10 triệu với một đứa mới ra trường thực sự là con số khiến tôi rất hài lòng. Với suy nghĩ đầu tư vào bản thân chính là cách đầu tư hiệu quả nhất, tôi đến những nơi mình mơ, mua thứ mình thích. Cho đến khi dịch COVID-19 xảy ra, tôi mới thấm rằng mình đã lãng phí 3 năm chi tiêu bất hợp lý.
(*) Bài viết là chia sẻ của chị Nguyễn Hồng Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội). Chị hiện là nhân viên văn phòng cho một công ty Hàn Quốc.
Tôi từng là một trong những đứa may mắn ở lớp đại học khi vừa ra trường một thời gian đã có được một công việc với mức lương 10 triệu đồng. Tôi tự nhận mình là người có ngoại hình dễ nhìn, khá linh hoạt và nhờ biết thêm tiếng Hàn Quốc nên tôi nhanh chóng được nhận việc sau sự giới thiệu của người quen.
10 triệu với một đứa mới ra trường thực sự là con số khiến tôi rất hài lòng. Với suy nghĩ đầu tư vào bản thân chính là cách đầu tư hiệu quả nhất, tôi đến những nơi mình mơ, mua thứ mình thích. Tháng nào sạch tiền tháng đó nhưng cũng chưa đến mức phải thiếu thốn đi vay nên tôi chưa nghĩ việc quản lý tài chính của mình có vấn đề.
Cho đến khi dịch COVID-19 diễn ra, tôi mới thấm rằng mình đã lãng phí 3 năm chi tiêu hoang phí mà không hề nghĩ đến tương lai. Nhìn cảnh bạn bè bị mất việc, giảm lương, tôi mới nhìn lại mình. Nếu hôm nay tôi bị mất việc hay đơn giản là thu nhập bị ảnh hưởng thì tôi sẽ phải làm sao khi thậm chí không có một đồng dự phòng hay tích luỹ?
“Lương vài đồng, làm kế hoạch gì cho mất công”
Có lẽ đây là một suy nghĩ rất phổ biến trong giới trẻ. 10 triệu là mức lương khá so với người mới ra trường song cũng chẳng phải là con số quá lớn gì. Hơn nữa, tôi nghĩ mình có lên kế hoạch phân bổ ngân sách hay không thì cũng vậy, đừng chi tiêu gì hoang phí quá là được.
Sống với suy nghĩ như vậy nên trong suốt 3 năm đi làm, tôi chưa từng lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm cho mình. Tôi tiêu theo nhu cầu, tự nhủ bản thân rằng miễn không để đến cảnh phải đi vay mượn là được.
Thế rồi mọi thứ thay đổi khi dịch COVID-19 đến. Rất may công ty tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều, cấp trên nói vẫn đủ khả năng chi trả cho anh em nên thu nhập không bị giảm. Thế nhưng nhìn bạn bè xung quanh chật vật với cuộc sống khi bỗng nhiên mất việc, tôi mới thử đặt bút ghi chi tiêu thì thấy việc quản lý tài chính của mình thực sự có vấn đề.
Tôi chưa từng nghĩ đến việc vì sao mỗi tháng lương 10 triệu chưa kể thưởng mà tôi vẫn không 1 đồng tiết kiệm trong tay. Chỉ khi ghi chép ra, tôi mới biết tiền của mình đã đi đâu và biết mình cần làm gì để thay đổi tình hình. Trò chuyện với vài cô bạn thân, nghe họ chia sẻ cách tiết kiệm hàng tháng mà tôi thấy thật xấu hổ. Hãy nhớ rằng lên kế hoạch tài chính, phân bổ ngân sách là điều nhất định phải làm, lương thấp càng cần chi tiêu có kế hoạch.
Đây không phải việc to tát hay nặng nhọc gì, cũng không tốn quá nhiều thời gian song thực sự hiệu quả. Bạn sẽ không rơi vào tình trạng như tôi, chẳng biết tiền của mình mỗi tháng đi đâu, luôn lơ mơ với suy nghĩ "cũng là tiêu cho mình thôi mà". Không ai biết ngày mai có biến cố gì xảy ra, hãy tiêu dùng một cách thông minh và có khoản dự phòng, tích luỹ.
Trưa ăn hàng, chiều trà sữa, tối cà phê
Công ty tôi làm việc đa phần là nhân viên trẻ. Chị trưởng phòng cũng chưa đến 30 tuổi, người "dừ" nhất chỉ có bác sếp người Hàn Quốc. Vì đa phần là còn độc thân nên ít người mang cơm đi ăn trưa mà đều ra ngoài quán ăn cả. Tôi lại sống một mình nên càng thấy việc chuẩn bị cơm nước rất tốn thời gian và công sức.
Vậy là sáng, trưa tôi đều làm bạn với hàng quán, đôi khi là cả tối những lúc cơn lười nổi lên. Sáng bánh mì, bánh bao, trưa thì bún chả, bánh cuốn, khi thì cơm văn phòng. Trung bình mỗi ngày tôi tốn khoảng 90 nghìn cho 3 bữa ăn.
