Tết lại gần đến, nghĩ cảnh năm ngoái ngồi cặm cụi gói từng chiếc bánh chưng mà tôi thực sự hãi hùng.
Ngày chưa lấy chồng, mỗi dịp Tết đến Xuân về, đứa con gái phố như tôi lại được cùng chúng bạn xúng xính trong nhà tà áo dài thưới tha, trang điểm rõ xinh mà tung tăng dạo phố hay đến chơi nhà người thân.
Nhưng từ khi lấy chồng thì những ký ức đó thực sự là xa xỉ và xa vời đối với một cô dâu quê, nơi mà những ngày Tết đồng nghĩa với những ngày cắm mặt vào góc bếp, hết nấu nướng, dọn dẹp lại gói bánh tới tận khuya.
Truyền thống nhà chồng tôi là năm nào cũng gói bánh chưng để tặng cho họ hàng gần xa mà hẳn là 50 cái không hơn không kém. Mẹ chồng ưu ái giao hẳn cho con dâu chịu trách nhiệm khoản này từ A đến Z.
Chỉ nói thế thôi là có thể hiểu công việc khiến tôi liên tưởng như mình vừa mới từ Phụ sản trung ương trở về. Một mình ngồi giữa đống lá dong, lạt giang, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn… mà thấy lòng rối bời.
Vốn là đứa cá tính nên mặc dù không biết bắt đầu từ đâu, tôi vẫn cương quyết không tỏ ra nản lòng mà tự nhủ có lòng tin là làm được hết. (Ảnh minh họa)
Hơn 200 chiếc lá dong chưa rửa cùng đám đỗ xanh chưa đồ và thịt lợn còn nguyên cả tảng. Tôi đành vật lộn với đám lá dong trong tiết trời đông lạnh lẽo khiến bàn tay nhăn nheo, tê cóng cả lại. Vừa rửa lá dong, vừa phải đánh mắt đề ý đến đám đỗ xanh đang đồ.
Làm đến đây tôi đã thấy nản lắm rồi, nước mắt bắt đầu lăn trên má vì tủi thân. Nhiều việc thế này mà mẹ chồng chẳng cắt cử ai giúp đỡ, để tôi phải làm lụng quần quật từ tờ mờ sáng mà vẫn chưa đâu vào đâu.
Đến đoạn thái thịt ra thành từng miếng theo đúng yêu cầu của mẹ chồng căn dặn trước khi rời nhà thì tay tôi tê cứng. Nâng con dao lên mà tôi không sao cứa được miếng thịt cho rời hẳn ra. Nỗi uất nghẹn dâng lên tận cổ. Thế nhưng lòng tự trọng và bản tính ương bướng buộc tôi phải cố gắng, cố gắng để mẹ chồng thấy tôi không phải là đứa vô tích sự.
Công đoạn gói bánh cũng gian nan chả kém chuẩn bị nguyên liệu. Thế nhưng bác "gu gồ" đã cứu tôi một bàn thua trông thấy khi hướng dẫn cách gói bánh chưng sao cho vừa ngon, vừa đẹp.
Hơn 200 chiếc lá dong chưa rửa cùng đám đỗ xanh chưa đồ và thịt lợn còn nguyên cả tảng. (Ảnh minh họa)
Đọc thì thấy thật đơn giản nhưng đến khi bắt tay vào thực hiện thì ôi thôi, mồ hôi vã ra như tắm trong tiết trời quê lạnh dưới 10 độ. Vốn là đứa luôn có suy nghĩ tích cực, tôi lại mừng thầm vì mồ hôi đổ ra thì có thể cởi bớt áo, đỡ vướng víu và làm việc năng suất hơn.
Cũng phải mất đến chục cái đầu tiên, loay hoay gói vào rồi lại dỡ đến nỗi cái lá dong tả tơi tôi mới quen tay được với công đoạn trải lạt rồi đến lá dong với lượt dưới lượt trên, gạo nếp, đỗ xanh thịt lợn rồi lại đỗ xanh thịt lợn. Chưa kể lá dong, thịt lợn, gạo nếp và đỗ xanh không theo ý mình muốn, cứ ấn được chỗ này vào thì chỗ kia lại phòi ra. May mà không có ai ở nhà chứng kiến cái cảnh tôi chổng mông chạy quanh mâm để nắn chỉnh sao cho cái bánh chưng nó vuông thành sát cạnh như ý muốn.
Chưa hết, cái công đoạn buộc lạt mới hãi. Thực hành giống như trên mạng đã dạy rồi nhưng chắc tại mạnh mẽ quá nên sau vài lần xoắn vặn, nó ăn vào tận ruột làm cái bánh chưng trở nên toang hoác. Những lúc như thế này, tôi lại ước trở thành Doremon với những chiếc máy biến ước mơ trở thành hiện thực mà không phải tốn quá nhiều công sức.
Đến khi quen tay, nghĩ lại mấy cái bánh đầu tiên mà tôi cứ cười khúc khích vì không biết ai sẽ nhận lấy món quà đầu tay thể hiện nghệ thuật gói bánh chưng “bát nháo” của mình.
Đi đâu từ sáng sớm đến tối mịt mới về, mẹ chồng nhìn thấy tôi cùng với chồng bánh chưng đã được hoàn thiện, nhẹ nhàng khen ngợi “con gái thành phố” mà gói được thế này ngay lần đầu tiên là không đơn giản đâu nhé. Con trai mẹ lấy con không lo bị bỏ đói rồi. Từ năm sau, việc này mẹ giao hẳn cho con nhé. Nghe những lời động viên của mẹ chồng mà tôi lại nghĩ đến viễn cảnh năm sau thấm đẫm trong mồ hôi và nước mắt...