Bằng cách áp dụng 8 điều này vào thói quen hàng ngày, bạn có thể tăng cường đáng kể năng lực trí tuệ.
1. Khơi dậy sự tò mò
“Sự tò mò trong những bộ óc vĩ đại và hào phóng, là niềm đam mê đầu tiên và cuối cùng.” Câu nói này của Samuel Johnson đã gói gọn một cách tuyệt vời bản chất của sự tò mò - đặc điểm thường thấy ở những người thông minh.
Tâm lý học cho biết, trí tò mò là động lực chính cho việc học tập và phát triển trí tuệ. Khi còn nhỏ, chúng ta không ngừng khám phá và đặt ra các câu hỏi để hiểu rõ hơn về thế giới của mình. Nhưng khi lớn lên, nhiều người trong chúng ta mất đi cảm giác tò mò này vì nhiều lý do.
Tin tốt là bạn có thể khơi dậy trí tò mò tự nhiên của mình. Hãy bắt đầu bằng cách đặt nhiều câu hỏi hơn, tìm kiếm những trải nghiệm mới hoặc thực hiện một sở thích mới.
Khi chúng ta tò mò về điều gì đó, tâm trí chúng ta mong muốn học những điều mới. Điều này kích thích hoạt động não bộ của chúng ta và khuyến khích tính dẻo dai thần kinh. Hãy nỗ lực một cách có ý thức để nuôi dưỡng trí tò mò của bạn.
Và hãy nhớ câu nói của Albert Einstein: “Tôi không có tài năng gì đặc biệt. Tôi chỉ có sự tò mò đầy nhiệt huyết."
2. Thực hành chánh niệm
Ban đầu, việc thực hành điều này có thể khó khăn song khi bạn kiên trì thực hiện, bạn sẽ nhận thấy sự cải thiện đáng kể về khả năng tập trung cũng như suy nghĩ rõ ràng của mình. Thực hành chánh niệm giúp bạn nhận thức rõ hơn về suy nghĩ, cảm xúc và môi trường xung quanh, dẫn đến khả năng ra quyết định và giải quyết vấn đề tốt hơn.
Nếu bạn đang muốn nâng cao trí thông minh của mình, hãy cân nhắc việc kết hợp chánh niệm vào thói quen hàng ngày.
3. Ngủ ngon
Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với các chức năng nhận thức của chúng ta là điều không phải bàn cãi. Trong khi ngủ, não của chúng ta củng cố ký ức, phục hồi năng lượng và loại bỏ chất thải. Khi bạn có chất lượng giấc ngủ kém, bạn có thể bị kém tập trung, suy giảm trí nhớ cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giấc ngủ sâu giúp cải thiện trí nhớ và khả năng giải quyết vấn đề. Vì vậy, nếu bạn muốn trở nên thông minh hơn, hãy ưu tiên cho giấc ngủ. Đảm bảo bạn ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm và bộ não của bạn sẽ cảm ơn bạn vì điều đó.
4. Học tập suốt đời
Nhà tâm lý học Carol Dweck, người nổi tiếng với công trình nghiên cứu về “tư duy phát triển”, cho biết: “Trong tư duy phát triển, thử thách mang lại cảm giác thú vị hơn là đe dọa. Vì vậy, thay vì nghĩ, "Ồ! Tôi sắp bộc lộ điểm yếu của mình" thì hãy nói "Ồ! Đây là cơ hội để phát triển.”
Nghiên cứu của Dweck nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, không chỉ là giáo dục chính quy mà còn là học tập và phát triển cá nhân.
Học tập suốt đời giúp bộ não của bạn luôn hoạt động, cải thiện chức năng nhận thức. Học một kỹ năng mới, đọc một cuốn sách đầy thách thức hay thực hiện một sở thích mới... đều có thể góp phần vào sự phát triển trí tuệ của bạn.
Đừng né tránh những trải nghiệm hoặc thử thách mới mà hãy xem chúng như những cơ hội để học hỏi và phát triển. Nhớ rằng, hành trình trở nên thông minh hơn là một cuộc chạy marathon, không phải chạy nước rút.
5. Tập thể dục thường xuyên
Tất cả chúng ta đều biết rằng tập thể dục thường xuyên tốt cho sức khỏe thể chất, nhưng bạn có biết nó cũng có thể giúp bạn thông minh hơn không?
Một nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất thường xuyên có thể mang lại lợi ích nhận thức đáng kể. Nghiên cứu đã chứng minh về sự cải thiện về trí nhớ, sự chú ý và kỹ năng giải quyết vấn đề của những người tham gia sau khi tập thể dục thường xuyên.
Tập thể dục làm tăng lưu lượng máu đến não, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho chức năng nhận thức. Đi bộ nhanh, tập yoga hay tập luyện cường độ cao... hãy đảm bảo bạn đang kết hợp tập thể dục thường xuyên vào thói quen hàng ngày của mình.
6. Thực hành lòng biết ơn
Thực hành lòng biết ơn có vẻ không liên quan đến việc tăng cường năng lực trí tuệ của bạn, nhưng theo tâm lý học tích cực, nó có tác động đáng kể.
Nhà tâm lý học Martin Seligman từng nói: “Lòng biết ơn có thể khiến cuộc sống của bạn hạnh phúc và thỏa mãn hơn. Khi cảm thấy biết ơn, chúng ta được hưởng lợi từ những ký ức dễ chịu về sự kiện tích cực trong cuộc sống.”
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thực hành lòng biết ơn có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng, từ đó tăng cường các chức năng nhận thức như trí nhớ và sự chú ý. Kết hợp thực hành lòng biết ơn vào thói quen hàng ngày có thể mang lại điều kỳ diệu cho sức khỏe tinh thần và trí tuệ của bạn.
7. Hạn chế đa nhiệm
Trong thế giới có nhịp độ nhanh ngày nay, đa nhiệm có vẻ là một kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy nó có thể không mang lại lợi ích như chúng ta vẫn nghĩ.
Một nghiên cứu từ Đại học Stanford cho thấy, những người thường xuyên làm nhiều việc cùng lúc dễ bị phân tâm hơn và gặp khó khăn hơn khi chuyển đổi giữa các nhiệm vụ. Điều này có thể dẫn đến giảm năng suất, tác động tiêu cực đến khả năng nhận thức.
Bộ não của chúng ta không được thiết kế để xử lý nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Thay vào đó, nó thích tập trung vào một nhiệm vụ tại một thời điểm. Bằng cách hạn chế đa nhiệm và tập trung vào một tác vụ, bạn có thể cải thiện khả năng tập trung, trí nhớ và hiệu suất nhận thức tổng thể của mình.
8. Ăn thực phẩm giúp tăng cường trí não
Một nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc – thường được gọi là "Chế độ ăn Địa Trung Hải" - có thể tăng cường chức năng nhận thức. Nếu bạn muốn tăng cường năng lực trí tuệ, hãy cân nhắc bổ sung thêm nhiều thực phẩm tăng cường trí não vào chế độ ăn uống của mình.