Ngày xưa, tôi cũng là một trong những thanh niên làng tham gia vào ‘trò chơi tán gái’, giờ nghĩ lại thấy buồn cười.
Nhà cô H ở làng có 2 cô con gái rất xinh, gần sát sát tuổi nhau nên thanh niên làng đến tán tỉnh rất nhiều. Mà tán gái ngày xưa là kiểu thế này, tối nào cũng tới nhà phục sẵn. Ông nào đến trước thì được gặp em trước, tới sau thì đành ngậm ngùi ngồi sau. Có mấy ông chẳng ưa gì nhau nhưng lại phải gặp nhau trong hoàn cảnh buộc phải tươi cười, nghĩ mà nể.
Bị đánh nhảy cả xuống lò vôi
Hồi xưa, còn chưa có điện thoại di động, cũng chẳng có chuyện gọi điện tới nhà báo trước là mình đến chơi nên cứ phải ăn cơm sớm, rồi vội vội vàng vàng đi tán gái. Ông nào ông nấy phải tranh thủ tới thật sớm, vì đến trước thì may ra rủ được nàng đi chơi. Hai cô con gái của cô H là tâm điểm chú ý của trai làng, anh nào cũng muốn tán tỉnh được. Tôi cũng là một trong số những anh trai làng có ước nguyện gặp mặt hai cô nàng, nói chuyện cho vui chứ còn chuyện vợ con thì tôi chưa nghĩ đến. Khi đó, tôi còn trẻ, cũng chỉ thấy chúng bạn rủ đi, thế là adua đi cùng, chứ cũng không quan trọng việc được mất.
Hôm đầu tới nhà, thấy mấy ông ngồi phục sẵn ở nhà cô H, còn hai em thì đang ăn cơm. Nghĩ đến chết cười. Ngồi không ông nào nói với ông nào câu gì. Các ông tự giác pha trà, uống nước rồi bưng nước mời người lớn. Ai cũng thích thể hiện. Có anh, có vẻ như muốn thể hiện mình giàu có, có tí của cải. Điện thoại chẳng có ma nào gọi lại chạy ra ngoài giả vờ nghe.
Có anh, có vẻ như muốn thể hiện mình giàu có, có tí của cải. Điện thoại chẳng có ma nào gọi lại chạy ra ngoài giả vờ nghe. (ảnh minh họa)
Tôi thì rõ cái trò ấy nên tôi biết, đó là chuông báo thức chứ chẳng phải là chuông điện thoại di động. Khổ nỗi, ngày ấy, điện thoại di động chưa phổ biến nên ai có là oai lắm. Nên chắc anh bạn này cũng thích chơi trội. Nhưng, có ai ngờ, quả báo, vừa đang nghe điện thoại thì chuông đổ tới. Ê mặt, anh này mặt đỏ bừng tía tai, cảm giác muốn tìm cãi lỗ mà chui xuống đất. Mấy ông ngồi bên cạnh không dám cười to, nhưng cũng rúc ra rúc rích…
Chúng tôi là trai làng nên nhất định thực hiện chiến lược, không tán được hai em này thì không có chuyện để cho người khác tán được. Bọn trai xã khác, làng khác mà có ý định sang đây bén mảng, chúng tôi lên kế hoạch dọa cho chết khiếp luôn.
Nhớ có lần, chính tôi là người lập sẵn kế hoạch đẩy ông bạn ở thôn khác xuống thùng vôi, nhưng thật may mà thùng vôi đã tôi lâu rồi nên không còn nóng. Anh này người dính đầy vôi, bẩn hết quần áo và phải chạy vào nhà hai cô con gái nhà cô H để xin được gột rửa rồi mới dám đi về nhà. Lúc đó, tôi (kẻ giấu mặt) cùng với một anh bạn đã ngồi sẵn trong đó, nhưng tay này không nhận ra. Chính tôi còn là người đon đả, giả vờ ra chào hỏi anh này rồi cuống quýt hỏi tại sao. Nhưng trong lòng tôi nghĩ thầm ‘cho đáng đời, ai bảo thích khoe điện thoại’. Tôi không có ý cấm đoán chuyện tán tỉnh của anh ta, chỉ là không thích cái sự sĩ diện khoe mẽ của anh bạn làng bên. Với lại, cậu bạn tôi có vẻ kết cô em gái của nhà này nên tôi muốn, cậu ấy được trước, còn kẻ khác phải tránh xa ra cả trăm mét.
