Dù là trong mối quan hệ nào, tốt đẹp đến đâu và bạn đóng vai trò gì cũng cần thận trọng trong lời nói và việc làm.
Trong cuộc sống, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc phải sai lầm, gây ra phiền phức chính là do họ không quản lý được miệng của mình. Kẻ nói vô tình, người nghe hữu ý. Có thể người nói ra không chủ định ám chỉ ý gì nhưng lời nói đó vẫn có thể khiến người nghe phải chịu tổn thương.
Bởi vậy, cho dù mối quan hệ của bạn với người khác có tốt đến đâu, việc suy nghĩ trước khi nói, về những gì có thể và không thể nói là điều rất quan trọng. Sẽ tốt hơn khi bạn biết tránh 6 lời nói này. Nhớ rằng người khôn khéo sẽ có cả thiên hạ.
1. Những điều khó nói
Ai cũng có những nỗi niềm không nói ra được và một khi lời đã nói ra sẽ khiến việc nhìn nhau trở nên gượng gạo. Bởi vậy dù là bạn tốt, thân thiết nhau đến đâu cũng đừng nên tùy tiện mà nói ra điều khiến đối phương xấu hổ.
Ví dụ: Bạn gặp khó khăn và cần hỗ trợ về tài chính. Nếu bạn biết rằng người bạn tốt của mình không có điều kiện, đừng yêu cầu người đó giúp đỡ bạn trong tình huống này. Một khi bạn nói ra, đối phương sẽ thấy rất lúng túng. Họ có thể đành đồng ý dù thực sự không có khả năng bởi việc từ chối khiến họ rất xấu hổ với bạn.
Do đó, có những lời khi nói ra chỉ là làm cho nhau thêm khó xử. Trong tình huống này, thay vì đề nghị sự giúp đỡ của bạn, hãy cố gắng tự mình nghĩ ra cách giải quyết.
2. Những thiếu sót, khiếm khuyết rõ ràng của đối phương
Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy một số người quen nói thẳng ra những khuyết điểm của nhau. Họ cho rằng đó là bởi tính tình mình thẳng thắn, nói thật với nhau như vậy mới là coi nhau như bạn bè.
Tất nhiên, là một người bạn thực sự, việc chỉ ra khuyết điểm của đối phương, góp ý trên tinh thần xây dựng và giúp nhau sửa chữa để ngày càng hoàn thiện mình hơn là điều rất đáng quý. Nhưng điều này thực sự cần đúng thời điểm, được chọn lọc và được thực hiện một cách khéo léo.
Có những điều bản thân bạn của bạn cũng rất biết rõ về điều đó. Ví dụ như cô bạn có thân hình khá mũm mĩm luôn cảm thấy tự ti về chính mình. Có một số người lại tự cho mình là đúng và thỉnh thoảng lại nhắc đến ngoại hình, khuyết điểm trên cơ thể của cô ấy với suy nghĩ rằng điều đó sẽ làm cô ấy có động lực để giảm cân nhiều hơn.
Nhưng trên thực tế, kiểu cư xử này không phải giúp cho đối phương mà là đang làm cho đối phương cảm thấy xấu hổ. Thay vì tự bào chữa rằng điều đó tốt cho người khác, hãy bớt nói những lời như vậy.
3. Điều gì đó bạn còn nghi ngờ
Dù là mối quan hệ nào, vợ chồng hay bạn bè thì điều quan trọng nhất vẫn là sự tin tưởng lẫn nhau. Sự tin tưởng chính là nền móng để bạn xây dựng nên những mối quan hệ bền vững.
Sự tan vỡ của nhiều cặp đôi và bạn bè bắt đầu từ sự nghi ngờ. Điều này đặc biệt phổ biến đối với các cặp vợ chồng. Một khi đã nghi ngờ về nhau, mối quan hệ của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một số cặp đôi thường nghi ngờ nhau vì những chuyện vụn vặt trong cuộc sống. Ngay cả khi đối phương cư xử hết sức bình thường với người khác giới cũng khiến họ cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, thậm chí có những hành vi quá khích. Cách tiếp cận như vậy chắc chắn sẽ khơi dậy sự phản đối của đối phương, thậm chí dẫn đến đổ vỡ mối quan hệ.
Vợ chồng cũng vậy, quan hệ bạn bè cũng vậy. Nếu bạn thấy mình đang nghi ngờ ai đó những điều chưa xác nhận được, đừng vội vàng nói ra mà hãy chờ xem liệu có điều gì thay đổi. Ngay cả khi mọi việc diễn ra theo suy đoán của bạn cũng cần đợi đến khi chuyện được khẳng định mới nên nói ra và tìm cách giải quyết.
4. Điều chỉ biết một nửa
Một số người luôn mong muốn bày tỏ ý kiến của mình khi giao tiếp với người khác ngay cả khi họ thực sự không hiểu về những điều đó. Sẽ thật là nực cười khi ai đó thậm chí chẳng hiểu mình đang nói gì.
Vì vậy, khi giao tiếp với người khác, người khôn ngoan sẽ không nóng vội phát biểu ý kiến của mình mà im lặng để lắng nghe nhiều hơn, thu thập thông tin nhiều hơn và chỉ sau khi đã hiểu rõ vấn đề mới lên tiếng để đưa ra giải pháp.
5. Lời tâng bốc lẫn nhau
Trên đời này, luôn có những người chẳng ngại ăn nói phũ phàng, trong khi số khác chỉ thích sự thảo mai, nịnh nọt. Thích những lời tâng bốc không chỉ để thỏa mãn sự phù phiếm mà còn cho thấy sự đạo đức giả của một người. Điều này không mang lại bất kỳ sự phát triển nào cho bạn cả. Với một người thực sự có năng lực, họ sẽ không hề thích những kẻ chỉ biết nịnh nọt, tâng bốc cấp trên.
Người muốn vươn lên phía trước không nên dồn tâm sức vào việc xu nịnh. Hãy sống chân thành và thể hiện điều đó trong từng lời nói, hành động của mình.
6. Đùa quá đáng
Luôn có những người nghĩ rằng quan hệ thân thiết có nghĩa là muốn đùa nhau, pha trò thế nào cũng được. Thế nhưng họ lại quên mất một điều cơ bản rằng trò đùa là điều phải khiến đôi bên cùng cảm thấy vui vẻ thì mới gọi là đùa. Khi lời nói của bạn khiến đối phương cảm thấy tổn thương hay xấu hổ thì trò đùa như vậy sẽ trở thành một sự chế giễu.
Trong cuộc sống, nguyên nhân của rất nhiều cuộc cãi cọ, thậm chí đổ máu chỉ là một trò đùa quá đáng. Nếu điều đó xảy ra giữa những người thân thiết, bi kịch ấy lại càng đáng buồn hơn.
Bạn có thể pha trò, thêm tiếng cười vào cuộc sống của mình và những người xung quanh nhưng hãy luôn nhớ ngay cả trò đùa cũng có giới hạn của nó.