Đâu phải cứ đi ở rể là hèn, là nhục? Có đầy người đi ở rể vẫn sướng như tiên đấy thôi.
Chuyện đàn bà đi làm dâu xưa nay vốn là lẽ thường tình, ấy thế mà đối với rất nhiều người, chuyện đàn ông đi ở rể lại là một vấn đề chẳng đáng được hoan nghênh. Người xưa thường nói, đàn ông ở rể nhà vợ giống như “chó chui gầm chạn”, là nhục, là thiếu bản lĩnh…, có người lại còn cho rằng những người đàn ông như thế dù ít hay nhiều cũng mang trong mình những toan tính, mưu mô.
Toàn là dân tỉnh lẻ, lên thành phố học đại học rồi ra đi làm cũng đã được vài năm. Tại đây, Toàn quen và yêu Trang, út cưng trong một gia đình có bố mẹ đều là cán bộ nhà nước đã về hưu. Gia đình Toàn ở quê dù không phải là thiếu thốn nhưng xét ra vẫn thua kém nhà Trang về nhiều mặt.
Hai đứa yêu nhau được hai năm, Trang đã nhiều lần thuyết phục Toàn sau này cưới xong sẽ về nhà Trang ở rể, bởi bố Trang thì đau yếu, bệnh tật, mẹ cũng ngày một già đi, chị gái Trang thì cũng đã về làm dâu nhà chồng. Ban đầu, Toàn nhất quyết không chịu, cố gắng thuyết phục Trang rằng anh sẽ dành tiền mua nhà gần bố mẹ để Trang có thể tiện chạy đi chạy về…thế nhưng Trang vẫn không đồng ý. Sau này, phần vì yêu Trang, phần vì thương hai ông bà già đau bệnh sống trong cái nhà rộng thênh thang ấy sẽ buồn, Toàn vui vẻ chấp nhận về làm rể.
Cái ngày cưới Trang, bạn bè của Toàn đứa thì chửi Toàn ngu, hỏi rằng anh sống bám nhà vợ như thế mà không thấy nhục hay sao, đàn ông ai lại núp dưới bóng nhà vợ như thế, không sợ nhà vợ khinh thường ư…, có đứa thì cười đầy ẩn ý, nói rằng Toàn khôn, về nhà ấy làm rể kiểu gì chẳng được luôn cả cái nhà to đùng kia. Kiếp "chó chui gầm chạn" bắt đầu - theo cái lời mỉa mai của thằng bạn thân.
Chuyển về nhà Trang sống sau đám cưới, Toàn bắt gặp một vài ánh mắt soi mói, xét nét của mấy bà hàng xóm, đã thế còn có lần, Toàn vô tình nghe được mấy bà ấy nhỏ to với nhau rằng anh giống như “chuột sa chĩnh gạo”, tự dưng “một bước lên tiên”… Đến lúc ấy, Toàn mới thấy hoang mang thật sự.
Đem tâm sự của mình kể với vợ, Toàn được Trang vỗ về và động viên. Trang nhẹ nhàng ôm chồng rồi nói: “Chuyện anh đồng ý về đây ở rể, cùng em chăm sóc bố mẹ khi về già, em cảm ơn anh còn chưa hết, anh nghe làm gì lời đàm tiếu của thiên hạ, họ có ở trong hoàn cảnh của mình đâu mà hiểu. Chỉ cần mình sống với nhau hòa thuận, bố mẹ vui vẻ là được rồi anh à”.
Đừng vì những lời mỉa mai của thiên hạ mà làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình (ảnh minh họa)
Quả thật, khi về làm rể nhà Trang, Toàn không hề gặp bất cứ một trở ngại nào. Mẹ Trang tuy có hơi khó tính nhưng là người rất chu đáo và thương yêu chồng con. Người ta hay nói “dâu là con, rể là khách”, thế nhưng bà vẫn đối xử với Toàn như một đứa con trai thực thụ, vẫn rầy la Toàn khi anh làm điều gì đó không vừa ý, vẫn chỉ bảo anh những điều còn thiếu xót, vẫn chăm lo cho anh những bữa cơm với món ăn anh thích, vẫn tâm sự, bàn bạc với anh những điều mà bà muốn chia sẻ…
Mang tiếng là ở nhà vợ, thế nhưng Toàn vẫn hoàn toàn có thể làm người đàn ông trụ cột trong gia đình. Bố vợ bệnh nặng, Toàn không ngần ngại phụ cả nhà chăm sóc ông, thay ông làm những việc nặng nhọc của đàn ông trong gia đình. Toàn luôn sẵn sàng mỗi khi mẹ vợ nhờ sửa giúp cái quạt, lắp cái bóng đèn hay bưng bê vật nặng, mẹ vợ thì luôn tham khảo ý kiến của con rể mỗi khi muốn đưa ra một quyết định trong gia đình…
Ấy vậy mới nói, cuộc sống của Toàn ở nhà vợ không hề gặp chút khó khăn. Mẹ vợ tâm lý, con rể biết điều, có vợ động viên và thấu hiểu…cuộc sống nhờ thế mà dễ thở vô cùng. Người đời có đàm tiếu, soi mói cỡ nào thì đến lúc họ cũng sẽ chán mà thôi không còn suy xét, cái quan trọng là họ đã thấy được gia đình ấy vẫn luôn rộn ràng tiếng cười.
Đàn bà đi làm dâu khó trăm đường thì đàn ông đi ở rể cũng không phải dễ. Một khi người đàn ông không đủ bản lĩnh để đạp lên những lời đàm tiếu của thiên hạ thì dù nhà vợ có dễ đến cỡ nào thì cũng không thể sống hòa thuận, yên vui. Chỉ khổ nhất những người vợ có mấy anh chồng dễ bị tác động bởi miệng lưỡi thế gian để rồi cứ cho rằng nhà vợ sẽ khinh thường mình, đến lúc bức bối quá lại kiếm chuyện để gây sự với vợ con.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, đâu phải tự nhiên mà nhà người ta lại muốn các anh về ở rể. Nếu các anh thương yêu con gái họ thật lòng, đối xử với họ lễ phép, biết trên biết dưới thì thử hỏi họ tiếc gì mà không yêu thương và quý mến các anh như con đẻ trong nhà?
Bây giờ đã là thế kỷ 21 rồi, đã xa rồi cái thời trọng nam khinh nữ, xa rồi cái quan niệm đàn bà là người phải núp bóng nhà chồng, nhờ vả nhà chồng. Làm rể hay làm dâu cũng vậy, cái quan trọng nhất vẫn luôn luôn là sự chân thành, thấu hiểu, cảm thông và nhẫn nhịn, có thế thì cuộc sống mới được trọn vẹn và yên vui.