Ở nước mình có nhiều người "bỗng dưng"... chết, và chẳng ai phải chịu trách nhiệm về những cái chết "bỗng dưng" ấy.
Báo chí trong nước đưa tin, một người mẹ ở Anh bị tòa án tuyên phạt 5 năm tù vì tội lơ là khi chăm sóc con. Người mẹ trẻ này trong lúc đang say sưa đăng ảnh lên facebook thì đứa con nhỏ hai tuổi, chơi ở ngoài vườn đã bị đuối nước.
Cạnh nhà người phụ nữ này có một cái ao, họ hàng khuyên làm hàng rào, nhưng bà mẹ trẻ phớt lờ. Cho dù bà mẹ trẻ đã cố gắng bằng mọi cách cứu con, song bất thành. Vị thẩm phán phiên tòa nói rằng, cháu bé đã chết vì sự bất cẩn của người mẹ.
Đó là chuyện ở nước ngoài.
Đọc xong mẩu tin trên mới thấy mạng người ở nước ngoài và mạng người ở trong nước có khoảng cách xa vời vợi. Nếu như luật pháp nước mình nghiêm như nước Anh, hẳn ối người phải lĩnh án tù như bà mẹ trẻ của nước Anh. Ở nước mình, có những cái chết mà chẳng thấy ai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Mới đây, một nam thanh niên đã thiệt mạng khi đi vào đường vành đai 2, đoạn cầu vượt qua ngã tư Cầu Giấy (Hà Nội), do cầu đang thi công dở dang, trời lại tối, nam thanh niên đi xe máy lên và bị rơi xuống đất. Tai nạn đã xảy ra, người đã chết, người ta mới nào là làm hàng rào, nào là cắm biển báo.
Nam thanh niên thiệt mạng khi lên cây cầu vượt đang thi công dở ở Cầu Giấy, Hà Nội
(Ảnh: Vietnamnet)
Ở Long An cũng có người chết oan uổng như nam thanh niên trên. Một đôi nam nữ rơi xuống sông khi đi vào chiếc cầu mà không biết nó đã được người ta tháo dỡ một nửa, và cô gái đã thiệt mạng. Thật xót xa khi nghe ông Phó ban An toàn giao thông tỉnh thốt lên rằng, đã từng lập biên bản và nhắc nhở đơn vị thi công dựng biển báo, làm hàng rào, nhưng họ chưa thực hiện.
Ôi chao. Ông phó ban nói thật hay, chiếc cầu được tháo dỡ cả tháng rồi chứ đâu phải ngày một, ngày hai mà đơn vị thi công chưa thực hiện dựng biển báo, hàng rào? Để rồi một người phải đổi mạng cho việc làm thiếu trách nhiệm không chỉ của đơn vị thi công mà của cả cơ quan có trách nhiệm cao hơn.
Có nhiều trường hợp khác như bảy người trong một gia đình ở Đà Nẵng phải chết thảm cũng do đường mới làm thiếu biển báo… Ba mẹ con chị Cao Tường Vân ở Đồng Tháp cũng chết oan uổng vì sập cần cẩu… Nhiều lắm những vụ đuối nước, nạn nhân là các em nhỏ, ở những cái hố của các công trình đã và đang xây dựng, không rào chắn, không biển báo. Chuyện đang đi trên đường bỗng rơi xuống hố ga, cây xanh cũng bỗng đổ xuống đầu người người đi đường… dường như là "chuyện thường ở huyện".
Những cái chết vì "bỗng dưng" như thế ở nước ta nhiều lắm, kể không xiết. Cùng lắm, gia đình nạn nhân nhận được lời xin lỗi và chút tiền hỗ trợ.
Hiếm và thật hiếm khi thấy có người phải chịu trách nhiệm về cái chết "bỗng dưng" mà người dân phải hứng chịu.
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 22, trong đó quy định công trường phải có biển báo và rào chắn báo hiệu nguy hiểm. Bộ Luật Hình sự cũng có đủ những điều khoản về tội làm chết người theo kiểu “bỗng dưng” như những trường hợp đã viện dẫn ở trên.
Thật tiếc, các điều khoản trên lại không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân (tổ chức) mà chỉ truy cứu cá nhân (con người cụ thể), trong khi việc phát hiện cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp đâu phải dễ dàng. Có một thực tế là ở nước mình thường hay phân công bằng... miệng.
Đơn giản như anh lái xe cần cẩu làm chết ba mẹ con chị Vân nói rằng, cái cần cẩu bỗng gẫy không phải lỗi của anh gây ra, việc không dựng hàng rào, biển báo nơi thi công cũng không phải trách nhiệm của anh, kể cả khi anh này chưa có giấy phép lái xe cần cẩu… Như vậy, phải truy cứu người đứng đầu của công trình này, chứ không chỉ “diệt” mỗi anh lái cẩu là xong chuyện.
Cứ ngẫm, sao mạng người ở nước mình lại rẻ rủng đến vậy. Nếu vẫn chỉ dừng ở lời xin lỗi, nhận trách nhiệm xuông, đền vài đồng thì vẫn còn những người dân bỗng dưng… bị chết.
Người dân mình vẫn cứ an ủi rằng, đó là số mệnh. Thực sự là số mệnh hay do pháp luật chưa thực sự kín kẽ để không còn những người dân phải chết oan, chết uổng vì… những người thiếu trách nhiệm?
Chuyện như ở nước Anh, biết đến bao giờ?
Ngẫm lại mà thấy buồn rười rượi, buồn không nói thành lời.