Hồi xưa, chuyện tán gái làng khác trở nên kinh khủng lắm. anh nào phải mặt dày, phải dũng cảm và kiên trì lắm may ra mới lấy được vợ làng bên. Có ông sợ bị đánh quá, mới bị dọa mấy câu còn ‘tè’ cả ra quần. Nói không ngoa chút nào đâu. Vì vào làng nào tán cũng phải đi qua một đoạn đường hiểm trở. Nếu không cẩn thận, tối đen như mực, chúng nó xông ra đánh thì không còn đường lui. Có ông còn bị sứt đầu mẻ trán mà cuối cùng cũng không biết kẻ nào đánh mình. Nếu có nghi ngờ thì cũng không dám nói ra, có bằng chứng đâu mà nói.
Hồi xưa, chuyện tán gái làng khác trở nên kinh khủng lắm. anh nào phải mặt dày, phải dũng cảm và kiên trì lắm may ra mới lấy được vợ làng bên. (ảnh minh họa)
Được bạn gái 'hộ tống' về tận nhà
Có một cậu bạn lấy được cô vợ xinh đẹp làng tôi cũng chỉ vì thế này. Mỗi lần anh này tới tán gái, tức là tán cô bạn này thì đều được hộ tống về. Anh chàng chọn đi giờ sớm, lúc còn sáng sủa nên không có ai rình rập đánh đập được. Và ngày nào anh này cũng nhịn hoặc ở lại nhà bạn gái ăn cơm. Và tối tối, trước khi về, anh này được bạn gái hộ tống về, rồi cô bạn tự đi về một mình.
Nói gì thì nói, chẳng ai đánh đàn bà. Đánh đàn bà là hèn, và cũng không ai muốn đánh thế nên, anh này được an toàn. May cho anh này là cô nàng cũng thích anh nên mới chịu đưa đón. Chứ còn không thì cũng không qua được ải trai làng. Có hôm cô nàng bận thì anh trai, họ hàng hộ tống về. Dù người nhà đã hết lời can ngăn, nói với ‘đầu sỏ’ của làng là không nên đánh người vô tội, nhưng thanh niên mà, tuổi trẻ mà, có làm gì cũng vô ích. Họ vẫn thích nghịc mấy trò trẻ con dù chỉ để dọa…
Anh này sau cùng cưới được cô vợ nàng bên, là một chiến tích đáng ca ngợi vì suốt thời gian tán gái, anh được vợ đưa về nên an toàn. Suy cho cùng, cái sự tán gái làng bên quá là gian nan, chẳng phải là tốn quá nhiều công sức hay sao?
Ngày xưa, tôi cũng là một trong những thanh niên làng tham gia vào ‘trò chơi tán gái’, giờ nghĩ lại thấy buồn cười. (ảnh minh họa)
Bạn không tin, bây giờ về nhiều làng vẫn còn những ‘khẩu hiệu’ được viết trên tường kiểu như ‘trai làng ta quyết giữ gái lang ta’, hay ‘gái làng là của trai làng’… Những khẩu hiệu ấy trước đây đã được đám trai làng viết lên, bây giờ vẫn còn đám trẻ con thích kiểu ấy. Nhưng mà chuyện đánh đấm thì chắc đã không còn nữa… Bây giờ tự do, tán ai thì tán với lại, hẹn hò nhau ở quán nước, quán cà phê là chủ yếu chứ không còn chuyện đến nhà ngồi phục sẵn như trước nữa…
**
Ngày xưa, tôi cũng là một trong những thanh niên làng tham gia vào ‘trò chơi tán gái’, giờ nghĩ lại thấy buồn cười. Bao nhiêu năm đã qua đi nhưng mỗi lần hồi tưởng về tuổi trẻ lại thấy sao ngày đó mình sốc nổi dại dột như vậy. Chẳng may mà hại tới người khác thì có phải là chẳng ra làm sao không?
Cuối cùng thì, cũng chẳng anh nào trong làng lấy hai cô con gái nhà bà H. Và giờ, tôi cũng không biết các cô ấy lấy chồng ở đâu.
Bây giờ, sống ở thành phố, cùng với người vợ hiền và con ngoan, tôi lại nghĩ lại những tháng này mình đi tán gái ở quê, hồi đó mới non trẻ ngây thơ làm sao. Nhưng đó có lẽ là những kỉ niệm đáng trân trọng nhất đời mà người ta nhớ mãi không thôi, giống như kí ức tuổi thơ vậy… Nghĩ lại mà vẫn thấy buồn cười.