Hết đem tiền cho gái lại bao bạn nhậu nhẹt, khoản tiền nào là dành cho vợ con?

Ngày 18/10/2017 10:43 AM (GMT+7)

Bố không chịu hiểu cho mẹ, không chịu lắng nghe mẹ, mà gần như dồn mẹ đến bước đường cùng.

Mẹ tôi lập gia đình muộn hơn so với bạn bè. Thời trước, con gái mà hơn ba mươi mới lên xe hoa thì hiếm có lắm.

Bố tôi không phải là người giàu sang. Mẹ chấp nhận về chung mái nhà với bố vì bố tuy nghèo nhưng chịu khó làm ăn. Mẹ sợ lấy người giàu có, sợ người ta mai sau hắt hủi, sợ người ta đánh một canh bạc rồi cũng có ngày mất trắng.

Tôi là con đầu lòng. Mẹ kể, ngày tôi chập chững biết đi, bố tôi mới bắt đầu học đại học tại chức, ở xa nhà.

Ở nhà, mẹ tôi một mình xoay xở mọi chuyện, từ cơm nước đến sữa cho tôi. Bố tôi không phụ mẹ tiền để mua sữa cho con. Mẹ còn phải bỏ tiền túi ra, nuôi bố ăn học hai năm trời.

Đến khi tôi lớn hơn, bố tôi đã học xong, đi làm có chút tiền, mẹ tôi sinh thêm em trai. Bố mẹ nói, có anh có em hòa thuận, muốn chúng tôi mai này giúp đỡ lẫn nhau.

Đến khi hai anh em tôi bước vào trung học, gia đình bỗng dưng rơi vào tình trạng hạn hẹp về kinh tế. Mẹ tôi cố gắng xoay xở đồng lương bố đưa, bù thêm tiền vào để các con có bữa ăn ngon, có áo mặc tử tế bằng bạn bằng bè.

Mãi sau này tôi mới rõ, bố tôi nào phải không làm ra tiền mà là giấu quỹ đen để tiệc tùng với bạn bè, và gian díu với người phụ nữ khác.

Biết được sự thật này, tôi sốc lắm! Thần tượng bao lâu trong tôi là bố nay bỗng chốc sụp đổ. Tôi không ngờ, bố là trụ cột của gia đình mà lại không mang tiền về nhà cho chúng tôi có cuộc sống đầy đủ mà lại dùng tiền đó để thỏa cuộc vui riêng mình.

Mẹ cũng buồn khóc vì chuyện bố có người phụ nữ khác. Gia đình chúng tôi vào những năm ấy khốn đốn lắm. Đôi lúc, tôi muốn bỏ nhà đi, nhưng vì thương mẹ và em nhỏ nên tôi không làm điều ngây dại ấy.

Những trận cãi vã vì tiền, những giọt nước mắt của mẹ, cơn hằn hộc của bố in sâu vào ký ức tôi. Tôi khiếp sợ tiếng khóc của mẹ, lời nặng nhẹ của bố.

Hết đem tiền cho gái lại bao bạn nhậu nhẹt, khoản tiền nào là dành cho vợ con? - 1

Ảnh minh họa

Những lần ấy, tôi tự hỏi, sao bố không thương mẹ, sao mẹ không tìm cách tâm sự với bố, mà cũng lớn tiếng không kém? Tôi tự hỏi, liệu sau này tôi có nên lập gia đình không? Tôi quá khiếp sợ cảnh cãi vã, phụ bạc của người bạn đời.

Năm tôi lên đại học, tôi bắt đầu đi làm thêm để kiếm tiền, trang trải cho sách vở và trút bớt gánh nặng trên vai mẹ. Bố tôi đã ở tuổi năm mươi nhưng vẫn không bỏ tính ham vui.

Tôi đã lên đại học rồi, cần nhiều chi phí cho việc học, nhưng bố vẫn không đoái hoài đến tài chính của gia đình. Mẹ nói, bố “ém tiền”, dùng tiền đó để mời bạn bè ăn nhậu, đánh bạc và cả nuôi gái!

Tôi không biết tương lai của tôi, của gia đình sẽ ra sao. Tôi gần như muốn bỏ hẳn việc học để đi làm, kiếm tiền giúp mẹ lo chi phí sinh hoạt của gia đình, cũng bởi, tôi còn một em nhỏ tuổi ăn học nên không muốn nó nghĩ nhiều như tôi.

Cách đây không lâu, bố tôi trúng được một vụ làm ăn lớn, thu về rất nhiều lợi nhuận. Nhưng bố dùng tiền đó để trả những khoản nợ. Bố kê khai cho gia đình biết, bố nợ bạn bè vì vay vốn làm ăn.

Khi bố trả hết nợ, anh em chúng tôi háo hức sẽ được bố cho ít tiền sắm sách vở, laptop phục vụ việc học, và mẹ sẽ có tiền để đi chợ, không túng thiếu nữa.

Nhưng bố lại mang tiền ấy đưa cho bà nội. Bố nói, đưa cho bà nội giữ giùm, cũng là để bà dưỡng già vì đây là cách bố báo hiếu.

Hết đem tiền cho gái lại bao bạn nhậu nhẹt, khoản tiền nào là dành cho vợ con? - 2

Ảnh minh họa

Khi ấy, mẹ tôi giận lắm vì bà nội đâu chỉ có mỗi bố tôi là con. Bố có rất nhiều anh em, và họ đều giàu có, ăn nên làm ra.

Bố góp một khoản tiền để cùng anh em chăm sóc tuổi già cho bà là đúng. Nhưng bố đưa hết tiền cho bà, gánh hết trách nhiệm của những người khác nữa thì phần nào còn cho mẹ tôi và anh em chúng tôi?

Đi hơn nửa đời người mà mẹ tôi giờ đây vẫn vất vả, nhọc nhằn. Bố không chịu hiểu cho mẹ, không chịu lắng nghe mẹ, mà gần như dồn mẹ đến bước đường cùng.

Bố nói: “Bao nhiêu năm nay, vẫn thế, có chết đói đâu?” mà không hề quan tâm vợ mình đã hy sinh, chịu đựng, giỏi vun vén như thế nào.

Ở tuổi năm mươi mà mẹ tôi vẫn chưa được thảnh thơi, không có thời gian và điều kiện chăm sóc cho chính mình. Tôi không ngờ, bố lại gieo rắc nhiều nỗi khổ lên cuộc đời mẹ tôi đến thế.

Tôi phải cố gắng làm ra nhiều tiền để phụng dưỡng mẹ về sau và nhất quyết không trở thành một người như bố nếu mai này lập gia đình!

>> Xem thêm: Nghiên cứu chỉ ra rằng đa phần đàn ông ngoại tình không phải vì chán vợ

Nguyễn Phú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chồng ngoại tình