Chồng già vợ trẻ có phải là tiên?

Ngày 15/08/2015 00:09 AM (GMT+7)

“Chồng già vợ trẻ là tiên” nhiều người đã nói vậy khi cô lấy anh, một người chồng hơn mình 13 tuổi. Nhưng cuộc sống thần tiên đâu chẳng thấy, chỉ thấy vợ chồng cô “lệch pha” nhau đủ đường!

Ngày cô lấy chồng, ai cũng bảo rồi cuộc sống sau này của tôi sẽ “sướng như tiên” vì “chồng già vợ trẻ là tiên”. Gia đình cô, ai ai cũng hân hoan vui mừng vì có được chàng rể quý. Chồng cô, tuy hơn cô 13 tuổi nhưng nhìn vẻ ngoài của anh vẫn phong độ trẻ trung lắm, chỉ như hơn cô có vài ba tuổi thôi.

Hơn nữa anh là người đàn ông chưa một lần kết hôn, điều kiện kinh tế khá giả ổn định thế nên ai cũng mừng cho cô. Cứ tưởng rằng, lấy được người đàn ông nhiều tuổi như anh, cô sẽ có cuộc sống được yêu thương, chiều chuộng nhưng đời vẫn không phải mơ, cô giật mình tỉnh giấc khi cơn mơ vừa mới bắt đầu.

Những ngày làm vợ anh, cô mới hiểu hết được con người mình gọi là chồng. Tính cách của anh chẳng hề trẻ trung như vẻ bề ngoài. Bên trong con người anh là một người đàn ông già nua, cổ hủ lạc hậu. Vợ chồng cô sống chung với gia đình chồng, tuy mới cưới nhưng chưa bao giờ anh tỏ vẻ quan tâm cô trước mặt mọi người. Cô nhớ có lần bị ốm, ho húng hắng cả tuần, mọi người ai cũng hỏi thăm quan tâm nhưng chồng cô vẫn dửng dưng cứ như thể họ không hề có quan hệ gì. Cô giận dỗi thì anh nói tính anh vậy rồi, đàn ông tuổi 40 không nên quan tâm những tiểu tiết nhỏ như vậy trong cuộc sống.

Chồng già vợ trẻ có phải là tiên? - 1

(Ảnh minh họa)

Anh đâu phải cậu thanh niên 30 mà sốt sắng đi mua thuốc, chăm sóc vợ vì “mọi người biết lại chê cười cho”. Cô ngớ người trước lý lẽ của anh, quan tâm vợ mình khiến anh xấu hổ mất mặt đến vậy sao? Chẳng lẽ người đàn ông nào tuổi 40 cũng có suy nghĩ lạc hậu vậy sao?

Sau đám cưới, vợ chồng cô không hề đi hưởng tuần trăng mật ở đâu, cô cứ mãi nuối tiếc. Đời người con gái có một lần lấy chồng, thiêng liêng lắm, nó mở ra một trang mới của cuộc đời. Chẳng phải cô là con người lãng mạn gì đâu, chỉ là cô muốn tránh thủ vợ chồng mới cưới, chưa bị vướng bận đời thường thì nên có một vài ngày dành trọn cho nhau, coi như một kỉ niệm đẹp để sau này cuộc sống có khô khan, vất vả cũng có cái mà nhớ đến mà cố gắng.

Nhưng anh lại chẳng nghĩ vậy, anh nghĩ điều đó là không cần thiết vì “quan trọng là cuộc sống với nhau sau này, chứ một vài ngày nghỉ có làm tăng được tý tình cảm nào đâu”. Hơn nữa, ở nhà anh còn mẹ già, mẹ anh cũng xấp xỉ 70 rồi, anh không muốn hai vợ chồng đi chơi để mẹ ở nhà một mình. Cô ngậm ngùi nhưng rồi cũng đồng ý.  

