Cuộc sống này vốn khó khăn hơn chúng ta tưởng và không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Biết tính toán cho tương lai, có khoản dự phòng sẽ cho phép tôi và bạn kiểm soát được phần nào những những biến cố ấy.
Tôi còn nhớ ngày nhỏ mình đã từng háo hức chờ ngày trở thành người lớn để có thể đi làm, chờ đến ngày nhận lương và mua sắm tất cả những gì mình thích. Trưởng thành khi đó với tôi nghĩa là chúng ta kiếm ra tiền và không cần năn nỉ người khác khi muốn mua món đồ chơi, chiếc váy mình ao ước.
Cha mẹ tôi cũng không phải là người quản lý tiền bạc tốt. 18 tuổi, sau khi đỗ vào một trường đại học thuộc top khá, tôi bắt đầu kiếm ra tiền với công việc dạy thêm gia sư. Tôi dạy kèm cho một cậu học sinh lớp 5 ở gần nhà với tần suất 5 buổi mỗi tuần. Học phí mỗi buổi chỉ là 50 nghìn đồng, khá thấp so với năm 2013 song từ mối dạy thêm đó, tôi đã "phủ kín" thời gian biểu của mình với 10 buổi mỗi tuần cho 3 bé từ cấp 1 đến cấp 3.
Ngay khi cầm tháng lương đầu tiên, tôi đã mua vài món quà cho cha mẹ và đem "nướng" hết vào mua sắm. Tôi coi thu nhập của mình là khoản để bản thân có thể check in hết những quán cafe sang chảnh đang hot trên mạng, không ngần ngại sắm ngay chiếc mũ hot hit đang "làm mưa làm gió" trên mạng. Tôi không có mục tiêu gì lâu dài và chỉ kiếm tiền để thỏa mãn những sở thích của bản thân. Tôi cũng chưa từng có suy nghĩ mình cần phải tiết kiệm hay điều gì đó tương tự như vậy.
Năm 2017, tôi ra trường và cũng là quãng thời gian trải qua biến cố lớn nhất cuộc đời tôi cho đến bây giờ. Ngày ra trường, chuẩn bị đi làm cũng là lúc bố tôi phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối. Mọi người trong nhà đều cố tỏ ra bình tĩnh song tôi biết không chỉ bố suy sụp mà cả các thành viên khác đều như vậy.
Nếu gia đình từng có người bị bệnh nặng, bệnh nan y bạn sẽ biết việc điều trị tốn kém thế nào. Ngoài việc điều trị ở viện, nghe ai mách có thuốc nào gia đình tôi cũng tìm cách liên hệ để mua cho bố. Ngày nhìn anh trai cầm chiếc phong bì có 30 triệu tiền tiết kiệm để phụ mẹ lo thuốc thang cho bố, nhìn mẹ một tay xoay sở tài chính, tôi mới hiểu được giá trị của việc tiết kiệm. Tôi thấy thật xấu hổ khi sau 4 năm đi gia sư kiếm được tiền, tôi không hề có một đồng nào cho tiết kiệm hay dự phòng.
1 năm đầu sau khi ra trường, tôi không đi làm để dành thời gian cho việc chăm sóc bố. Nhà neo người, mẹ tôi lại vẫn đang làm việc và tôi hiểu tiền hôm nay không kiếm ngày mai có thể kiếm bù còn thời gian bên bố thì không. Ngay tháng đầu tiên sau khi đi làm, tôi quyết định lên kế hoạch tiết kiệm.
Tôi đã dành cả một ngày trời để đọc về các phương pháp tiết kiệm ở trên mạng với khí thế ngùn ngụt. Tôi nghĩ rằng mình sẽ sống thật tằn tiện để chắt bóp chi tiêu mà chẳng hề ngờ rằng điều đó thực sự vượt quá khả năng của mình. Việc tiết kiệm thực sự nghe có vẻ dễ song không dễ chút nào.
Tôi cố cắt giảm mọi chi phí một cách tối đa và rồi sau đó nhanh chóng thất bại kế hoạch tiết kiệm. Tôi không biết tiền của mình đã đi đâu và không biết vì sao mình lại tiêu hết từng đấy tiền. Tôi trở lại tiêu dùng như trước nhưng với chút hạn chế hơn. Cuối năm đó, khi tổng kết lại chi tiêu, tôi giật mình nhận ra con số mỗi tháng tôi tiết kiệm được chỉ là 10% thu nhập. Xin nói thêm là tôi hồi đó vẫn độc thân và sống cùng gia đình, không phải mất tiền thuê nhà.
