việc cho mình.
Hãy thử nhìn mọi thứ xảy ra trong cuộc sống từ bản thân, bạn sẽ nhìn thấy những cơ hội thay vì toàn rào cản.
4. Giữ sự thù hận
Đầu tiên, sự thù hận mà bạn giữ trong mình có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn. Đó có thể là trầm cảm nhẹ hay nặng hơn là các bệnh về tim mạch. Thật khó để hạnh phúc khi bản thân gặp phải các vấn đề sức khỏe phải không?
Thứ hai, bạn cần hiểu rằng có một vấn đề sâu sắc hơn khi bạn giữ sự tức tối, thù hận trong người. Khi ai đó nói bạn thật kém cỏi, thay vì cảm thấy tức giận, ghét bỏ họ thì hãy xem lý do họ nói điều đó là gì, mình có cần cải thiện một vấn đề gì đó không.
Giữ sự thù hận chính là bạn đang làm hại chính mình. Bạn luôn nhớ về những tình huống tiêu cực và cảm thấy tức giận hết lần này tới lần khác. Bạn lãng phí thời gian quý báu và năng lượng của mình vào thứ mà bạn không thể thay đổi. Hãy để nỗi hận thù qua đi và lấp đầy cuộc sống của bạn bằng những điều dễ chịu hơn.
3. Luôn so sánh với thành công của người khác
Trong thời đại của mạng xã hội như hiện nay, thật khó để không rơi vào "cái bẫy so sánh". Quần áo chúng ta sở hữu không không thời trang như những cô nàng trên Instagram, những chuyến du lịch của ta không xa hoa như bạn bè hay tình cảm không được lãnh mạn như một ai đó... Khao khát có được những điều như bạn thấy trên mạng xã hội có thể khiến bạn trở nên không vui.
Tuy nhiên, chớ quên một điều quan trọng rằng mọi người chỉ đưa lên mạng những điều họ muốn người khác thấy. Những gì bạn xem được không có nghĩa rằng cuộc sống của họ cũng lý tưởng như vậy.
Bên cạnh đó, việc mải theo dõi cuộc sống của người khác sẽ khiến bạn bỏ bê bản thân và tốn kém thời gian mà lẽ ra có thể dành cho bản thân.
Hãy quan tâm đến cuộc sống của bản thân mình. Bạn có thể thử phương pháp đơn giản sau đây: mỗi ngày viết ra ít nhất 5 điều bạn đã hoàn thành và thấy tự hào. Duy trì thói quen này, bạn sẽ cảm nhận nhiều hơn về những giá trị trong cuộc sống và ngày càng phát triển.
2. Phụ thuộc vào ý kiến của người khác
Hãy thử nghĩ xem, bạn thường lo lắng thế nào về cách người khác nghĩ và điều đó có khiến bạn hạnh phúc hơn không? Nếu thấy rằng điều đó không đem lại lợi ích, đã đến lúc bạn nên xem lại sự lựa chọn của mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, những người phụ thuộc vào suy nghĩ của người khác dễ cảm thấy lo lắng và chán nản. Họ muốn gây ấn tượng với cả những người mà mình không thích hay cố chứng minh điều gì đó với người mà bản thân không thực sự quan tâm.
Trước mỗi tình huống, hãy tự hỏi bản thân: "Mình có thực sự muốn không hay làm chỉ vì lợi ích của người khác?". Bạn có thể viết ra câu trả lời để biết được bạn đang "sống cho mình" hay "sống cho người khác".
1. Để quá khứ và tương lai ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại
Tất nhiên, việc suy nghĩ về tương lai hay quá khứ không phải là điều khiến chúng ta buồn chán song đừng bao giờ để bản thân mắc kẹt trong những suy nghĩ đó.
Một người luôn đắm chìm trong quá khứ chỉ thấy những lỗi lầm mình chưa thể giải quyết. Lại có những người khác luôn lo lắng về những chuyện trong tương lai.
Trong khi đó, điều chúng ta cần tập trung chính là hạnh phúc trong hiện tại. Các nghiên cứu đã cho thấy, tập trung vào hiện tại sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn và kết nối được với nhiều người xung quanh hơn.