Hóa ra, hôn nhân chính là liều thuốc đắng để đàn bà hiểu được rằng: Tình yêu không phải là một vị thần vạn năng. Lí tưởng hóa tình yêu chính là cách đàn bà tự đưa mình vào bi kịch.
Hôn nhân đối với người đàn bà chính là thế. Được ăn cả, ngã về không. Cái chuyện đó chẳng phải là chuyện nói vui giữa vài người đàn bà thất bại trong hôn nhân, chán nản trong hôn nhân mà thậm chí, ngay cả người đàn bà đang hạnh phúc trong hôn nhân cũng cần hiểu điều đó. Người thất bại hiểu để đỡ hụt hẫng, đỡ đau. Người đang hạnh phúc thì gắng mà giữ gìn.
Với người phụ nữ, khi bước vào một cuộc sống hôn nhân, ai cũng có cái tâm thế sẵn sàng hi sinh hết mình, sẵn sàn bỏ hết cả cái vốn liếng yêu thương dưới một mái nhà, trên một chiếc giường, bên một mâm cơm và cùng sinh những đứa con...
Ảnh minh họa
Dù sẵn lòng hi sinh như thế, nhưng chắc chắn, cũng chẳng có người phụ nữ nào dám tự tin một trăm phần trăm rằng: bao nhiêu vốn liếng yêu thương và cả tiền bạc mà mình dồn hết cả tâm sức ấy bỏ ra chắc gì đã sinh lời? Còn nếu mất, là hẳn mất trắng tay. Đàn bà với hôn nhân, hoặc là được hoặc là mất tất cả. Chỉ có vậy thôi. Bởi bản chất đàn ông đã là một ván bài với đàn bà rồi. Mà đàn bà, ngay cả khi đánh bài đi chăng nữa cũng rất dễ rơi vào cảm tính.
Yêu thương cho đi không thể đòi lại, tiền bạc cho đi cũng không thể tính toán được sòng phằng. Nhưng cũng chả có người đàn bà nào lại tính toán thiệt hơn với người đàn ông mà mình đã nguyện gắn bó cả đời. Chỉ tiếc, chỉ hận là cái thâm tình, thâm ý, thâm tâm của mình đặt nhầm nơi, nhầm chốn mà thôi. Có lẽ, trong cuộc đời này, những người đàn bà trải nghiệm là những người đàn bà biết chắc chắn rằng cuộc đời có thể là màu đen, màu xám, màu tro… chứ tuyệt nhiên khó có thể là màu hồng lắm.
Và đàn ông tốt, vốn thoảng qua như cơn gió, có lẽ ta chỉ biết ngẩn ngơ mà đứng nhìn vì khó nắm được, bắt được mà giữ lấy cho riêng cuộc đời mình lắm. Nên đành chấp nhận đặt cược năm mươi năm mươi với cái trò may rủi của số phận mà thôi. Sở hữu một người đàn ông cũng không khác gì sở hữu một ván bài mà thắng thua quả thật đều là năm mươi năm mươi.
Chị vốn là một người đàn bà khá lãng mạn. Và cũng vì khá lãng mạn nên khi yêu và cưới anh hoàn toàn là vì yêu. Đúng là chỉ biết yêu thôi chả biết gì. Vì chị tin, hôn nhân nhất định có thể thiếu tiền, có thể thiếu nhà, có thể thiếu một số thứ khác chứ tuyệt nhiên không thể thiếu tình yêu. Và chị vẫn tin, chỉ cần có tình yêu những thứ khác rồi theo thời gian cũng đều có thể có.
Nhưng rồi, khi đặt chân vào cuộc sống hôn nhân với anh, với người đàn ông chị yêu chị mới hiểu ra một chân lí: Thời gian có thể khiến cho tình yêu vơi đi, nhưng những thứ mà cuộc sống của cả hai vốn thiếu thì lại chẳng tự nhiên mà đầy lên. Thế là tình yêu cũng không còn nhiều, tiền bạc cũng chẳng phải là phép mầu nhiệm mà vị thần tình yêu có thể hô biến ra cho chị.
Người đàn ông ngày nào chị tưởng có thể yêu chết đi sống lại bỗng một ngày trở thành một người hoàn toàn xa lạ. Còn nỗi lo cơm áo gạo tiền cứ ngày càng nặng trên đôi vai cả chị và chồng. Con cái ăn học, tiền nhà, tiền điện, tiền nước… các tờ hóa đơn cứ dày lên nhiều thêm chỉ có cái hóa đơn chứng tỏ anh chị là vợ chồng vẫn cứ nằm im và bạc dần màu hồng theo thời gian mà cả anh và chị lâu lắm rồi cũng chẳng khi nào sờ đến nó nữa. Có lẽ nhiều người, cũng như chị, cái tờ giấy hợp thức hóa cho chuyện một người đàn bà ở cùng một người đàn ông chỉ cần đến khi có chuyện mà thôi, chứ ít có người lôi ra mà ngắm nó lắm.
Rồi cũng rất tự nhiên, chị phát hiện ra anh ngoại tình. Chị không quá cảm thấy kinh khủng. Chỉ là một cảm giác hụt hẫng khiến chị nghẹn lòng. Hôn nhân hóa ra không phải là bạn đồng hành của tình yêu. Có lẽ nào cuộc sống nhạt nhẽo, thiếu thốn khiến anh cảm thấy cần một sự thay đổi nào đó? Hay chỉ đơn giản bản tính đàn ông là thế? Thiếu tình yêu từ một người đàn bà này thì tự khắc họ sẽ tìm đến sự ấm áp nồng nàn ở một người đàn bà khác?
(Ảnh minh họa)
Một ngày chị bảo anh: Khi yêu em đã nói, một ngày nào đó anh phạm sai lầm với em. Một sai lầm mà chính bản thân em cũng không thể tha thứ được thì anh sẽ không còn có cơ hội nào nhìn thấy em và con nữa đâu. Cái thứ tình yêu ngày trước em và anh cứ ngỡ nó là rẻ nhất trong tất cả mọi thứ chúng mình thiếu, cứ tưởng chỉ cần ở cạnh nhau là có, lúc đói cũng có, lúc nghèo nhất cũng có, lúc giận, lúc thương đều có, không cần tiền cũng có…
Nhưng giờ thì đôi khi, em muốn tìm mãi mà không thấy. Nếu đã không thấy mà còn bị tổn thương vì nó nữa thì tốt nhất là đừng nên trói buộc nhau. Chỉ vì một tờ giấy màu hồng đã bạc màu trong góc tủ. Với đàn bà, hôn nhân chính là: được ăn cả, ngã về không?! Em đã ngã rồi.
Hóa ra, hôn nhân chính là liều thuốc đắng để đàn bà hiểu được rằng: Tình yêu không phải là một vị thần vạn năng. Lí tưởng hóa tình yêu chính là cách đàn bà tự đưa mình vào bi kịch. Và tin tưởng quá một người đàn ông chính là cách biến bi kịch đó thành sự thật.