Sau đám cưới, cô đi làm như bình thường. Anh nhìn vợ trong bộ váy công sở mà mày cau lại: “Em là gái có chồng, ăn mặc sao cho phù hợp, anh thấy váy vóc thế này không ổn tý nào”. Cô chạnh lòng, có phải gái có chồng thì không được ăn mặc đẹp khi đi ra ngoài đường. Anh làm như cô ăn mặc lố lăng, hở hang lắm không bằng. Áo sơ mi có cổ, chân váy dài đến đầu gối vậy mà trong mắt anh vẫn là lố lăng sao?

Chẳng muốn cãi nhau, cô hậm hực đi thay cái quần cho cái chân váy kia. Lúc này cô mới thấy lông mày anh giãn ra. Chiều hôm ấy về nhà, cô thấy một đống quần áo sơ mi kín cổ cao tường mới ở giường. Hóa ra hôm đó anh đã tự tay đi chọn quần áo cho vợ mình, làm vợ một người đàn ông tuổi 40 cần phải ăn mặc sao cho phù hợp. Nhìn đống quần áo chỉ hai màu trắng đen trên giường, cô bỗng thấy cuộc đời mình đơn điệu quá, giống như đống quần áo kia vậy.

Chồng già vợ trẻ có phải là tiên? - 2

(Ảnh minh họa)

Bạn bè, từ khi cô lấy chồng, rất hiếm khi họ gặp được cô. Chẳng phải cô quá bận hay thế nào, chỉ vì chồng cô không thích. Vì “đàn bà mà cứ lê la hàng quán thì có ngày sinh hư” nên anh nghiễm nhiên cấm hết những lời hẹn hò tụ tập với bạn bè, dù bạn cô toàn là con gái. Theo anh thì, ngày xưa làm gì có chuyện đàn bà phụ nữ ngồi hàng ngồi quán. Đàn bà khi đã có chồng thì thời gian để lo lắng cho gia đình, làm gì được quyền có những thú vui cá nhân hay làm gì có chuyện thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè đâu.

“Các cô bây giờ tự do thoải mái quá, phụ nữ gì mà chẳng có tý đức hạnh nào nên gia đình tan nát lúc nào không hay” là câu anh chốt lại khi cô xin phép đi liên hoan chia tay một cô bạn sắp chuyển vào Nam sinh sống. Cùng từ lần đó, cô chẳng còn muốn hỏi xin chồng đi gặp bạn nữa, bởi lần nào anh cũng ca bài ca đức hạnh đó, làm cô phát nản.  

Chồng cô, lúc nào cũng muốn vợ mình phải “tam tòng tứ đức”, thế nên chuyện cô về thăm nhà đẻ cũng khó khăn vô cùng. Mặc dù nhà chồng cách nhà đẻ có hơn chục km nhưng từ ngày lấy chồng, đến nửa năm rồi cô mới về thăm  nhà được hai, ba lần. Bố mẹ cô cứ gọi điện hoài giục con gái về thăm nhà vì “chưa con cái nên vẫn còn thoải mái, ít nữa con cái vào thì đi đâu được nữa”.

Thế nhưng chồng cô lại không nghĩ thế. Phụ nữ đã đi lấy chồng thì nhà chồng là nhà mình, nhà đẻ đã là người ngoài. Vả lại, lấy chồng thì phải theo chồng, chồng cho phép thì mới được về nhà đẻ. Cô điên đầu với cái suy nghĩ cổ hủ của anh, nhưng nói mãi chỉ tội cãi nhau chứ anh luôn giữ vững lập trường. Mỗi khi cô xin phép về nhà đẻ, anh lại mặt nặng như chì, chỉ trích cô không biết suy nghĩ. “Giờ em là người ngoài rồi, nhà em là ở đây, em phải suy nghĩ thế chứ”.

Ngày sinh nhật anh, cô hì hục đi mua đồ về nấu nướng một bữa thịnh soạn. Cô mua cả bánh gato có dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật chồng yêu”. Ấy vậy mà, nhìn thấy nó, anh đã nhăn nhó: “Già rồi mà còn nhắng nhít bày vẽ, nhật nhẽo gì” làm cô chưng hửng cả ngày. Cô không nghĩ ở độ tuổi 40 là già, tự anh luôn làm cho tâm hồn mình già cỗi đi. Trước khi lấy anh, vẫn biết anh khô khan ít khi bày tỏ cảm xúc nhưng cô không nghĩ tâm hồn anh già cỗi đến thế. Nhiều lúc cô cứ nghĩ chồng mình giống như người thế hệ trước bởi cái gì anh cũng có suy nghĩ như người ngày xưa vậy.

