Gả con gái về nhà chồng, bố mẹ nào cũng cố gắng dành dụm ít của hồi môn cho con gái, để con có của phòng thân lúc cơ nhỡ. Vậy, nếu hỏi "Có nên đưa của hồi môn cho mẹ chồng?", bạn sẽ phải xử trí ra sao?
“Của hồi môn”có ý nghĩa quan trọng thế nào?
Người Việt ta từ có phong tục là khi con gái đi lấy chồng, bố mẹ đều tặng cô dâu một ít của hồi môn để mang về nhà chồng. Nhà nào giàu có điều kiện thì của hồi môn có thể là nhà lầu, ô tô hay đến cả chục cây vàng.
Nhà nào điều kiện ít hơn thì cố gắng mua cái kiềng vàng, cái vòng vàng, để gọi là có chút gì đó trao cho con gái trong ngày trọng đại. Nếu mà không có gì thì sợ con gái sẽ tủi thân. Mà quan trọng là không có những thứ đi thì về nhà chồng rồi cũng chẳng được yên, kiểu gì cũng có lời ra tiếng vào.
Của hồi môn là thứ quan trọng nhất đối với mỗi nàng dâu khi về nhà chồng, nó không chỉ là nghi lễ, mà nó còn là sự quan tâm, lo lắng của bố mẹ dành cho con gái, chỉ mong rằng về nhà chồng con có chút vật phòng thân lúc khó khăn hoạn nạn mà thôi.
(ảnh minh họa)
Thế nhưng từ xưa đến nay, chuyện mẹ chồng – nàng dâu luôn nổi cộm những khó khăn hòa hợp trong cuộc sống, không vì lẽ này thì vì lẽ khác. Để con dâu tin tưởng tuyệt đối mẹ chồng để gửi gắm của hồi môn bố mẹ đẻ trao thì nghe có vẻ thật khó.
Có nên hay không đưa của hồi môn cho mẹ chồng?
Nghĩ bố mẹ đẻ con gái thiệt thòi thật nhiều. Nuôi con khôn lớn, con gái chưa kịp báo hiếu ngày nào thì đã đi lấy chồng, rồi lại còn phải có trách nhiệm dành dụm cho con ít của hồi môn mang về nhà chồng.
Từ một diễn đàn lớn dành cho chị em, một câu hỏi ngắn gọn bỗng xôn xao dư luận, khiến các chị em tranh cãi đủ chiều hướng từ gái chưa chồng đến các mẹ bỉm sữa rằng: “Có nên đưa của hồi môn cho mẹ chồng?”. Sau một thời gian dài đăng tải, đa phần số lương bình luận đều nói “không”, họ chia sẻ những bài học kinh nghiệm sâu sắc khi đã được trải qua cuộc sống “Sống chung với mẹ chồng”.
"Có mom nào cưới xong được mẹ chồng "giữ hộ" tiền và vàng không ạ?"
Chị Tuyết Nhung, một nhân viên văn phòng đang làm cho một công ty nước ngoài, với một tư tưởng cởi mở đã chia sẻ quan điểm của mình rằng: “Hồi môn là tiền bố mẹ mình dành dụm đưa cho mình về nhà chồng để phòng thân, có khi vất vả mấy chục năm trời mới có được, sao lại phải đưa cho mẹ chồng? Phương án A là mình tự giữ, B là gửi lại mẹ đẻ, không có phương án C.
Đó là quyết định cá nhân, không liên quan đến chuyện con dâu có hiếu với mẹ chồng hay không. Bởi dù sao quãng thời gian sau này sống ở nhà chồng còn nhiều hơn cả với bố mẹ đẻ, còn nhiều thứ phải lo, tiền bạc hay gì thì mình sẽ xoay sở sau. Tiền làm đám cưới thì mình luôn nghĩ là nhà ai lo nhà nấy, cái gì chung mới cần bàn bạc chung".
Cho dù tư tưởng thông thoáng như vậy, nhưng khi được hỏi nếu gặp phải mẹ chồng khó tính đòi cầm hổ thì sao, Nhung cười và chia sẻ rằng: "Ôi, mình đã trưởng thành rồi, lấy chồng thì cũng cần lo cho cuộc sống riêng chứ. Mình sẽ nói khéo, không thẳng toẹt ra nhưng vừa đủ để mẹ chồng hiểu rằng mình không thích bị đòi hỏi như thế. Còn chẳng may gặp mẹ chồng vặn vẹo thì... từ từ mình tính đã".
Còn với Thùy Trang, một cô gái trẻ Quảng Ninh 20 tuổi, dù chưa lập gia đình, nhưng đã chứng kiến chị gái mình lấy chồng, ít nhiều cũng có một chút kinh nghiệm, Trang chia sẻ rằng: "Tất nhiên là không đưa rồi, phải giữ làm vốn riêng của 2 vợ chồng chứ, hoặc mang về nhờ mẹ đẻ giữ hộ cho chắc, lúc nào cần dùng thì xin lại dễ hơn.
Quan điểm của cá nhân mình, hồi môn được bố mẹ cho riêng, làm gì với nó là quyền của người phụ nữ, miễn không lãng phí. Tính mình vô tư, người yêu cũng thế, 2 đứa lại chung sở thích du lịch nên có khi chẳng để dành được của hồi môn cơ, vì bọn mình đã "ủ mưu" là bán hết tài sản đi hưởng tuần trăng mật vòng quanh châu Âu rồi".
Đúng là mỗi cá nhân đều có một chiều hướng suy nghĩ khác nhau cho riêng mình, tuổi trẻ thường có cách nghĩ hiện đại và phóng khoáng, còn những bạn trưởng thành, chín chắn hơn thì lại có những quan điểm mang tính “an toàn” nhiều hơn.