Chiều đến là lúc các chị em trong phòng hay "buồn miệng" nên trà sữa, trà chanh hay nem chua rán, thịt xiên nướng trở thành bữa chiều quen thuộc. Có chị em nào mà không mê mẩn những cốc trà sữa với lớp kem chesse béo ngậy ở trên hay lớp trân châu đường đen thơm ngon mê mẩn bên dưới.
"Này! Có quán cà phê này mới toanh, thấy chụp ảnh đẹp lắm. Tối đi đi!".
"Hôm nay mới có lương, chị em đi làm bữa "tươi" cho đổi món nhỉ".
"Chị buồn quá. Trưa đi làm bữa thịt chó cho giải xui được không?".
Những tin nhắn như vậy trở nên quá quen thuộc và tất nhiên tôi chưa từng từ chối. Sao có thể không nhận lời những đề nghị vui vẻ như vậy được chứ. Một bữa ăn lẩu hay buffet cũng chỉ 300 nghìn, hôm nào ăn sushi thì cỡ 400 nghìn, trà sữa ăn chiều thì cỡ 50 nghìn là căng, cà phê sang chảnh thì 100 nghìn là ổn. Tôi và hội "chị em bạn dì" chưa từng bỏ lỡ quán cafe nào đang nổi, món ăn nào đang hot.
Nghĩ vậy nên khi đặt bút thấy mỗi tháng mình tốn gần nửa lương cho tiền ăn (khoảng trên 4 triệu đồng) mà tôi đã rất sốc. Có lẽ đây là sai lầm phổ biến với nhiều người trẻ, không chỉ riêng tôi khi tốn quá nhiều tiền cho ăn uống hàng quán.
Năm du lịch đôi ba lần, đã đi là phải "sống hưởng"
Trải nghiệm là điều rất đáng quý mà chẳng ai có thể cho bạn hay sách vở nào dạy được. Chính vì điều đó mà tôi tự cho phép mình mỗi năm đi du lịch ít nhất 2 lần nếu là trong nước hoặc 1 lần nếu là đi nước ngoài. Có được những kỷ niệm thú vị, đến những nơi hay ho, ăn những món mới lạ chẳng phải điều tuyệt vời nhất sao.
Vậy là mỗi tháng tôi đều để khoảng 1 triệu đồng vào đút lợn cho việc du lịch. Đây là khoản duy nhất tôi có kế hoạch trước. Mỗi năm tôi sẽ có 12 triệu trong lợn và cộng thêm các khoản thưởng 8/3, 30/4, 2/9, 20/10, trích một phần nhỏ tiền thưởng Tết là đủ khoảng 20 triệu. Đây là số tiền tôi dành để hưởng thụ ở một nơi xa.
"Thà một phút huy hoàng” là quan điểm của tôi khi đi du lịch. Đã đi du lịch là phải hưởng thụ, ở phòng đẹp đẽ "sống ảo", ăn uống không suy nghĩ nhiều. Tôi từng rất hài lòng với suy nghĩ này của mình và nghĩ nó hoàn toàn không vấn đề khi bản thân vẫn đủ để trang trải.
Thế nhưng du lịch liệu có cần phải ở nơi "sống ảo", ăn những món đắt tiền mới là trải nghiệm không? Sự thật là không và tôi nhận ra bài học đắt giá rằng mình đang chi tiền để "sống ảo" chứ không phải để có trải nghiệm khi đến những vùng đất mới.
Lãng phí tiền cho thuê nhà
Đây cũng là một sai lầm mà tôi nhất định sẽ thay đổi sau khi dịch COVID-19 qua đi.
Vì thu nhập không đến nỗi nên tôi tự cho phép mình ở thoải mái một chút. Trong khi bạn bè rủ nhau ở chung để tiết kiệm tiền thuê nhà, tiền đi lại thì tôi lại chỉ thích ở một mình. Vậy là mỗi tháng tôi đều chi khoảng 2,8 triệu đồng cho tiền thuê nhà (đã gồm điện, nước..).
Cuối tuần tôi hay về quê, ngày thường thì đi làm nên tối chỉ về ngủ. Tôi nhận ra mình hoàn toàn có thể tiết kiệm hơn bằng việc rủ bạn thuê cùng. Chúng tôi có thể chia sẻ tiền nhà cũng như cùng nhau nấu nướng để giảm tiền ăn hàng.
Chúng ta không thể làm giàu chỉ bằng việc tiết kiệm song người không biết chi tiêu thì kiếm được bao nhiêu rồi cũng vung hết cho những khoản chi không cần thiết mà thôi. Dịch bệnh lần này chính là lúc tôi nhận ra bài học đắt giá cho mình về tầm quan trọng của việc chi tiêu hợp lý, quỹ dự phòng hay tiền tích luỹ.