"Khi bạn bỏ cuộc giữa chừng, bạn sẽ không bao giờ đủ can đảm để bắt đầu lại một lần nữa từ điểm xuất phát. Chỉ bằng cách kiên trì, bạn mới có thể đạt được thành công. Đừng bao giờ từ bỏ chỉ vì một chút thất bại", nữ tỷ phú Chu Quần Phi khẳng định.
Sinh ra từ làng, mẹ mất sớm, tuổi thơ cơ cực
Là nữ tỷ phú tự thân giàu bậc nhất thế giới, ít ai biết được Chu Quần Phi (Zhou Qunfei), người sáng lập và điều hành Lens Technology (công ty chuyên sản xuất màn hình thủy tinh cho các hãng điện thoại) đã trải qua những tháng ngày hết sức cơ cực.
Chu Quần Phi sinh năm 1970, ở một làng quê nghèo tại thị xã Tương Hương, thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Năm Quần Phi lên 5, mẹ của bà đột ngột qua đời, để lại cảnh gà trống nuôi con nơi quê nghèo. Cha của bà sau một tai nạn lao động đã bị mất ngón tay, mắt cũng gần như bị mù.
Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, tuổi thơ của bà là những tháng ngày sớm dậy hái rau cho lợn, chiều đi học về lại tất bật với đàn lợn, đàn gà. Bà luôn hoàn thành bài vở một cách nhanh nhất để có thể giúp đỡ gia đình, giúp người cha kiếm thêm thu nhập.
Cha của Chu Quần Phi từng học đan và là người có tay nghề khá cao. Hàng ngày ông đan những chiếc giỏ rồi cùng con gái đem ra chợ bán. Những người ở chợ đều đã quen thuộc với hình ảnh cô con gái nhỏ tay đỡ người cha, miệng rao bán những chiếc giỏ tự đan. Tuy nhiên số tiền họ thu được từ công việc này chẳng đáng bao nhiêu khi mỗi chiếc giỏ đan chỉ có giá chưa đến 1 tệ (tương đương 3.400 đồng).
“Tôi liên tục phải nghĩ xem bữa tới sẽ ăn gì và làm sao để có thứ gì đó để ăn”, nữ tỷ phú từng chia sẻ với CNBC.
16 tuổi bỏ học, từ cô công nhân bước lên tầng lớp lãnh đạo
Ở nơi mà Chu Quần Phi sinh ra, cuộc sống của tất cả những cô gái trong làng đều là kết hôn sớm và quanh quẩn chăm lo cho chồng con. Năm 16 tuổi, bà nghỉ học để đi làm công nhân trong một nhà máy sản xuất mặt kính đồng hồ ở Thâm Quyến với tiền công 1 USD/ngày.
Đó là những tháng ngày Chu Quần Phi miệt mài làm việc và học tập. Ban ngày bà đi làm trong nhà máy, tối đến lại chong đèn bên những lớp học bổ túc hay thư viện. Bà cố gắng học tập tất cả những gì mình có thể, từ lái xe chở hàng đến kế toán, máy tính… Với bà, học thêm được một kỹ năng nghĩa là đường mưu sinh sẽ nhiều hơn một ngả.
Sau 3 tháng làm việc, bà quyết định viết đơn xin nghỉ việc vì muốn được học hỏi nhiều điều hơn nữa ở nơi khác thì bất ngờ được cấp trên giữ lại với đề nghị làm quản lý cho một nhóm nhỏ. Đây chính là một trong những cột mốc quan trọng trong đời bà, khi từ một cô công nhân bước lên tầng lớp lãnh đạo.
Nhiều năm gắn bó cũng như cống hiến những thành tựu nhất định cho công ty, Chu Quần Phi quyết định ra đi tìm một chân trời mới. Năm 1993, bà cùng các thành viên trong gia đình lập nên một công ty tư nhân. Những ngày đầu khởi nghiệp với biết bao gian nan vất vả khi bà phải tự mình đi tìm từng khách hàng.