Càng sống bên cạnh chồng, cô càng thấy ngán ngẩm, bức bối, thấy mình cũng nhanh chóng già nua đi. Ở cái độ tuổi của cô, nhiều người vẫn còn ham vui ham chơi lắm. Hoặc nhiều người lấy chồng nhưng vẫn nhõng nhẽo với bố mẹ, với chồng như trẻ con vậy. Nhưng còn cô thì sao? Sống bên người chồng già này, cô thực sự cũng già đi trông thấy. Cuộc sống vợ chồng cô, lẽ ra vẫn là cuộc sống vợ chồng son mà cô có cảm giác họ lấy nhau đến hai chục năm rồi. Bố mẹ cô ở nhà, cũng chẳng đến nỗi khô khan nhạt nhẽo như cô và anh. Mỗi lần cô định làm gì để hâm nóng tình cảm vợ chồng, anh lại úi xùi “già rồi làm thế người ta cười cho”. Dường như trong thâm tâm anh, lúc nào cũng “già rồi”.

Chồng già cổ hủ lạc hậu, mẹ chồng cô còn cổ hủ hơn. Đâu dễ dàng gì để một cô gái trẻ mới ngoài 20 làm dâu một người đã 70. Biết điều đó nên cô luôn cố gắng thay đổi bản thân mình. Từ cách ăn mặc, đi đứng nói năng cho đến cách suy nghĩ. Cô cùng luôn cố gắng suy nghĩ già đi để cho đỡ “lệch tông” với gia đình chồng.

Nhưng mọi cố gắng của cô dường như không được nhà chồng nhìn nhận. Trong mắt mẹ chồng, cô chỉ giống như đứa con nít. Nhiều khi mẹ chồng mắng cô mà bà còn cố tình mắng luôn cả nhà thông gia vì quá nuông chiều con. Khổ nỗi, cô có phải là hỗn láo gì cho cam. Cô được bố mẹ giáo dục nghiêm khắc để “đi lấy chồng người ta không mang chúng tao ra mắng”. Thế mà mẹ chồng không bao giờ hài lòng với cô con dâu nhỏ tuổi. Chẳng may cô nấu ăn có mặn một chút, hay lau cái nhà chưa sạch lắm hoặc tuột tay đánh vỡ một chiếc bát là ý rằng mẹ chồng cô mắng té tát: “Đúng là cái đồ hậu đậu, nhà này lấy cô về làm dâu chứ không phải làm bà hoàng cho cô phá…”.

Những lúc ấy cô lại cố nén nước mắt vào trong lòng, bởi có khóc lại bị mắng là “đồ tiểu thư, đồ trẻ ranh vắt mũi chưa sạch mà đòi đi lấy chồng”. Ấm ức quá, có kể lể với chồng thì cũng chẳng nhận được sự động viên nào, chỉ là tức thêm mà thôi. Lâu dần, cô sống như cái bóng lặng lẽ. Cô âm thầm cố gắng làm tốt việc nhà để mẹ chồng khỏi phàn nàn trách mắng. Còn với chồng, cô cũng chẳng còn nhiệt huyết để tâm sự kể lể với anh nữa. Vợ chồng cô lâu lắm rồi chẳng còn một cuộc nói chuyện quá 10 phút.

Có nói cũng chỉ là trao đổi một vài việc nhà hay là những lời anh dạy vợ mà thôi. Đến giờ, càng sống cùng anh cô càng thấm thía cảnh “chồng già vợ trẻ là tiên” lắm rồi. Xét cho cùng, cùng vì chênh lệch tuổi tác mà vợ chồng cô “lệch pha” mọi thứ. Có lẽ cô cần suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ này.

Thùy Liên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình