Ở nơi làm việc, ai cũng phải học 3 kỹ năng này và chỉ cần thành thạo thì điều đó có nghĩa rằng bạn đang có được một “chiếc ô” đắc lực.
Có được một chỗ đứng vững chắc ở nơi làm việc là điều ai cũng muốn khi đi làm và dù ở môi trường nào thì điều đầu tiên bạn phải học chính là cách tự bảo vệ mình. Việc hoàn thiện bản thân, khiến mình ngày càng giá trị hơn, trở thành nhân tố không thể thay thế chính là cách để không ai có thể lung lay vị trí của bạn.
Ở nơi làm việc, ai cũng phải học 3 kỹ năng này và chỉ cần thành thạo thì điều đó có nghĩa rằng bạn đang có được một “chiếc ô” đắc lực.
1. Khả năng giao tiếp với cấp trên
Mối quan hệ với cấp trên luôn đóng một vai trò nhất định trong sự thành công của chúng ta. Nếu bạn có thể giao tiếp với các cấp trên một cách suôn sẻ, điều này có thể giúp bạn giảm bớt rất nhiều rắc rối, xung đột trong công việc, khiến mối quan hệ giữa bạn và cấp trên ngày một hoà hợp, tốt đẹp hơn. Điều này rất quan trọng đối với một người đi làm.
Lãnh đạo là người có rất nhiều tiếng nói trong công việc của bạn và sẽ ảnh hưởng đến quyết định thăng chức tăng lương. Có được mối quan hệ tốt đẹp với họ sẽ luôn là điều tốt mà ai đi làm cũng mong. Và điều này đòi hỏi bạn phải biết giao tiếp với cấp trên nhiều hơn và thân thiết hơn.
Người khôn khéo sẽ có cả thiên hạ. Khi kỹ năng giao tiếp của bạn tốt, mối quan hệ với cấp trên hoà hợp, bạn sẽ ngày càng tự tin và mở ra cho mình nhiều cơ hội hơn nữa.
2. Khả năng tiếp thu kiến thức mới
Những thay đổi đang đổi thay theo từng ngày. Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên phát triển nhanh chóng và bạn sẽ ngày càng tụt lại phía sau nếu không biết học hỏi và cải thiện mình. Cách để bạn giữ chắc chỗ của mình chính là luôn theo kịp, thậm chí đi trước. Theo một báo cáo đăng trên Tạp chí Kinh doanh Harvard, kỹ năng ham học hỏi sẽ giúp các nhà lãnh đạo cũng như nhân viên thích nghi tốt hơn với sự bất ổn cũng như áp lực bên ngoài.
Để theo kịp thời đại, bạn phải nắm được kiến thức phù hợp với thời đại và điều này đòi hỏi khả năng tiếp thu kiến thức mới. Thái độ ham học hỏi những điều mới sẽ giúp bạn hình thành các kỹ năng, kiến thức còn thiếu. Thái độ này sẽ giúp bạn thúc đẩy kiến thức, kỹ năng và các thái độ khác của mình ngày càng phát triển. Đó là lý do một nhà tuyển dụng lại sẵn sàng tuyển một người chưa có kinh nghiệm nhưng ham học hỏi vào công ty để đào tạo.
Đọc sách chính là thói quen của những người ham học hỏi. Họ muốn tìm hiểu nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn thay vì nói. Họ không sợ sự thay đổi bởi với họ, mỗi lần như vậy bản thân sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu. Những người thành công nhất, thông minh nhất thường sẽ không khoe khoang về những gì họ có mà luôn nỗ lực để hoàn thiện chính mình, trở thành phiên bản tốt hơn.
3. Khả năng tiết chế cảm xúc
Là một người trưởng thành, bạn phải có trách nhiệm với lời nói và hành động của mình. Khi đi làm, bạn càng phải có ý thức trong việc kiểm soát cảm xúc cũng như hành động của mình.
Muốn trưởng thành và trở nên chuyên nghiệp thì trước hết bạn phải biết kiềm chế cảm xúc của mình. Kỹ năng kiềm chế cảm xúc không có nghĩa là bạn phải gạt bỏ hết cảm xúc của bản thân mình mà đó là việc kiềm chế để làm chủ hành vi, thái độ trong mọi tình huống. Nói một cách đơn giản thì đó chính là việc đưa cảm xúc của bạn về trạng thái cân bằng, không nóng giận thái quá, không suy sụp dù trong tình cảnh khó khăn...
Khi bạn không học cách kiềm chế cảm xúc của mình, bạn sẽ dễ có những lời nói và hành động không nên trong công việc, thậm chí khó có thể sửa chữa hậu quả. Nếu cảm xúc của một người không đủ ổn định, sẽ rất khó để lấy được lòng tin của người khác và tất nhiên điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự thăng tiến của bạn. Các cảm xúc tiêu cực có thể là tác nhân khiến mối quan hệ của bạn xấu đi hoặc sự thất bại trong các buổi đàm phán.
Bởi những lẽ đó là mọi người đều cần phải có khả năng kiềm chế cảm xúc của mình để có thể bình tĩnh giải quyết công việc. Khi giữ được bình tĩnh, bạn có thể chính xác hơn trong việc nhìn nhận cũng như giải quyết vấn đề.