Độc thân hay kết hôn là sự lựa chọn của mỗi người, đừng đem hôn nhân ra làm trò đùa, đừng vì sức ép của 4 chữ "báo hiếu cha mẹ" mà quyết định sai lầm.
Chẳng biết từ bao giờ người ta lại áp đặt một quan niệm mới rằng “con cái phải lập gia đình, sinh con đẻ cái thì mới gọi là có hiếu với mẹ cha”.
Từ trước tới nay, nhắc tới báo hiếu là người ta sẽ nghĩ ngay đến cảnh con cái tận tâm, tận lực chăm lo cho cha mẹ từ bữa ăn đến giấc ngủ, giúp đỡ cha mẹ từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ không chần chừ, trách than…Ấy vậy mà chẳng biết từ bao giờ, người ta lại áp đặt một quan niệm mới rằng “con cái phải lập gia đình, sinh con đẻ cái thì mới gọi là có hiếu với cha mẹ”.
Chuyện là thế này, hôm ấy bố chồng của chị gái tôi ghé chơi nhà đúng lúc bố mẹ tôi đi vắng, chính vì thế mà tôi và bác ấy có cơ hội để ngồi với nhau nói đôi ba câu chuyện. Sau màn chào hỏi, hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn, bác ấy ngay lập tức hỏi đến chuyện tình yêu tình báo của đứa con gái 25 tuổi “ế chồng” là tôi đây.
Thấy tôi "tưng tửng" không lo lắng chuyện ế chồng, bác nghiêm mặt nói nghiêm túc tới mức tôi cũng có chút chột dạ: "Nói như vậy là hỏng bét rồi cháu ạ. Cháu phải lo lấy chồng, rồi sinh con đẻ cái thì mới gọi báo hiếu cha mẹ, đừng tưởng ở cứ nhà chăm sóc bố mẹ như vậy là được đâu. Cha mẹ nào cũng mong con cái được yên bề gia thất, con chưa lập gia đình thì còn nhiều nỗi lo toan, mà làm bố mẹ lo lắng thế là bất hiếu đấy cháu ạ."
Lúc ấy tôi ngớ người ra, bởi từ trước tới giờ tôi chưa từng được nghe cái định nghĩa lạ lùng này về sự bất hiếu. Nếu đúng như lời bác ấy nói thì từ trước tới nay tôi vẫn là đứa bất hiếu với cha mẹ, dù cho tôi có dốc lòng chăm lo, hầu hạ bố mẹ từng bữa ăn, giấc ngủ kỹ càng đến thế nào hay sao?
Đem chuyện này kể với chị đồng nghiệp, tôi càng bất ngờ hơn khi chính chị cũng đang phải chịu khốn khổ vì câu chuyện tương tự. Chị năm nay 33 tuổi, công việc ổn định, lương cao, có một căn nhà riêng ở phố, cách nhà bố mẹ đẻ 60km, tính tình hòa đồng, vui vẻ, nhiệt tình… chỉ có điều không thấy chị yêu ai và cũng chưa có ý định kết hôn.
Từ sáu, bảy năm trước đây, gia đình đã bắt đầu hỏi han chị về chuyện lập gia đình, qua thời gian, đến nay khi chị đã sắp quá lứa lỡ thì thì cha mẹ cô bác trong nhà ngày càng sốt ruột hơn về chuyện này. Chị đi làm xa, cứ hai tuần mới về thăm nhà được một lần và mỗi lần như thế chị lại phải khổ sở vì bao nhiêu người cứ liên tục hỏi dồn rồi lại làm khó chị về chuyện lấy chồng, sinh con.
Con cái lớn mà chưa chịu lập gia đình là bất hiếu? (ảnh minh họa)
Nếu nói rằng con cái không chịu lập gia đình sẽ làm cha mẹ đau khổ, buồn bã, vậy nếu con cái lập gia đình rồi mà cứ dăm bữa nửa tháng lại đụng độ, xích mích một lần, ở với nhau được vài tháng vài năm lại li hôn thì thử hỏi lúc ấy cha mẹ đau lòng hơn biết bao nhiêu. Cha mẹ sốt ruột khi con cái đã lớn mà chưa yên bề gia thất cũng là điều dễ hiểu, thế nhưng không phải vì cái sự sốt suột ấy mà lại có thể áp đặt lên người con.
Tôi có một anh bạn, sau khi chia tay mối tình 3 năm sâu đậm, anh ấy đã buồn bã tới mức không còn hứng thú để quen thêm một ai. Bố mẹ thấy anh đã lớn mà chưa chịu lấy vợ nên đã nói ngọt nói nhạt đủ kiểu để ép anh lấy một cô gái theo mai mối của một người quen.
Tất nhiên ban đầu anh không đồng ý, nhưng vì mẹ anh cứ khóc lên khóc xuống trách con bất hiếu, không thấu lòng mẹ cha…nên anh đã nhắm mắt làm ngơ mà cưới cô gái ấy. Sau gần một năm chung sống với nhau, vì không có tình yêu, cũng chẳng hợp nhau về tính tình, cách sống cách nghĩ nên anh đã quyết định li hôn để giải thoát cho cả hai, mặc cho mẹ anh lại một lần nữa phải khóc ngất vì đứa con “bất trị” của mình.
Thế đấy, nếu một khi đã chẳng thể làm bố mẹ vui lòng về chuyện chưa muốn lập gia đình thì ít nhất cũng đừng để họ phải thêm đau khổ về chuyện mình không có được cuộc sống hôn nhân đầm ấm và hạnh phúc. Đừng bận tâm bởi những lời đàm tiếu, trách mắng của người đời bởi họ sẽ chẳng bao giờ sống cho cuộc đời của ta.
Có rất nhiều cách để báo hiếu mẹ cha, không phải chỉ là bằng việc lập gia đình (ảnh minh họa)
Chữ “hiếu” trên thế gian này đâu phải dễ dàng cân đo bằng việc kết hôn cho cha mẹ vui lòng như vậy. Có đầy người dù độc thân nhưng vẫn làm tròn trách nhiệm của một người con, còn hơn những kẻ chỉ biết đến hạnh phúc của riêng mình mà bỏ quên mẹ cha.
Con cái nếu muốn chứng minh sự hiếu thuận của mình, bên cạnh việc chăm lo cho cha mẹ chu đáo thì hãy cố gắng sống làm sao để chứng minh cho cha mẹ thấy được rằng mình hoàn toàn hạnh phúc với những gì mình đang có, hãy để cha mẹ thấy rằng con cái của họ có thể sống tốt, sống có ích mà không cần phải phụ thuộc vào bất cứ một ai.