Muốn giải thoát chồng khỏi kiếp đi "ở rể", tôi có trở thành người con bất hiếu?

Ngày 26/05/2017 14:01 PM (GMT+7)

7 năm sau khi kết hôn, anh vẫn vậy, hết mực yêu thương và chăm sóc vợ con, duy chỉ có nụ cười như ngày càng thiếu vắng trên môi anh.

Nếu xét theo các tiêu chuẩn thông thường, tôi là một người hạnh phúc. Mọi chuyện từ bé đến lớn của tôi đều thuận lợi, suôn sẻ. Gia đình tôi khá giả, tôi là con một nên được bố mẹ cưng chiều hết mức. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi xin được vào làm tại một công ty lớn.

Nỗi đau khổ lớn nhất đời tôi phải trải qua là việc bố qua đời chỉ một năm sau khi tôi tốt nghiệp đại học. Căn nhà 3 người ngập tràn tiếng cười giờ trở nên vắng vẻ vì thiếu vắng bóng hình bố. Mẹ tôi dù bên ngoài luôn tỏ ra mạnh mẽ nhưng tôi biết mẹ buồn rất nhiều.

Như một sự sắp đặt của ông trời để bù đắp cho tôi, 3 năm sau ngày bố mất, tôi quen chồng tôi bây giờ qua lời giới thiệu của bạn. Lần đầu gặp gỡ, cả tôi và anh đã biết đây chắc chắn là một nửa mình đang đi tìm kiếm bấy lâu. Anh điềm tĩnh, chín chắn và biết cách làm cho tôi cười. Anh cũng luôn nhường nhịn cho tính nhõng nhẽo, trẻ con của tôi. Bạn bè, họ hàng và mẹ tôi đều rất ủng hộ mối quan hệ này.

Một năm sau ngày quen nhau, anh chính thức ngỏ lời cầu hôn tôi. Vì gia đình anh ở dưới quê, nhà tôi lại là con một, nên sau khi kết hôn, anh chính thức về nhà tôi “làm rể”.

Ai cũng khen tôi tốt số khi không một giờ phút nào phải làm dâu, được ở với mẹ là sướng nhất. Quả thực, suốt thời gian sau khi lấy chồng, sinh con tôi ngập tràn trong hạnh phúc khi vẫn được sống trong ngôi nhà thân yêu của mình.

Muốn giải thoát chồng khỏi kiếp đi amp;#34;ở rểamp;#34;, tôi có trở thành người con bất hiếu? - 1

Giờ kinh tế của 2 vợ chồng tôi đã vững vàng, đủ sức để ra ngoài sống nhưng tôi sao có thể bỏ mặc mẹ và ra ở riêng (Ảnh minh họa)

Dù đã đi lấy chồng tôi vẫn được mẹ chăm sóc từng chút một như hồi con nhỏ. Việc lớn nhỏ trong nhà hầu như tôi không phải đụng tay. Nhiều khi tôi là người cãi ngang với mẹ, chồng tôi lại là người đứng ra hòa giải. Mẹ tôi cũng rất hài lòng về anh và dành nhiều lời khen trước mặt mọi người.

Tôi cứ vô tâm chìm đắm trong niềm hạnh phúc của riêng mình mà không nhận ra được những cái thở dài len lén của người đàn ông chung giường với mình.

Mẹ tôi là người rất thương con, thương cháu nhưng cũng khá nghiêm khắc và có những quy tắc riêng của mình. Khi ăn cơm, tuyệt đối không được phát ra tiếng động. Mẹ nghiêm cấm việc vừa ăn vừa xem ti vi hay cười đùa quá trớn. Ngoài ra trong nhà cũng vẫn luôn phải ăn mặc lịch sự, kín đáo.

Vì tôi sống với mẹ từ nhỏ nên đã quen với nguyên tắc đấy. Nhưng thời gian đầu chồng tôi khá chật vật với việc ăn cơm phải im lặng. Nhà anh vốn đông con nên bữa cơm là lúc mọi người chuyện trò với nhau. Những lần lễ Tết về nhà anh, không khí bữa cơm thực sự náo nhiêt hơn nhà tôi rất nhiều.

Ở nhà tôi lâu, anh cũng đã thành thói quen, nói ít và chỉ cặm cụi ăn. Ngay cả khi ăn anh cũng cố gắng ít phát ra tiếng động nhất. Mỗi khi xem bóng đá, anh cũng đều cố gắng phải nén tiếng hô bởi mẹ tôi là một người rất thính ngủ.

Vì ở nhà tôi nên mỗi khi lên thăm cháu hay đi khám bệnh, bố mẹ anh cũng rất biết ý thường thu xếp về trong ngày hay chỉ ở lại qua đêm một ngày. Những lần như thế, tôi biết anh rất muốn giữ bố mẹ ở lại chơi thêm nhưng lại ngại.

7 năm sau khi kết hôn, anh vẫn vậy, hết mực yêu thương và chăm sóc vợ con, duy chỉ có nụ cười như ngày càng thiếu vắng trên môi anh. Ngày sinh nhât vừa qua của anh khi được hỏi thích gì nhất, anh nghĩ hồi lâu rồi nói muốn ăn một bữa cơm chỉ có 2 vợ chồng và con do chính tay tôi nấu.

Anh muốn được phụ bếp cho tôi. Cả nhà cùng nhau ăn uống và trò chuyện vui vẻ. Vừa ôm anh, tôi vừa thấy xót xa, suốt bao năm qua đúng là tôi chưa bao giờ nấu cho anh được một bữa cơm trọn vẹn. Khi ở nhà, mẹ lúc nào cũng là người đảm trách chuyện đi chợ, bếp núc. Anh hiếm khi được ăn những món bản thân thích vì trái ngược khẩu vị với mẹ. Tôi quá ỷ lại vào mẹ và lãng quên cảm xúc của anh.

Nếu tình trạng này còn kéo dài thêm, tôi thực sự lo lắng cho hạnh phúc của mình. Tôi sợ một ngày anh sẽ cảm thấy mệt mỏi, không muốn bước chân vào ngôi nhà này nữa. Có lẽ suốt bao năm qua vì tình yêu dành cho tôi quá lớn nên anh phải âm thầm chịu đựng.

Giờ kinh tế của 2 vợ chồng tôi đã vững vàng, đủ sức để ra ngoài sống nhưng tôi sao có thể bỏ mặc mẹ và ra ở riêng? Tôi biết giải thích như thế nào với mẹ. Tôi rất muốn nói với mẹ “Mẹ ơi, con muốn ra ở riêng. Con muốn tự lập và sống cuộc sống riêng của mình” nhưng những lời này cứ nghen lai mãi ở trong cổ mà không thể phát ra thành lời.

AnnB
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình