Trời Hà Nội hôm nay nổi cơn gió lạnh, trên mạng xã hội nổi sóng lớn liên quan đến một bộ ảnh cưới có ý tưởng chú rể mặc quần áo tù còn cô dâu diện trong mình bộ đồ quản giáo.
Trong hình ảnh đó, chú rể thực hiện một ý tưởng táo bạo rằng đàn ông ngoài “đóng gạch” còn phải cày cuốc, trong khi cô vợ thong dong đóng vai trò giám sát. Em biết đó, ngay sau khi bộ ảnh này đập vào mắt mình, anh đã tiên liệu những điều xấu cho những người thực hiện. Và đúng như rằng, cộng đồng mạng vốn đông đảo và hung hãn ngoài hả hê sung sướng cũng cong cớn lên án cho rằng, bộ ảnh miêu tả không đúng về cuộc sống vợ chồng, trong đó hạ thấp hình ảnh vợ như một người quản giáo.
Đọc xong mấy lời này anh liền soi chiếu vào hôn nhân gia đình chúng ta bấy lâu nay và khẳng định một điều rằng: Vợ, em chính là quản giáo của đời anh. Cuộc đời anh may mắn rước được em về làm vợ kiêm luôn người quản giáo.
Em cứ nghĩ lại xem có đúng không. Từ khi cưới em về, em đã đá bật anh từ một thằng trai lang thang chơi bời trở thành một kẻ cun cút nghe theo lời chỉ dạy của vợ. Vợ bảo đứng anh tức chẳng dám ngồi, vợ bảo cười anh tức chẳng dám khóc….Khi nước mắt em rơi anh biết rằng cơn lôi đình sắp tới, khi em nhoẻn miệng cười vô cớ anh biết rằng đó chẳng phải sự lành.
Vì như là quản giáo của đời anh, nên em tự cho mình tất thẩy quyền định đoạt về mọi sự mà có cần anh đồng ý hay không. Anh trở thành một gã chồng ngoan ngoãn và vô cùng nề nếp. Em định cho anh những nguyên tắc không dám vượt qua. Nếu tù nhân đã vào tù là dĩ nhiên bị tước đoạt một số quyền công dân cơ bản, thì từ ngày anh lấy em anh đã bị tước đoạt những quyền cơ bản của đàn ông.
Tiền thưởng của anh bằng phép thần thông thiên lý nhãn nào đó em đều phát hiện ra, vậy khác nào là cướp bóc trắng trợn sức lao động của một gã chồng cơ bản là tốt như anh không. (ảnh minh họa)
Nhậu nhẹt với bạn bè ư, em cấm tiệt. Một tháng một lần em 'ân xá' cho anh một bữa nhậu tại gia. Nhưng bao nhiêu năm nay rồi em thấy đó, có đứa bạn nào của anh dám bén mảng tới nhà chúng mình nhậu đâu. Thật ra bề ngoài em cũng chẳng tỏ ra là người khó chịu trước mặt bạn bè anh, em là một quản giáo vui vẻ và thân thiện, nhưng rất tiếc trên cõi nhân gian chật hẹp nà,y ngoài anh và con trai anh ra, không ai tiêu hóa nổi những gì em nấu. Mà mua đồ ngoài thì em lấy tốn kém ra làm điều ngăn trở.
Anh vật lộn bên ngoài kiếm tiền bất chấp khó khăn khác nào là người chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm, nhưng tiền anh vừa nhảy vào tài khoản thì em đã chiếm quyền định đoạt. Tiền thưởng của anh bằng phép thần thông thiên lý nhãn nào đó em đều phát hiện ra, vậy khác nào là cướp bóc trắng trợn sức lao động của một gã chồng cơ bản là tốt như anh không.
Thiên hạ cứ nhìn vào hình rồi rùng mình trăn trở, hóa ra hôn nhân cũng như tù ngục, bà vợ như cảnh sát trưởng hay nữ quản giáo…. Anh muốn nói với anh em đông đảo, những người còn do dự trước cánh cửa hôn nhân rằng, đó chẳng nên là điều chi quá phải suy nghĩ, bởi hôn nhân kinh khủng hơn tù ngục rất nhiều. Em biết vì sao không ? Bởi vì người ta tù còn hi vọng có ngày được ân xá ra ngoài xã hội, còn anh ngày lại ngày nắng lại mưa, hè rồi đông lúc này anh vẫn phải viết ra những dòng này và nghĩ về đống quần áo trên tầng thượng có lưu bút của em: “Đây là quần áo đắt tiền không thể giặt máy, chồng giặt tay phơi khô rồi về em thương”. Đấy, hôn nhân ấy biết bao giờ mới có ngày ân xá?