Chị nhiều lần tự an ủi: “Đúng là vợ chồng có lúc cơm không lành, canh không ngọt nhưng cũng có khi hạnh phúc. Nhà ai không có chuyện này chuyện kia”. Nghĩ là thế nhưng chị nào được yên ổn.
Thời tiết oi bức, nắng như thiêu đốt cả cánh đồng. Chị lom khom nhặt từng bó rạ lên bờ, thân hình yếu ớt, nhỏ bé của chị trong cảnh bao la của đồng ruộng cháy nắng càng làm cho người đi đường cảm thấy thương cho cảnh cô độc, lẻ loi của một người đàn bà chân yếu tay mềm.
Thời con gái, chị là người tháo vát trong gia đình. Chị đảm đang, thân thiện và luôn sẵn lòng giúp đỡ khi người khác khó khăn. Nhiều bà hàng xóm thấy chị hay tấm tắc: “Đứa nào lấy con này thiệt có phước”, “Phải thằng con tao chưa có vợ, tao qua hỏi mày cho nó”.
Ấy vậy mà chị lấy phải một người chồng vũ phu, khi rượu chè đánh đập chị tàn nhẫn. Sống có với nhau đến hai đứa con nhưng chị chưa từng biết thế nào là hạnh phúc với chồng mình. Chị chỉ biết chồng chị là người khó tính, chị nói năng cũng phải ý tứ nhẹ lời không thì anh đánh đập không thương tiếc.
Ra viện, chị sống mạnh mẽ hơn và quyết định không quỳ lụy vào kẻ làm chồng làm cha nhưng không biết yêu thương, chăm sóc vợ con kia. (Ảnh minh họa: internet)
Có lần chị về nhà mẹ đẻ ăn giỗ mà về trễ, chồng chị túm tóc lôi chị về trước mặt bà con dòng họ bên ngoại, anh thản nhiên trước những sự can ngăn của người khác và bỏ ngoài tai mọi thứ. Chị đau đớn kêu la thì anh càng mạnh tay hơn, những cái bạc tay giáng xuống như trời giáng. Thân hình đầy thương tích, nhiều lúc chị muốn bỏ đi đến một nơi nào đó thật xa, đi xa nơi có người chồng bạo lực chừng nào tốt chừng ấy. Và cũng như bao người đàn bà khác chị mềm lòng vì con. Chị có hai cô con gái đứa 10 tuổi, đứa 6 tuổi rất ngoan, học giỏi và chị luôn muốn con chị học hành tử tế với người ta.
Những khi lòng có ý định bỏ người chồng thô bạo ấy, chị lại nghĩ: “Con mình con gái, đi rồi người ta dị nghị, sau này nó lấy chồng người ta cũng xầm xì, cay nghiệt: “Con nhỏ đó mẹ nó bỏ đi khi nó còn nhỏ nên biết có được dạy dỗ tử tế không”. Còn to nhỏ với chồng chuyện đóng cửa dạy nhau mỗi khi có chuyện là chồng chị lại quát: “Cô không có quyền tranh cãi cái đúng sai với chồng” nên chị đành cam chịu, nín nhịn cho qua ngày đoạn tháng.
Chị nhiều lần tự an ủi: “Đúng là vợ chồng có lúc cơm không lành, canh không ngọt nhưng cũng có khi hạnh phúc. Nhà ai không có chuyện này chuyện kia”. Nghĩ là thế nhưng chị nào được yên ổn. Có lần, anh nói cô con gái lớn không phải con anh. Biết anh ghen tuông vô lối và chị nói hết lời nhưng anh vẫn không nghe, mỗi lần say xỉn là mỗi lần chị nhừ tử với bàn tay hung ác ấy. Chị ngày càng ghê tởm cái con người này, vợ chồng ăn ở với nhau hai mặt con mà anh nỡ gieo tiếng trắc nết cho vợ dù chị là đàn bà luôn giữ dạ thủy chung, giữ tròn đạo nghĩa với chồng, với họ hàng bên chồng.
Chị tìm đến cái chết. Chị muốn cho chồng ăn năn và không muốn bị đọa đày về thể xác thêm chút nào nữa. May mắn con gái nghe mùi thuốc trừ sâu nên phát hiện kịp thời, tri hô cho mọi người biết. Chị nằm viện hơn nửa tháng, vóc dáng tiều tụy, gương mặt tái nhợt nhưng chồng cũng không đoái hoài, thương cảm. Sau lần chết hụt chị nghĩ "Cái thân đàn bà sao khổ thế. Sống cũng không được, chết cũng không xong" nhưng lần này chị có ý định ly hôn để giải thoát cho mình.
Ra viện, chị sống mạnh mẽ hơn và quyết định không quỳ lụy vào kẻ làm chồng làm cha nhưng không biết yêu thương, chăm sóc vợ con kia. Chị đủ sức nuôi hai đứa con gái học hành. Tuy có khó khăn song chị sẽ cố, sớm kết thúc một vòng trói buộc, mặc xác cho gã đàn ông vẫn rượu chè, cờ bạc và không có tí thay đổi nào dù vợ con đói khổ.
Nắng lên cao, chị lầm lũi xách ấm nước ra về để nấu buổi cơm trưa, kẻo đứa con gái đi học về đói bụng nhưng không có cơm ăn.