Quan điểm “chồng làm nhiều việc nhà, gia đình đổ vỡ” được chia sẻ nhiều trên mạng đang gây nhiều tranh cãi. Người đồng tình, người cho là vớ vẩn, còn dưới đây chuyên gia lại có ý kiến khác?.
Những ngày gần đây, cư dân mạng đã chia sẻ nhiều và bàn tán xôn xao về quan điểm “Chồng càng làm nhiều việc nhà, gia đình càng dễ đổ vỡ” theo kết quả nghiên cứu một báo cáo của các nhà khoa học ở NaUy. Trong bài viết này lý giải nếu các cặp đôi hiện đại có xu hướng "sòng phẳng" trong chuyện phân chia việc nhà thì tình cảm, hôn nhân cũng rất dễ sòng phẳng. Nghĩa là nếu không hài lòng, hay không vừa ý, họ có thể nghĩ ngay đến chuyện ly hôn mà không do dự. Điều này vô hình chung dẫn đến nguy cơ đổ vỡ gia đình nhiều hơn.
Quan điểm của bài viết nhanh chóng được các “đấng mày râu” chia sẻ rầm rộ. Các ông chồng còn đăng những dòng trạng thái: “Quá chuẩn”; “Khoa học chứng minh thì chỉ có đúng mà thôi”; “Vợ ơi, anh sợ gia đình đổ vỡ nên từ nay anh hạn chế làm việc nhà nhé”;… rồi không quên tag vợ mình vào đọc. Ngược lại, với nhiều chị xem tỏ ra bất đồng quan điểm với "khoa học" này.
Vợ chồng cùng chia sẻ việc nhà sẽ góp phần gắn kết hôn nhân. ảnh TL
Chia sẻ về vấn đề đàn ông tham gia việc nhà với vợ, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn) cho rằng, các gia đình có chồng biết chia sẻ việc nhà với vợ có đời sống hôn nhân hạnh phúc hơn các cặp đôi còn lại. Đàn ông khi yêu thương vợ thật lòng khi thấy vợ phải làm việc quá nhiều sẽ cảm thấy xót. Vậy nên nói thương vợ mà không hỗ trợ vợ chỉ là “biện minh”.
Xưa tục ngữ có câu “Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác. Đàn ông không biết buộc lạt là đàn ông hư”. Trong thời đại ngày nay nếu phân chia như thế sẽ là bất hợp lý. Cuộc sống chỉ hai vợ chồng việc nhà sẽ rất đơn giản, nhưng khi có thêm những thành viên mới phát sinh rất nhiều việc.
Người phụ nữ ngày nay ngoài công việc xã hội, họ vẫn phải làm cả việc nhà, chăm con… Việc nhà từ đi chợ, nấu cơm, rửa bát, dọn nhà, phơi quần áo, tắm rửa cho con, dạy con học…được ví là việc “không tên” nhưng làm hết ngày này qua ngày khác không dứt đã ngốn nhiều thời gian của người phụ nữ trong gia đình. Ai biết thu vén hoặc có người hỗ trợ chắc cũng không vấn đề. Nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện thuê người giúp việc. Và dù có đảm đang hay không, bất kỳ người phụ nữ nào cũng đều muốn được nhìn thấy người đàn ông của mình cùng chia sẻ việc nhà cùng mình. Đó là tâm lý chung.
Chuyên gia tâm lý cho rằng, cùng nhau làm việc nhà không phải chỉ để vợ bớt mệt mà làm việc nhà để được lắng nghe trái tim của nhau nhiều hơn, để gắn kết tình vợ chồng bền chặt hơn. Khi đàn ông làm việc nhà, công việc hàng ngày được san sẻ, cả vợ và chồng đều cảm thấy vui vẻ để sau khi những công việc được hoàn thành sẽ có nhiều thời gian dành cho nhau hơn. Những người phụ nữ ấy cũng giảm stress đáng kể trong cuộc sống hàng ngày. Nếu nhỡ may vợ có ốm, chồng cũng quán xuyến được chuyện lo cho con cái. Những cử chỉ đơn giản này chính là cách thể hiện đơn giản mà ý nghĩa nhất của sự yêu thương, tôn trọng tình cảm vợ chồng.
Tuy nhiên, bình đẳng giữa vợ chồng không phải là phân chia để hai người ngang bằng nhau mà là quan tâm, hỗ trợ nhau cùng làm tốt việc của mình. Đàn ông làm việc nhà nhưng không nhất thiết là làm tất cả mọi việc. Người vợ cũng không nên áp đặt quá nhiều lên người chồng. Bởi có những việc họ rất hứng thú làm nhưng nhiều khi việc đó giống như cực hình nên hãy gợi ý và phân chia việc một cách hợp lý để chồng cảm thấy mình có trách nhiệm, vui khi được làm việc nhà cùng vợ con.
Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, đàn ông ngoài việc làm kinh tế còn biết làm việc nhà với phụ nữ là rất quyến rũ. Chẳng có người vợ nào lại không hài lòng, thậm chí còn lâng lâng hạnh phúc khi được đức lang quân giúp họ giảm bớt gánh nặng công việc trong ngày.
Người đàn ông không san sẻ việc nhà với vợ ngược lại còn có nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Cùng đi làm về, trong khi ông chồng vắt vẻo ngồi xem tivi, đọc báo hay trò chuyện với bạn bè thì vợ luôn chân luôn tay, đầu tắt mặt tối. Người phụ nữ thấy vậy cũng đã bực trong lòng. Đến khi làm hết mọi việc thì người đã mệt lử, mắt díp lại vì buồn ngủ, chẳng thiết làm gì…
Có người vợ biến thành osin của chồng lúc nào không biết. Sau nhiều năm, nhiều chị lạc hậu về mọi mặt, không biết chăm chút bản thân. Và rồi chính ông chồng một ngày nào đó lại chê “vợ quê một cục”. Và ai biết được, khi không còn xứng là bạn đời của chồng nữa, liệu anh ta có đi tìm “tri kỷ” bên ngoài gia đình không?.