Người ta nói rằng, có lẽ chính những khoảng thời gian khó khăn khi liên tiếp nhận những lời từ chối làm khách hàng đã khiến Chu Quần Phi luôn lắng nghe người khác một cách kỹ càng rồi mới thận trọng đưa ra quyết định của mình. Công việc dần phát triển, bà phải thuê thêm nhân công khi các khách hàng lần lượt tìm đến. Đó cũng là khoảng thời gian nữ tỷ phú này từng phải bán nhà 2 lần để trả tiền công nhân.
10 năm sau đó, bà đã xây dựng nên một công ty sản xuất màn hình điện thoại với quy mô 1.000 lao động. Tuy nhiên, năm 2003, khi bà đánh bại một công ty đối thủ và giành được hợp đồng với công ty Motorola cũng là lúc bà trải qua khoảng thời gian đáng nhớ nhất.
"Một đối thủ đã chơi xấu, tìm cách liên kết với đơn vị cung cấp nguyên liệu thô để loại tôi ra khỏi cuộc chơi. Nhà cung cấp nguyên liệu khi đó đã đặt ra yêu cầu rất khó, bắt Lens Technology phải thanh toán toàn bộ chi phí trước khi giao nguyên liệu.
Tôi gần như đã tuyệt vọng. Đứng ở bậc thềm ga Hung Hom, Hong Kong, tôi đã định tự tử với suy nghĩ mọi rắc rối sẽ biến mất khi mình chết đi song một cuộc điện thoại của con gái đã khiến tôi thức tỉnh. Vì gia đình và vì nhân viên của mình, tôi không được phép bỏ cuộc”, Chu Quần Phi nhớ lại những ngày tháng khó khăn.
Sau sự giúp đỡ của Motorola, bà đã vượt qua khó khăn về tài chính này và đưa Lens Technology trở thành công ty chuyên cung cấp màn hình điện thoại cảm ứng cho các hãng điện tử lớn trên thế giới như Samsung, Apple… Năm 2018, theo thống kê của Forbes, giá trị của Lens Technology đã đạt 11,4 tỷ USD với 82.000 nhân viên trên khắp Trung Quốc.
Bí quyết thành công nằm ở hai chữ “kiên trì”
"Rất nhiều người đã trải qua những thất bại khiến họ không còn dám tin vào chính mình, thậm chí tuyệt vọng. Tuy nhiên điều quan trọng chính là sự kiên trì, đặc biệt là trong những khoảng thời gian khó khăn", nữ tỷ phú chia sẻ.
Mọi người trong ngành công nghiệp sản xuất màn hình điện thoại thường gọi người đàn bà này với cái tên "Đại ca Phi". Sự mạnh mẽ trong con người bà khiến ai nấy không khỏi nể phục.
Là người theo đuổi sự hoàn hảo, Chu Quần Phi từng thừa nhận việc giám sát hoạt động kinh doanh không hề dễ dàng. Bà từng làm việc 18 tiếng mỗi ngày và sinh hoạt ngay tại văn phòng của mình. Bà luôn rất cẩn trọng trong công việc và chú ý tới từng chi tiết nhỏ.
"Cha tôi bị mất thị lực nên mọi thứ trong nhà đều cần được đặt ở một vị trí thật chính xác, nếu không muốn có chuyện không hay xảy ra. Đó cũng là điều mà tôi đòi hỏi ở công ty này".
Một kỷ niệm thú vị là khi Chu Quần Phi cùng 20 quản lý của công ty mình cùng tham gia hoạt động tập thể là leo lên đỉnh núi Dawei (ở độ cao 5000 feet so với mực nước biển). Mọi người đều muốn bỏ cuộc khi mới đi được nửa đường và Chu Quần Phi là người duy nhất phản đối, nhấn mạnh rằng mọi người nhất định phải tiếp tục hành trình của mình.
"Khi bạn bỏ cuộc giữa chừng, bạn sẽ không bao giờ đủ can đảm để bắt đầu lại một lần nữa từ điểm xuất phát. Chỉ bằng cách kiên trì, bạn mới có thể đạt được thành công. Đừng bao giờ từ bỏ chỉ vì một chút thất bại", Chu Quần Phi khẳng định.