Vì sao người khác có thể sống thoải mái với cùng con số thu nhập như tôi mà vẫn có tiền tiết kiệm? Ngay khi nảy ra suy nghĩ đó trong đầu, tôi đã cầm điện thoại của mình lên và quyết định đặt chế độ tự động trích 30% lương vào tài khoản tiết kiệm đúng ngày lấy lương. Đó là con số tôi nghĩ phù hợp với mình, không khiến cuộc sống của bản thân quá bị đảo lộn.
“Không quan trọng là bạn có bao nhiêu tiền trong túi mà điều quan trọng là bạn giữ lại được bao nhiêu tiền và làm cho số tiền đó sinh sôi nảy nở nhiều hơn”. Đó là câu nói tôi rất nhớ của Robert Kiyosaki – tác giả của bộ sách Dạy con làm giàu.
Tôi nhận ra việc mình cần làm ngay khi có thêm bất kỳ khoản thu nhập nào là phải quản lý nó ra sao thay vì phải tiêu nó thế nào. Để đảm bảo được kế hoạch tiết kiệm, tôi bắt đầu nghĩ đến việc tiết kiệm một cách thực tế hơn.
Thay vì lên kế hoạch một cách xa rời thực tế, tôi cắt giảm việc mua sắm những đồ vật không thực sự cần thiết. Thay vì mua một chiếc tủ mới, tôi mua giấy dán về và trang trí lại chiếc tủ cũ của mình. Thay vì sắm sửa những chiếc váy đang hot trên mạng, tôi học cách mua quần áo một cách thông minh hơn, luôn nghĩ rằng chiếc áo ấy có thể kết hợp với những chiếc quần hay váy nào để tạo ra nhiều trang phục.
Tôi vẫn giữ cho mình sở thích du lịch song giờ tôi đi một cách có kế hoạch hơn. Tôi canh vé giá rẻ, đặt phòng qua các ứng dụng hay mua voucher để có thể tiết kiệm được một khoản kha khá.
Có nhiều người bảo tôi rằng, con gái chưa có gia đình, lại ở cùng bố mẹ thì phải tiết kiệm được nhiều hơn chứ song với tôi, tiền bạc sẽ khiến cuộc sống của bản thân trở nên thoải mái hơn nhưng ở một mức độ nào đó. Với tôi giàu có không phải là đi mua sắm không cần nhìn giá mà là có thể mua những thứ khiến bản thân vui vẻ, có khoản dự phòng cho những tình huống ngoài ý muốn xảy ra, nhìn chung có thể khiến bản thân sống hạnh phúc.
Bằng cách tự động hóa tài chính, tự động chi trả các hóa đơn và gửi tiền tiết kiệm rồi sau đó chi tiêu khoản còn lại đã giúp tôi tăng gấp 3 số tiền tiết kiệm so với trước đây. Tôi vẫn có thể mua những món quà cho người thân trong gia đình, có thể chi tiền cho những trải nghiệm mà vẫn có khoản tiết kiệm, dự phòng. Tôi quan niệm, quan trọng là những đồng tiền mình chi ra đều phục vụ cho mục đích chính đáng và hữu ích. Chìa khoá của điều này chính là phân biệt mình thực sự cần sản phẩm đó hay chỉ là muốn, thích sở hữu nó mà thôi.
Sau này tìm hiểu nhiều hơn về quản lý tài chính, tôi biết rất nhiều triệu phú, chuyên gia cũng sử dụng phương pháp này làm chìa khóa cho chi tiêu thông minh. Chỉ một thao tác đơn giản, một quyết định đưa ra trong vài phút song nó đã giúp tôi có được một cam kết đầu tư tiền bạc, giúp bản thân duy trì lâu dài sự cam kết đó. Việc tự động chuyển tiền vào các tài khoản không chỉ giúp tôi giảm thiểu thời gian mà còn giúp tôi không phải suy nghĩ nhiều về việc tiết kiệm hay mình có bao nhiêu tiền để chi tiêu.
Và rồi, khi dịch COVID-19 đến, khi người người ở khắp nơi trên thế giới không khỏi ảnh hưởng, tôi càng thấy đúng đắn với quyết định khi xưa của mình. Khoản tiền tiết kiệm được khiến tôi thấy tự tin hơn và thoải mái sống trong mùa dịch mà không lo lắng ngày mai sẽ ra sao nếu mình không may nằm trong số lao động bị cắt giảm việc làm.
Cuộc sống này vốn khó khăn hơn chúng ta tưởng và không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Biết tính toán cho tương lai, có khoản dự phòng sẽ cho phép tôi và bạn kiểm soát được phần nào những những biến cố ấy.