Tưởng chừng bảng chi tiêu là đã tiết kiệm nhất, không thể giảm được nữa song sau khi chia sẻ lên mạng xã hội, chị Ngân đã nhận được rất nhiều lời góp ý của các chị em.
Sau 7 năm kết hôn, vợ chồng chị Phạm Thanh Ngân (Hoàng Mai, Hà Nội) đã có 3 bé gái kháu khỉnh. Chị Ngân làm nhân viên văn phòng với mức lương cố định 10 triệu/tháng, chồng chị làm nhân viên kinh doanh nên thu nhập không cố định, dao động trong khoảng 12-14 triệu/tháng.
Trước khi có dịch COVID-19, công việc của chồng chị khá thuận lợi, thậm chí có lúc được nhận tiền thưởng bằng cả tháng lương. Tuy nhiên chịu ảnh hưởng chung của dịch, thu nhập của anh không còn được như trước. Điều này đặt ra cho chị Ngân bài toán làm sao để chi tiêu tiết kiệm hơn trong mùa dịch.
"Mong các cao nhân vào đây giúp em với ạ!
Chuyện là chồng em làm nhân viên kinh doanh nên ai cùng nghề thì biết thu nhập ảnh hưởng bởi dịch bệnh thế nào rồi đấy. Thu nhập giảm nên em rất cần tiết kiệm hơn mà không biết cắt được khoản nào.
Vợ chồng em thu nhập khoảng 22-24 triệu/tháng. Do nhà cửa được bố mẹ cho, trước đây chồng em thu nhập khá hơn nên em cũng không nghĩ ngợi chuyện chi tiêu nhiều. Năm nay dịch bệnh ảnh hưởng kinh tế, cứ giữ kiểu chi tiêu này chắc em sớm muộn cũng lấy tiền tiết kiệm cho con ra tiêu mất!
Đây là bảng chi tiêu trung bình 1 tháng của nhà em.
Tiền học (1 bé 5 tuổi, 1 bé 3 tuổi): 4,5 triệu
Tiền sữa tươi, sữa chua: 1 triệu.
Tiền cháo (trung bình 50 nghìn/ngày): 1,5 triệu.
Tiền điện, nước, internet, phí vệ sinh: 2 triệu.
Tiền xăng xe, điện thoại: 1 triệu.
Tiền quần áo, đồ chơi: 2 triệu.
Tiền ăn, ga, gia vị: 8 triệu."
Theo chia sẻ của chị Ngân, bé út nhà chị mới được 10 tháng và hiện vẫn bú sữa mẹ, chưa mất tiền sữa ngoài. Hai bé lớn cùng học 1 trường tư nên học phí được giảm và chỉ còn 4,5 triệu cho cả 2 anh em. Hai bé rất thích ăn cháo ngoài hàng nên ngoài các bữa ăn ở trường, chị thường mua 3 cốc cháo cho 3 con vào buổi tối để khỏi mất công nấu cháo.
Tưởng chừng bảng chi tiêu là đã tiết kiệm nhất, không thể giảm được nữa song sau khi chia sẻ lên mạng xã hội, chị Ngân đã nhận được rất nhiều lời góp ý của các chị em.
Ảnh minh hoạ.
"Vừa nhìn vào đã thấy ít nhất cắt được khoản 1,5 triệu tiền cháo rồi mẹ nó ơi. Hai bé lớn đều đã 5 tuổi và 3 tuổi, bữa chính nên ăn cơm rồi chứ còn ăn cháo trường kỳ thế thì không ổn. Với 8 triệu tiền ăn, biết phân bổ chi tiêu mẹ nó hoàn toàn có thể chi tốt tiền ăn cho nhà 5 người và cắt hẳn 1,5 triệu tiền cháo".
"Chưa nói đến phần tốn kém thì việc tối nào cũng cho các con ăn cháo ngoài hàng vừa không biết độ vệ sinh an toàn thế nào mà còn không tốt cho tiêu hoá nữa. Các bé lớn cần ăn thức ăn có độ thô phù hợp với lứa tuổi. Cháu mình trước cũng đam mê cháo, không chịu nhai cơm, chưa 5 tuổi răng đã hỏng gần nửa hàm vì không chịu nhai".
"Mình nghĩ khoản tiền quần áo, đồ chơi có thể cắt giảm được. Nhà bạn có lợi thế là 3 bé gái nên hoàn toàn có thể sử dụng lại đồ cũ của nhau. Trẻ con nhanh lớn không cần phải sắm quần áo quá nhiều. 24 triệu/năm cho tiền quần áo và đồ chơi là khá nhiều."
"Vợ chồng dành nhiều thời gian chơi với con sẽ tốt hơn là mua cho con thật nhiều đồ chơi em ạ. Tiết kiệm tiền chỉ là một phần, việc này còn giúp bố mẹ con cái tình cảm hơn, ít đồ chơi cũng giúp bé phát huy tư duy sáng tạo hơn đó!".
Bên cạnh những lời góp ý về các khoản có thể tiết kiệm được, nhiều chị em cũng khuyên chị Ngân nên sát sao hơn trong chuyện chi tiêu.
"Chị nghĩ việc chi tiêu sát với thu nhập như này khá nguy hiểm, đặc biệt là khi có việc đột xuất hay chịu ảnh hưởng thiên tai địch hoạ. Em có thể bắt đầu bằng việc ghi chép chi tiêu hàng ngày và tổng kết hàng tháng để kịp thời điều chỉnh".
"Trước đây mình cũng như mẹ nó, không nghĩ gì chuyện tiền tiêu đi đâu song thực sự việc ghi chép lại, lập ngân sách sẽ giúp mình có cái nhìn rõ ràng hơn về tiền bạc. Bạn có thể tham khảo các phương pháp 50/30/20 hoặc 6 cái lọ. Không có công thức nào là đúng hết với mọi gia đình song chắc chắn sẽ hữu ích đấy!".
Nghe xong loạt tư vấn của các chị em, bà mẹ trẻ đã ngộ ra được rất nhiều điều hữu ích. Hiện bài chia sẻ của cô vẫn đang nhận được sự quan tâm của cư dân mạng.