Như mọi mối quan hệ khác tồn tại trong cuộc đời này, chúng ta đều cần sự nỗ lực của cả hai- từ cả hai bên. Nếu chỉ từ một phía thì sao có thể đi cùng nhau được xa?
Thật lòng mà nói, tôi vẫn nghĩ giữa các thế hệ với nhau chỉ nên sống gần chứ chẳng nên sống chung. Là đủ gần nhau để cùng san sẻ tương hỗ nhau chứ đừng sống chung rồi vào va ra quệt mà sứt mẻ mối quan hệ ấy ra. Bởi không phải con dâu thì là mẹ chồng, chẳng phải bố mẹ lại là con cái quanh đi quẩn lại chuyện này không vừa lòng, chuyện nọ không thoải mái. Phải thế mà cũng trong kho tàng kinh nghiệm của ông cha ta có câu: Xa thơm- gần thường.
Nhưng nào phải ai cũng đủ điều kiện kinh tế để mua nhà gần nhau? Nào phải người con nào cũng đành lòng rời xa cha mẹ và ngược lại. Nhiều khi, sống chung là một lựa chọn duy nhất. Làm thế nào để cuộc sống chung ấy đừng thành thảm hoạ?
Có người bảo:
Vẫn phải là kinh tế! Nếu hai vợ chồng không phụ thuộc kinh tế vào cha mẹ thì sẽ đủ “dân chủ” trong ngôi nhà 2-3 thế hệ. Nhưng vẫn có đấy thôi, con dâu kiếm tiền ác chiến, mẹ chồng vẫn mặt nặng mày nhẹ: Nó tưởng nó có tiền là muốn gì làm nấy à? Hay những mẹ chồng thút thít vật vã: Nó kiếm được tiền nó nuôi tôi rồi nó muốn gì tôi cũng phải nghe theo nó à?
Có người lại bảo:
Thương yêu nhau nhiều hơn! Nếu đối xử với nhau bằng lòng yêu thương, mọi mâu thuẫn sẽ vì yêu thương mà xí xoá. Nghe tưởng đúng mà lại sai. Khi càng yêu thương nhau bao nhiêu thì người ta càng kỳ vọng vào nhau bấy nhiêu, càng đòi hỏi nhau nhiều hơn và có khi, yêu thương khiến người ta dễ cảm thấy đau hơn nếu như đối phương vô tâm với họ dù chỉ thoảng qua, dù chỉ chút lơ đễnh.
Có người thở dài: Thà cứ dửng dưng, sống chung nhà nhưng mạnh ai nấy sống lại dễ thở hơn là yêu thương nhau quá. Nếu dửng dưng mà sống vậy chắc sẽ không đau nhưng mái ấm khi ấy lại chỉ giống như một hiên nhà vậy.
Tôi nghĩ về “Dung- Thứ”.
Tôi cho rằng chỉ cần từ hai phía, bên nào cũng học thuộc lòng từ “Dung Thứ”, bên nào cũng sử dụng nhiều nhất có thể sự dung thứ thì mọi thứ hẳn sẽ nhẹ nhàng hơn, an yên hơn rất nhiều.
Là khi mẹ vợ tôi kể về lời khuyên của mẹ với mấy bà bạn đang sắm vai mẹ chồng: Đừng nghĩ nó là con dâu nữa! Cứ nghĩ nó là con gái mình đi. Chả lại cong mông lên lo cho nó í! Có mẹ nào tính toán với con gái mình đâu? Là dung thứ đấy! Chẳng có lỗi lầm nào không thể dung thứ được trong trái tim người mẹ với con của mình.
Là khi vợ tôi bảo: Giận ông bà lúc đấy thôi chứ rồi lại quên béng đi mất í mà! Là dung thứ đấy! Buông bỏ bớt đi những đòi hỏi người khác phải nghĩ như mình, sống như mình, làm mọi thứ giống mình. Hạnh phúc cần một trí nhớ kém là thế.
Không phải nhịn nhường - nhịn nhường đôi khi thành thoả hiệp. Mà thoả hiệp chỉ giúp ta tránh được chốc lát, giống việc vun rác vào gầm giường. Lâu dần thành tích tụ mà nổ đánh bùm một cái.
Không phải phiên phiến mà cho qua - phiên phiến có khi thành vô tình. Đôi khi sự va quệt không phải vì mâu thuẫn mà chỉ là chỉ dấu về mong muốn được chạm vào nhau, được kéo dài câu chuyện với nhau, được chia sẻ nhiều hơn với nhau vậy. Mà phiên phiến kiểu “thế nào cũng được” dễ thành “nhanh nhanh còn biến”.
Tôi nghĩ về dung thứ
Như cái cách cha mẹ từ hiền với con cái mình. Như cái cách con cái trân quý mối quan hệ này. Giống như cái cách người ta nói lời xin lỗi nhau không phải vì đúng sai mà vì người ta xin lỗi đã khiến mình buồn, xin lỗi vì để mối quan hệ này gợn lên mâu thuẫn. Chúng ta dung thứ cho cả chính bản thân mình nếu lỡ làm điều gì đó sai. Dung thứ để có thể sửa sai ngay chứ không phải mải tự trách mình quên ủi an người ấy.
Dung thứ! Hẳn có người nói, nó giống như việc ba phải quá đi! Đúng thì nói đúng- Sai thì phải trách sai chứ! Ai lại đi cái gì cũng bỏ qua, cái gì cũng tha thứ, cái gì cũng xuề xoà thế được?
Nhưng tôi lại nghĩ:
Chúng ta vẫn dung thứ cho người dưng sao với người thân lại khắt khe đến thế? Chúng ta vẫn cứ nói bực mình là chuốc cái bực vào mình sao chúng ta vẫn quàng lên vai, lên cổ chúng ta sự bực mình mãi thế? Với cha mẹ mình, bao năm ấu thơ, cha mẹ dung thứ chúng ta bao nhiêu? Với cha mẹ vợ, cha mẹ chồng họ cũng nào đâu phải kẻ lạ người dưng- họ vẫn là ông bà nội, ông bà ngoại của con mình đấy chứ?
Ta sẽ nói với con mình điều gì về cách cư xử của ta với cha mẹ vợ ta- ông bà ngoại của chúng, cha mẹ chồng ta- ông bà nội của chúng? Điều kỳ diệu của hôn nhân là ghép 2 người dưng lại làm một- ghép 2 gia đình dưng lại làm một vốn là từ những đứa con mang họ cha- sinh ra từ núm ruột của mẹ- mà thành gắn kết.
Những đứa cháu có dòng máu của người ông, người bà kia. Nhiều lúc, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến con mình gắn kết với ông bà ngoại, ông bà nội. Huyết thống! Huyết thống diệu kỳ!
Chúng ta hiểu lý lẽ đó sao chúng ta không sẻ chia lý lẽ đó với cha mẹ mình? Có khi họ còn chưa biết để gọi ra tên điều kỳ diệu của huyết thống. Có khi, cơn giận làm mờ đi lòng thương nhau vậy. Thế nên càng cần hơn nữa sự dung thứ từ người còn đủ bình tĩnh vậy.
Như mọi mối quan hệ khác tồn tại trong cuộc đời này, chúng ta đều cần sự nỗ lực của cả hai- từ cả hai bên. Nếu chỉ từ một phía thì sao có thể đi cùng nhau được xa? Chỉ là hình như chúng ta vẫn chưa đủ dung thứ để chuyện trò với nhau nhiều hơn nữa! Một chút thôi, kiên nhẫn từ dung thứ, nói cùng nhau, nghe nhau cùng, được không???
Việc mâu thuẫn trong một gia đình không chỉ phát sinh giữa mẹ chồng - nàng dâu mà nó còn tiềm tàng ngay chính trong gia đình ruột thịt, giữa những người thân yêu nhất. Nó xuất hiện khi giữa những thế hệ khác nhau cùng chung sống trong một gia đình. Đó là mâu thuẫn giữa những quan niệm sống khác nhau, cách nghĩ, cách nhìn nhận về vấn đề xã hội. Vậy, làm thế nào để các thế hệ trong gia đình có thể xích lại gần nhau hơn, mong muốn của những người làm cha, mẹ và những đứa con là gì? Tất cả sẽ được giải quyết trong livestream vào 15h30 ngày 28/06 tới đây: Khoảng cách thế hệ: Xích lại gần nhau - Khó hay dễ? |