Người phụ nữ xuất hiện bất ngờ và nỗi đau nghẹn ngào trong quá khứ

Ngày 12/12/2016 13:44 PM (GMT+7)

Khi ngồi gõ những dòng này, ký ức tồi tệ cách đây 20 năm bỗng ùa về khiến tôi thật đau lòng. Tôi chưa bao giờ muốn nhớ lại những ngày tháng ấy, chưa bao giờ muốn nhớ lại thân thận của mình và càng không bao giờ muốn nhắc đến những người đã sinh ra chị em tôi.

Bấm vào nút Play để nghe toàn bộ bài tâm sự

Vâng, nói ra thì bạc bẽo, nhưng thà chị em tôi mồ côi có khi còn hạnh phúc hơn khi có bố mẹ như vậy. Chúng tôi, ba đứa trẻ khốn khổ ngày ấy bị chính bố mẹ ruột nhẫn tâm bỏ rơi.

Ngày ấy, tôi 12 tuổi, còn hai đứa em, một mới 8 và một mới lên 4 tuổi. Tôi không biết bố mẹ mình đã từng yêu nhau nhiều ra sao, đã có những tháng ngày hạnh phúc như thế nào? Có lẽ là có nên họ mới lấy nhau và sinh ra chúng tôi. Chị em tôi cũng như hầu hết những đứa trẻ khác quanh nhà, từng được bố mẹ yêu thương và chiều chuộng, vô tư cười hát nô đùa. Rồi tôi không hiểu vì sao mọi thứ dần đổi khác.

Bố mẹ ít nói chuyện với nhau, họ không ngủ cũng giường. Bố ít về nhà vào những bữa cơm, và mẹ cũng thôi không chờ đợi.  Bức tường hôn nhân ban đầu chỉ là những vết rạn, rồi dần nứt toác ra thành những mảnh vỡ.

Có những đêm khuya tôi nghe thấy những lời cãi vã chát chúa phát ra từ phòng cha mẹ. Trong cuộc thoại, họ đay nghiến nhau về chuyện tiền bạc, về công việc và chuyện một người phụ nữ nào đó xen vào gia đình tôi. Cũng từ đó, bố ít khi về nhà, còn mẹ gần như biến thành một người khác, vô tâm và độc ác.

Mỗi sáng mẹ không dậy nấu ăn sáng cho cả nhà, không đưa đón hai đứa em tôi đi học mà giao hết cho tôi. Mẹ đánh chúng tôi nhiều hơn, hễ phạm vào một lỗi nhỏ là mẹ đánh không tiếc tay. Tôi nhớ có lần nấu cơm, tôi vô tình đánh vỡ hai quả trứng, vậy mà mẹ lao vào giật tóc, dùng chiếc đũa cả (chiếc đũa to, dài) đánh vào đầu tôi tới tấp, kèm theo đó là những lời mạt sát như: “Cái nòi ăn hại. Mày làm được cái trò trống gì đây…”.

Người phụ nữ xuất hiện bất ngờ và nỗi đau nghẹn ngào trong quá khứ - 1

Cứ thế, họ đôi co, đùn đẩy nhau việc nuôi ba chị em tôi. Rồi vào một ngày mưa tầm tã, họ đưa chị em tôi lên tòa và tại đây, họ vẫn giằng co nhau chuyện phân chia nhau chăm sóc các con như chia một món nợ. (ảnh minh họa)

Thậm chí, có lần em thứ của tôi đi học về, vì quá đói, nó dọn cơm và lỡ tay đánh vỡ một cái bát, mẹ tôi thấy vậy liền cầm chiếc dây thừng quật vào người nó và bảo: “Mày hốc làm gì nữa, phí cơm tao”.

Cho đến một ngày, đêm đã rất khuya, khi tôi đang chìm vào trong giấc ngủ thì giật mình bởi tiếng đổ vỡ, tiếng cự cãi, tiếng gào khóc từ phòng cha mẹ tôi. Tôi hé cửa phòng mình để nghe xem bố mẹ nói những gì. Và đến hôm nay, tôi thật sự hối hận vì hành động ngày đó của mình. Bởi giá như, tôi không nghe được những lời nói ấy, có lẽ tôi đã không đau đớn suốt mấy chục năm qua.

- Mày đẻ ra toàn lũ vịt giời thì tự nuôi đi.

