Cả xóm, ai đi qua tôi cũng nguýt ngắn nguýt dài tôi một cái. Mà của đáng tội, tôi có làm gì sai trái...
Trái với suy nghĩ của nhiều người, ở nhà tôi, không phải mẹ mà bố chồng tôi mới là người nhanh nhẹn tháo vát, từ việc cơm nước dọn dẹp đến công to việc lớn trong nhà đều đến tay bố, cứ thấy việc là bố làm mà không chút nề hà.
Mẹ chồng tôi có phần chậm chạp hơn nên thường chỉ loanh quanh trông cháu ngoại (chị chồng tôi đi chợ nên gửi bà trông) và trồng thêm luống rau.
Vợ chồng tôi đi làm khá xa, cách nhà gần 20 cây số, công việc lại bận rộn nên hầu như ngày nào cũng đi sớm về muộn. Chính vì thế nên mọi việc tôi đều phải tranh thủ làm từ tối hôm trước để hôm sau kịp giờ đi làm.
Kể cả khi mang bầu, những việc đó tôi vẫn cố gắng làm. Buổi tối cơm nước dọn dẹp xong xuôi cũng đã muộn, tôi thường cho quần áo vào máy giặt rồi để sáng hôm sau đem phơi. Tuy nhiên, có những hôm phải đi sớm hay bận con nhỏ thì bố chồng tôi lại phơi giúp.
"Việc bố chồng tôi giúp tôi giặt phơi đồ đã khiến mâu thuẫn gia đình tôi căng thẳng" (Ảnh minh họa: IT)
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như hôm ấy khi bố chồng tôi đang phơi quần áo mà chị chồng tôi không đến chơi. Phải nói thêm là chị chồng tôi khá có “máu mặt” trong phường chợ búa. Thấy bố đang phơi đến quần áo của tôi thì chị chồng sầm mặt chạy ngay đến giật cái áo lót của tôi trên tay bố rồi quát: “Bố làm cái gì thế này. Bố bao nhiêu tuổi mà còn phải hầu nó đến cả việc này. Lấy dâu về để đặt nó lên bàn thờ à?”.
Dù bố đã nói rằng hôm ấy tôi vội đi làm nên quên chưa phơi, mà bố thấy việc cũng chả có gì nên làm giúp nhưng chị chồng tôi vẫn làm toáng lên. Chị chồng lập tức điện thoại cho tôi, yêu cầu "về nhà có việc gấp". Dù cơ quan đang có hội nghị nhưng sợ có việc khẩn nên tôi vẫn xin nghỉ, sấp ngửa phi xe về.
Vừa về đến cổng, tôi đã thấy chồng đang hớt hải bước vào nhà, bụng bảo dạ chắc gia đình xảy ra chuyện lớn rồi, hay là bố mẹ chồng đau ốm đột xuất. Bước vào nhà đã thấy đông đủ mọi người ngồi chờ sẵn hai vợ chồng tôi. Chị chồng không nói gì, vứt thẳng toẹt mớ quần áo của tôi lên bàn.
“Cái gì đây, tôi không hiểu mợ nghĩ gì mà lại để bố chồng đi phơi phóng những thứ này cho mợ. Tôi là con gái mà bố còn chưa phải hầu tôi đến như thế”. Choáng vì việc nhỏ bị xé ra to, lại xấu hổ nên tôi cứ ấp úng thanh minh “Sáng nay, em…em… đi làm vội quá nên quên chị ah…”.
Bố định mở lời thì bị chị gạt phắt đi. Được ông chồng đã không biết thanh minh cho vợ thì thôi lại ngồi đổ thêm dầu vào lửa: “Quên, có tí việc cũng quên, đầu với óc thế à”.
"Chị chồng ra sức day nghiến khiến tôi vô cùng khó xử" (Ảnh minh họa: IT)
Từ việc cỏn con ấy mà đi đâu chị tôi cũng kể, rồi ra lườm vào nguýt. Nhà có giỗ, bố mẹ đẻ tôi sang ăn cỗ mà chị cũng mát mẻ nói ra nói vào.
Đến khi tôi sinh, hết mấy ngày kiêng khem, mẹ chồng tôi cho xông người và tắm bằng nồi nước lá. Chồng thì đi làm, mẹ thì yếu, nên bố chồng tôi lại hì hụi bưng nồi nước lá lên tầng cho tôi. Thật không may, cầu thang bị ướt nên bố bị trượt chân ngã, một bên chân bị trẹo và bỏng phải vào viện gấp.
Nghe mẹ đẻ tôi kể lại, khi chị chồng tôi vào thăm bố đã mắng ông xơi xơi tại phòng bệnh, rồi đay nghiến xỉa xói sang tôi, đến nỗi mẹ đẻ tôi lúc ấy đến thăm cũng thấy xấu hổ vô cùng. Chỉ đến khi y tá yêu cầu chị im lặng để ông được nghỉ ngơi thì chị mới thôi.
Hiện giờ bố tôi vẫn nằm viện điều trị, tôi ở nhà trông con mà cũng sốt ruột, lỗi không phải tại tôi mà tôi lại thấy cắn rứt không yên. Chị chồng thì cứ gặp mặt tôi lần nào là hằn học ra mặt lần ấy. Tôi nghe nói, chị xui mẹ chồng tôi tìm cớ để “tống cổ” tôi sang nhà ngoại một thời gian dài cho bõ ghét.Tôi thấy rất khó xử, không biết phải làm sao để chuộc cái “lỗi không phải do mình gây ra” bây giờ?