Mẹ ơi, người yêu đầu đã phụ con và con đau lắm. Nhưng con gái mẹ còn hy vọng ở cuộc tình sau. Còn mẹ, mẹ đâu còn gì ngoài những ngày tháng bố rắc nỗi buồn lên cuộc đời mẹ?
Trong tiềm thức thời ấu thơ, hình ảnh người bố không sâu đậm và dày đặc như mẹ. Ngày ấy, bố tôi thi thoảng đưa tôi đi đến những khu vui chơi. Hoặc khi tôi được phiếu bé ngoan, bố mua cho tôi một cuốn băng phim hoạt hình để xem. Còn những ngày kia là những ngày bình thường trôi qua, tôi bên cạnh mẹ. Mẹ không mua cho tôi những món quà. Nhưng hình ảnh của mẹ đầy ắp một vùng tuổi thơ tôi.
Bố là một người nghiêm khắc, roi vọt. Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn chia sẻ tâm sự với mẹ nhiều hơn bố, dù rằng tôi đã hai mươi, thoải mái tự tin hơn xưa rồi. Bố chỉ xuất hiện có vậy, một chút niềm vui, một chút sợ hãi. Nhưng trong vô thức, đứa trẻ như tôi vẫn cần một người bố, cần một người trụ cột của gia đình. Lên năm tuổi, bố đi nhậu về khuya, tôi đã thức đến đêm để chờ bố về. Tôi sợ mất bố. Mẹ tôi sau này kể, cái cảnh bố về muộn như thế mẹ quen rồi, từ những ngày tôi mới biết đi.
Năm tôi học cấp 2, mẹ tôi khóc ròng hằng đêm, mắng nhiếc bố vì bố có người phụ nữ khác bên ngoài. Thoạt đầu, tôi không tin mẹ. Một người bố nghiêm trang như thế, cớ sao lại có thể làm điều tệ hại ấy? Nhưng mẹ tôi đã đúng. Khi tôi nhận ra, bố phản bội mẹ, tôi buồn lắm vì bức tượng đồng nghiêm trang là vậy mà lại có thể đổ nát trong tích tắc.
Tôi thương mẹ. Mẹ ôm tôi và khóc, rất nhiều. Ngày ấy, tôi không biết tương lai của gia đình ra sao. Và khi ấy, tôi chợt nhận ra, tôi cần mẹ hơn bố. Bố đi nhiều hơn, những bữa cơm tối không có bố, những đêm khuya trong chập chờn, tôi chưa nghe tiếng xe của bố về. Mẹ và tôi đã quen dần với sự thiếu vắng của người chồng, người cha.
Mẹ là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời tôi. (ảnh minh họa)
Một thời gian sau đó, bố đã quay về, quỳ dưới chân mẹ, xin mẹ tha thứ cho lầm lỗi của ông. Mẹ tôi không chấp nhận, muốn ly dị vì tội của bố quá lớn. Nhưng bố van xin mẹ. Có lẽ, bố cũng như bao người đàn ông khác, cũng vẫn cần một mái ấm, vì sĩ diện và cũng là tìm niềm an ủi thực sự. Nhìn những đứa con khỏe mạnh, nhìn những đứa con học tốt, chắc chắn niềm hạnh phúc phải kéo dài hơn những lúc ở bên cạnh một người phụ nữ mới.
Tưởng chừng như tương lai gia đình sẽ đi đến tan tành, nhưng mẹ tôi đã nhận lời xin lỗi của bố. Mẹ có nói thoáng qua, vì mẹ muốn chúng tôi có đủ cha và mẹ, không hổ mặt với bạn bè trang lứa. Tuy nhiên, gió bão chưa dừng, mẹ tôi trở nên hoài nghi, mẹ tôi suốt ngày nhắc lại lỗi lầm của bố, mỗi khi bố đi sớm về khuya.
Từ đó, tôi chuyển sang giận mẹ trong lòng, chuyện đã qua rồi, cớ sao mẹ cứ hay nhắc lại? Mỗi lần đem chuyện cũ ra chì chiết bố, gia đình lại ồn ào, hàng xóm lại được phen hóng chuyện. Bố cũng gắt, trách mẹ hay nhai đi, nhai lại chuyện cũ. Khi ấy, tôi đứng về phe bố. Tôi thấy mẹ chưa thực sự tha thứ cho bố.
Sau này lớn, ra đời, hiểu đời, tôi quay lại thương mẹ. Tôi biết làm ra đồng tiền khó khan thế nào. Nhẽ ra tôi không nói ra, nhưng vì cứ giữ mãi trong lòng làm tôi thấy tăng phần tội lỗi. Tôi cũng đủ dũng khí, mếu máo nói với mẹ “con thương mẹ”. Bao năm qua, mẹ như gà mẹ bảo vệ gà con. Mẹ đi làm để có thêm tiền, cho tôi những bữa ăn ngon, chứ không trông đợi vào đồng lương của bố. Mẹ ơi, đời khắc nghiệt đến thế, làm ra đồng tiền phải đánh đổi nhiều thứ mà mẹ chẳng quản ngại. Vì ai? Vì gia đình, vì những đứa con!