- Ai ép tôi đẻ? Tôi đã hầu hạ bố con anh bao nhiêu năm nay thế là quá đủ rồi. Anh bắt tôi đẻ đứa thứ 3 thì anh phải nuôi nó. Tôi sẽ mang con Ngọc đi (Ngọc là tên đứa em thứ hai của tôi).

- Tao sẽ không nuôi đứa nào hết! Toàn lũ vô dụng!

- Được thôi, nếu tôi nuôi hết, anh phải để lại đất nhà, xe cộ cho tôi, không thì đừng hòng.

...

Cứ thế, họ đôi co, đùn đẩy nhau việc nuôi ba chị em tôi. Rồi vào một ngày mưa tầm tã, họ đưa chị em tôi lên tòa và tại đây, họ vẫn giằng co nhau chuyện phân chia nhau chăm sóc các con như chia một món nợ. Tôi được tòa xử ở với cha, còn hai đứa em theo mẹ.

Rồi nhanh chóng, bố tôi bỏ tôi lại cho ông bà nội, còn hai đứa em thì mẹ để lại cho ông bà ngoại chăm sóc. Căn nhà cũ bị bán, bố mẹ tôi đi đâu, chúng tôi cũng không rõ.

Tuổi thơ của chúng tôi vắng bàn tay chăm sóc của bố và thừa sự kỳ thị ghẻ lạnh của người đời, xóm giềng vì chúng tôi là con của những kẻ vì tiền mà bỏ rơi con cái. Nhiều lần tôi hỏi nội rằng, “vì sao bố mẹ không về thăm chúng con”, nội trả lời: “Bố mẹ bận chút công việc, rồi họ sẽ về bù đắp cho các con”. Chúng tôi đã vịn vào câu nói của bà nội để mạnh dạn tự tin mà lớn lên, mà sống tiếp phần đời ban đầu lắm bão táp và không thiếu bất hạnh.

Rồi chị em tôi cũng khôn lớn, trưởng thành và đều có công việc ổn định ở Hà Nội. Tôi và đứa em thứ hai đã lập gia đình và sống rất hạnh phúc, còn em út đang học trong ngành y đa khoa. Tôi coi cha mẹ đã mất và luôn cố quên đi ký ức về những ngày tháng ấy.

Và khi tôi tưởng mình đã không còn nhớ chuyện trong quá khứ thì một ngày, người phụ nữ đã sinh ra chúng tôi bỗng xuất hiện. Bà đến tìm tôi trong bộ dạng tiều tụy, già nua và suýt chút nữa tôi đã không nhận ra. Bà cầm tay tôi nức nở hỏi thăm, rồi xin lỗi. Tôi sửng sốt nhìn mẹ rồi mãi mới thốt ra được một câu, tôi hỏi bà: “Sao bỗng dưng mẹ tìm con có việc gì?”. Dường như chỉ chờ tôi nói câu này, mẹ bắt đầu kể lể những khó khăn, vất vả của mình suốt bao năm qua.

Bà bảo, sau khi chia tay bố, mẹ vào Nam và có một mái ấm mới. Mấy năm gần đây, mẹ là chủ hụi với mô khá lớn. Bà huy động được lượng người tham rất đông với lời hứa trả lãi cao. Cho đến khi, nhiều người vì hám lời, đóng tiền vào thì bà không có khả năng chi trả. Hụi vỡ, mẹ tôi và cả gia đình phải bỏ trốn trước sự truy lùng gắt gao của các con nợ.

Mẹ đã xoay xở khắp nơi nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với số nợ lên tới hàng tỷ đồng. Kể xong chuyện, mẹ van lài tôi hãy giúp đỡ họ trả nợ. Tôi đắng cay tự hỏi rằng, nếu tôi không thành đạt như hôm nay, nếu mẹ không rơi vào bước đường cùng thế này, liệu mẹ có nhớ tới chúng tôi.

Tôi đã nói chuyện với hai em, nhưng chúng dửng dưng nói rằng, chúng không quen biết người phụ nữ đó. Thậm chí, đứa em thứ hai còn nói với tôi: “Chị đừng bao giờ nhắc tới từ “mẹ” trước mặt em”.

Tôi định giúp mẹ, nhưng mỗi khi có ý định đó thì ký ức về sự đùn đẩy nuôi con, rồi bỏ rơi chị em tôi cứ mồn một hiện về khiến tôi gần như muốn đoạn tuyệt với bà. Tôi đau đớn quá, tôi phải làm sao đây?

Theo Nhị Hà (ghi)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện vợ chồng