Gần đây nhất, Hà Nội phải đã dỡ bỏ công trình hoa trang trí xung quanh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, gần bờ Hồ Hoàn Kiếm vì dân tình phản đối...
Mỗi năm, khi gió lạnh tràn về, lòng người phơi phới đón xuân sang là Hà Nội lại bắt đầu chỉnh trang phường phố. Những viên gạch cũ kỹ vừa được lát cũng vào tầm nằm này năm ngoái giờ đây lại tiếp tục được dựng lên. Năm mới gạch lát cũng phải mới, bất kể nó đã hỏng và xấu hay chưa. Quy luật thay thế mà, tránh sao nổi.
Dưới đất là thế, ở trên cao những dàn đèn sặc sỡ đủ màu kết hợp với các hình tượng hoa chim cũng bắt đầu được dựng lên, đua nhau khoe sắc. Gần đây nhất, Hà Nội phải dỡ bỏ công trình hoa trang trí xung quanh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, gần bờ Hồ Hoàn Kiếm. Dân tình, với năng lực phê phán sâu sắc, bằng ý thức phản biện tràn trề thêm một lần nữa đã phất cờ chiến thắng, khi những ý kiến của mình đã được những người có trách nhiệm lưu tâm sửa chữa.
Ấy thế nhưng, chỉ ngày hôm sau một loạt các hình ảnh trang trí mới của Hà Nội lại tràn ngập mạng xã hội. Những hình hoa màu mè tiếp tục được trưng diện trên nhiều tuyến đường, lạc lõng với cảnh quan, mâu thuẫn với một Hà Nội cần phải lặng lẽ, thâm trầm.
Cá nhân tôi, với tư cách là một công dân đã có gần một năm lăn lóc mưu sinh ở Hà Nội chưa từng một lần ấn tượng với cách thức trang trí phố phường của mảnh đất Thăng Long mỗi dịp lễ tết. Ấy thế nhưng, tôi luôn luôn khắc sâu một kỷ niệm, nhờ nó mà tôi đã tiến được một bước dài, rút ngắn được một quy trình phức tạp để chiếm được trái tim người con gái tôi yêu, hiện nay đã là mẹ của các con tôi.
Công trình hoa trang trí đã được dỡ bỏ
Thời ấy, Hà Nội trang trí trên cao hình ảnh hai con bồ câu sắt chụm mỏ lại với nhau. Thú thực, hình ảnh bồ câu chụm mỏ tôi đã thấy nhiều trong các phông màn trang trí đám cưới, nhưng trang trí cho đường phố thì tuyệt nhiên lần đầu tiên tôi thấy. Hà Nội là thành phố vì hòa bình, bồ câu là tượng trưng cho hòa bình thì hẳn rồi, nhưng vì sao bồ câu lại phải chụm mỏ vào nhau bay lên thì tôi chịu, không sao giải thích nổi.
Ấy thế mà đúng cái ngày se se lạnh ấy, khi tôi đang chở đối tượng tiềm năng số một (tức là người tôi đang tán tỉnh) dạo phố thì nàng cũng có chung một thắc mắc đó. Tiếng nàng khe khẽ từ phía sau: “Anh ơi, sao người ta lại trang trí hai con bồ câu chạm mỏ với nhau thế nhỉ?”, câu hỏi của nàng làm tôi có chút bất ngờ, nhưng chẳng hiểu vì sao trí thông minh bất thình lình xuất hiện, tôi bình tĩnh giải thích với nàng: “Trong phim Hàn Quốc ấy em, thỉnh thoảng khi người con gái giận người con trai sẽ mắng chửi chàng trai thậm tệ, bất ngờ chàng trai để môi mình chạm môi chửi, thế là chiến tranh chấm dứt, hòa bình ngọt ngào. Anh nghĩ người ta làm hình tượng hai con bồ câu chạm môi vào nhau ý muốn truyền tải thông điệp, chỉ có nụ hôn mới đem lại hòa bình mà thôi”.
Nàng nghe xong, dường thán phục sự suy luận của tôi nên khe khẽ đưa tay vòng lấy eo tôi. Thời cơ ngàn năm xuất hiện, tôi chở nàng vòng vèo đến một chỗ vắng và quyết định quá độ chu trình chinh phục nàng bằng một màn tỏ tình đột xuất, tôi dựng chân chống xe, quay sang nhìn nàng nghiêm túc rồi nói: “Này em, anh muốn phát động chiến tranh với em”. Nàng nhìn tôi băn khoăn khó hiểu hỏi lại: “Đang yên đang lành sao anh lại muốn phát động chiến tranh, hâm, dở hơi…”, nàng định nói thêm thì tôi đã bất ngờ hôn nàng một nhát dứt khoát. Nàng như lịm đi trong vòng tay xiết chặt của tôi. Buổi tỏ tình kết thúc thành công tốt đẹp, mấy tháng sau cho ra quả ngọt là một đám cưới. Tôi vẫn đội ơn mãi hai con bồ câu xấu xí bằng sắt thô thiển trên phố ngày ấy, bởi nhờ nó mà tôi mới dám cất tiếng tỏ tình với nàng.
Từ đó, kinh nghiệm rút ra của tôi là đôi khi cảm thấy sự phê phán bất lực trước thực tế đau thương chúng ta đành phải tìm ra những lý do để giải thích cho sự tồn tại tích cực của nó. Đơn giản như, tối nay tôi sẽ dẫn nàng ra mấy cái chỗ lòe loẹt trang trí đó để chụp ảnh 'úp fây' để ôn lại cái ngày tôi trao tặng cho nàng nụ hôn đầu tiên lần thứ 25 ngày ấy. Ngày, tôi chưa bị hôn nhân úp sọt.