Học cách tử tế với những người xung quanh, không vượt quá giới hạn, không ép buộc, không ràng buộc. Nắm bắt tốt khoảng cách, xa gần vừa đủ, mối quan hệ mới có thể trở nên êm ả và lâu dài.
Người ta nói rằng, mối quan hệ giữa người với người giống như hai cái cây cùng mọc, nếu quá gần nhau thì sẽ cản trở nhau, khiến đôi bên cùng không thể phát triển tốt, thậm chí sẽ càng khô héo. Chỉ khi giữa đôi bên có một khoảng cách nhất định vừa phải thì cành lá mới xum xuê, hoa lá mới tràn đầy.
Giữ khoảng cách là tu thân, nắm bắt ranh giới là trí tuệ.
Học cách duy trì cảm giác về ranh giới, giữ một chút khoảng cách giữa hai trái tim và dành khoảng trống nhất định cho nhau, đó là mối quan hệ thoải mái nhất giữa những người trưởng thành.
1. Ranh giới vật lý
Mối quan hệ giữa người với người, nếu ở xa, lâu lâu gặp lại sẽ thân thiết hơn. Nhưng nếu ở gần nhau lâu thì sẽ luôn có đủ thứ rắc rối và xích mích. Đa phần các trường hợp, đảm bảo ranh giới vật lý và có không gian độc lập của riêng bạn là điều kiện tiên quyết cho một mối quan hệ hài hòa.
Cô gái tên Sanmao khi mới chuyển đến sinh sống tại sa mạc Sahara rất hòa thuận với những người hàng xóm của mình, trong số đó có cô gái tên là Guka. Mỗi lần Guka đến nhà Sanmao chơi đều có lý do để ở lại qua đêm.
Sau một thời gian dài, Guka coi nhà Sanmao như nhà của mình và thường xuyên sống ở đây. Cô đi giày cao gót của Sanmao mà không hỏi ý kiến, chẳng ngại làm bẩn chúng và tự tiện lấy những đồ vật nhỏ của Sanmao. Guka sống buông thả, không thích dọn dẹp và thường xuyên bày bừa trong khi Sanmao lại có một chút ám ảnh về sự sạch sẽ.
Sau một thời gian dài, Sanmao cuối cùng cũng không thể chịu được đã nổi nóng với Guka. Cuối cùng, hai người chấm dứt tình bạn.
Chỉ có khoảng cách mới có thể tạo ra vẻ đẹp. Những người quá thân thiết với nhau có xu hướng phóng đại những thiếu sót của nhau. Không gian và lãnh thổ của mỗi người nên được vạch rõ ranh giới, giữ khoảng cách mới là cách để tình bạn trường tồn.
2. Ranh giới lời nói
Miệng là cửa của phúc họa, ai cũng cần phải học cách suy nghĩ trước khi nói ra. Chỉ bằng cách giữ ranh giới và giữ ý thức về tỷ lệ, bạn mới có thể tránh gặp rắc rối.
Trong cách cư xử nhất định phải cẩn trọng, trong lời nói nhất định phải đàng hoàng, biết đâu là điều nên và không nên nói. Thân quen đến mấy cũng không nên nhúng tay vào chuyện của người khác.
Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Giữ ranh giới trong lời nói là cách để bạn thể hiện sự tôn trọng người khác và kiểm soát bản thân mình.
3. Ranh giới tinh thần
Không có hai chiếc lá giống nhau trên thế giới và không có hai người nào là giống hệt nhau. Thay vì ép buộc người khác phải giống mình, tốt hơn hết là giữ ranh giới tinh thần với nhau. Khoan dung với sự khác biệt và tôn trọng sự khác biệt. Làm được như vậy, mối quan hệ của bạn có thể tránh được xung đột và bền lâu hơn.
Người ta nói, trưởng thành là khi bạn nhìn thấy sự khác biệt nhưng cũng nhận ra rằng sự khác biệt không quan trọng. Mỗi người đều có nền tảng cuộc sống riêng và ai cũng có định hướng giá trị của riêng mình. Hãy học cách tương thích với nhau, dành đủ không gian cho nhau và thực sự tôn trọng ranh giới tinh thần của nhau.
4. Ranh giới tài chính
Cho dù là với người thân hay bạn bè, hãy cố gắng đừng tạo ra những vướng mắc về tiền bạc với nhau. Chỉ bằng cách giữ ranh giới về tài chính, mối quan hệ mới có thể bền lâu. Bạn bè là bạn bè và tiền là tiền. Một khi hai khái niệm này bị nhầm lẫn, sự không rõ ràng đó sẽ dẫn đến sự kết thúc của tình bạn. Khi đôi bên không liên quan nhiều hay ràng buộc về tình cảm với nhau, mối quan hệ ấy sẽ tránh được những rắc rối không đáng có.
5. Ranh giới cảm xúc
Chúng ta thường muốn giúp đỡ người khác, phân bua đúng sai và giúp người trong cuộc tỏ tường. Tuy nhiên, đối mặt với vấn đề tình cảm của người khác, người ngoài cuộc chúng ta là khó phân định đúng sai nhất.
Hai triết gia Camus và Sartre là một đôi bạn thân. Nhưng cũng vì tình bạn quá thân thiết mà Camus đã vô tình vượt quá giới hạn.
Sartre là một người đàn ông lãng mạn và có tin đồn về ông với một người phụ nữ khác trong thời gian ở Pháp. Beauvoir, nửa kia của ông biết được rất giận và cãi nhau với Sartre. Để dập tắt cuộc chiến giữa hai bên, Camus mắng Sartre là đồ vô liêm sỉ, cố làm nguôi cơn giận của Beauvoir. Nhưng ông không ngờ Sartre đã rất khéo léo dỗ Beauvoir, hai người sớm làm hòa và tình cảm như trước.
Camus không hề hay biết, cả hai đã cam kết về một cuộc “hôn nhân mở" từ lâu. Beauvoir đổ lỗi cho Sartre vì đã can thiệp quá sâu vào chuyện của họ. Sartre cảm thấy bản thân bị xúc phạm, hai người bạn thân nổ ra cuộc tranh cãi lớn và rồi kết thúc tình bạn.
Tôn trọng ranh giới tình cảm và không chỉ tay vào đời sống tình cảm của ai kia chính là thể hiện sự trưởng thành và khôn ngoan. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể thoải mái, không mệt mỏi khi ở bên nhau trong một thời gian dài.
Con người ta kết bạn giống như nghe một tiếng chuông, xa quá thì không nghe thấy mà gần quá thì chói tai. Giữ khoảng cách phù hợp là cách để mối quan hệ bền chặt và thoải mái nhất.