Mãi khi tôi có người yêu, tôi càng thương mẹ hơn. Tôi yêu anh rất nhiều. Nhưng có lẽ, vì có được tôi quá dễ dàng nên anh không trân trọng tôi. Có lần, anh lỗi hẹn, bỏ mặc tôi dưới mái hiên mưa lạnh, suốt ba tiếng. Và những lúc tôi nói xa nói gần tỏ ý ghen tuông vì anh có những lúc mờ ám, anh trách tôi chưa tin tưởng anh. Anh trách tôi ghen tuông vớ vẩn.
Nhưng sau đó, chúng tôi chia tay nhau thật. Tình đầu của tôi không quá dài, không có nhiều kỷ niệm đẹp. Ngày tôi chia tay, anh thờ ơ, không nói gì thêm, không níu kéo, không hỏi nguyên do. Tôi chia tay vì hành động và lời nói của anh chưa đủ gây niềm tin cho tôi, chưa đủ làm tôi cảm thấy bình an khi yêu anh.
Mấy ngày sau, tôi được biết, anh đã đi cạnh người mới. Anh vẫn vui, vẫn hạnh phúc. Bao thương tổn, tôi đã giữ lại. Tôi thấm thía câu hát, “tình sang bến mới tình vui, tình bỏ ta đi mất rồi…”.
Vết thương trong tôi chưa vội lành, hãy còn âm ỉ, trong lúc ấy, mẹ đã trách bố đưa tiền lương ít hơn tháng vừa rồi. Bố cáu gắt, “tôi có việc riêng, tiền tôi làm ra tôi có quyền!”. Mẹ vì bữa cơm ngon của con mình, mà nói, “nhưng tiền ông làm ra là phải để con ông hưởng, chứ không phải mấy ả điếm ngoài kia!”. Bố đã tát mẹ. Bố lớn tiếng, “không được nói về tôi như thế trước mặt con cái!”.
Vết thương của tôi và của mẹ hòa lại làm một. Tôi đã bước ngay lại chỗ bố, đứng trước mặt bố và nói lớn, “bố có còn là đàn ông nữa không? Tại sao bố lại đánh mẹ? Mẹ vì bố, vì gia đình này mà hy sinh biết bao, cớ sao bố không trân trọng? Phải chăng ngày trước, bố có được trái tim mẹ, cũng như nhận được lời thứ tha của mẹ cho lỗi lầm tày trời của mình một cách quá dễ dàng nên giờ bố không trân trọng mẹ. Sao bố không cố gắng nhường nhịn mẹ? Sao bố không chịu trấn an mẹ để hai người cùng ngồi lại nói chuyện? Bố không còn thương mẹ nữa! Bố cũng không cần gia đình này nữa phải không?”
Sau đó, tôi òa khóc. Đến khi tôi viết những dòng chữ này lại, tôi vẫn rơm rớm nước mắt. Tôi hoảng sợ biết bao khi nghĩ về hai tiếng “gia đình”. Rồi đây tôi sẽ có gia đình nhỏ cho riêng mình? Tôi liệu có dám lập gia đình hay không? Tôi ám ảnh những cuộc cãi vã của bố mẹ.
Giờ đây, tôi nghĩ, nếu tôi có lập gia đình, tôi sẽ cố gắng không để những đứa con chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã. Nhưng làm được điều ấy khó lắm, tôi đã từng ghen tuông, từng nhai đi nhai lại những lời móc mỉa dành cho người tình đầu tiên của mình. Tôi cũng từng như mẹ ngày trước.
“Mẹ ơi, người yêu đầu đã phụ con, con đau lắm. Nhưng con còn hy vọng ở cuộc tình sau. Còn mẹ, mẹ đâu còn gì ngoài những ngày tháng bố rắc nỗi buồn lên cuộc đời mẹ?”. (ảnh minh họa)
Tôi nhắc mình, muốn có một gia đình hạnh phúc, trước hết phải tìm một người đàn ông đứng đắn, tử tế để yêu. Đó phải là một người đàn ông biết quan tâm, trân trọng mình. Tôi nhìn mẹ nấu bữa cơm tối cho gia đình rồi trong lòng xót xa, nghĩ ngợi, “Mẹ ơi, người yêu đầu đã phụ con, con đau lắm. Nhưng con còn hy vọng ở cuộc tình sau. Còn mẹ, mẹ đâu còn gì ngoài những ngày tháng bố rắc nỗi buồn lên cuộc đời mẹ?”.
Tôi sẽ có hạnh phúc trong tương lai. Tôi sẽ phải nỗ lực làm ra tiền nhiều hơn nữa, để mai này, tôi chăm lo cho mẹ già. Tôi muốn khi sức khỏe mẹ không còn nhiều nữa, mẹ sẽ sống trong an nhàn, chứ không phải lo nghĩ đến tôi. Hạnh phúc hiện tại của tôi không phải là một cuộc tình đầy ắp yêu thương mà là nỗ lực kiếm tiền, nghĩ về tương lai, mẹ sẽ sống trong an nhàn, hạnh phúc.