Làm được 3 điều này, ai cũng sẽ tiến xa hơn trên con đường thịnh vượng của riêng mình.
Thời gian trôi qua trong nháy mắt, trước khi kịp nhận ra thì chúng ta đã bước sang tuổi trung niên.
Sau khi trải qua nhiều chuyện và gặp gỡ nhiều người, bạn sẽ dần phát hiện ra rằng cuộc sống này có rất nhiều khó khăn, bất lực, không phải ai cũng có thể chạm tới được phía bên kia ước mơ của mình và không phải ai cũng có thể sống cuộc sống này một cách ý nghĩa.
Đôi khi, số phận bất hạnh như lưỡi dao sắc bén, xuyên thấu trái tim cô đơn. Có khi, một mình bước đi trên con đường tối tăm, ta tự nhủ mình đừng dừng lại, cố lên rồi mới gặp được ánh sáng.
Cuộc đời nửa quá khứ nửa tương lai, nửa được, nửa mất, nửa tỉnh, nửa mê. Khi con người đến tuổi trung niên, chúng ta có thể sống quãng đời phía trước tốt đẹp hơn bằng cách không phàn nàn, không so sánh bản thân, không cố gắng ép buộc, giữ một tâm trí bình thản.
1. Đừng phàn nàn
Tâm trí của chúng ta giống như một nhà máy tư duy, hàng ngày sản sinh ra đủ loại cảm xúc trong đó có tiêu cực. Ở tuổi trung niên, nhà máy ấy càng dễ sản sinh ra những lời phàn nàn.
Khi một người đã quen với việc phàn nàn, nó giống như tấm màn che mặt, khiến người đó không thể nhìn rõ con đường phía trước, càng đừng nói đến những khuyết điểm của bản thân.
Sau tuổi 35, đừng cho phép những cảm xúc tiêu cực xâm chiếm mình như những năm trước đây. Điều bạn cần làm là sàng lọc những cảm xúc tiêu cực và học cách hòa nhập với thế giới phức tạp ngoài kia.
Thay vì phàn nàn, tốt hơn là thay đổi, thích ứng với sự phát triển của thời đại, dũng cảm chấp nhận những khuyết điểm của bản thân, âm thầm hoàn thiện chính mình. Là người trung niên, bạn phải gánh vác trách nhiệm cuộc sống và quản lý thật tốt cuộc sống của mình. Những người không phàn nàn chắc chắn sẽ có thể từ từ đến gần mùa xuân mà không lạc lối hay đắm mình trong mùa đông lạnh buốt.
2. Đừng so sánh
Khi đến tuổi trung niên, cách sống thoải mái nhất là sống cuộc sống của chính mình.
Như người ta vẫn nói, nếu bạn luôn so sánh mình với người khác, xem người khác có gì, rồi lại nhìn vào những gì mình không có, thì lòng bạn sẽ tràn ngập đủ loại phiền muộn và cuộc sống của bạn sẽ ngày càng bất hạnh hơn.
Có chuyện kể rằng, loài côn trùng một chân nói với côn trùng nhiều chân: "Tôi chỉ có một chân. Tôi thực sự ghen tị với bạn vì có nhiều chân như vậy."
Nhưng con côn trùng nhiều chân lại nói với con côn trùng một chân: "Có chuyện gì vậy? Hãy nhìn loài rắn, chúng có thể đi rất nhanh mà không cần chân. Thật đáng ghen tị!"
Con rắn nghe vậy liền nói: "Điều này có nghĩa là gì? Gió không có chân cũng không có thân, nhưng nó có thể tự do đến và đi. Nó có thể đi bất cứ đâu."
Gió nói: “Tôi tự do nhưng tôi không thể nhìn thấy gì cả, không giống như đôi mắt có thể nhìn thấy mọi thứ”.
Mắt nghe được lời của gió liền nói: "Mặc dù tôi có thể nhìn thấy, nhưng tôi không có bất kỳ sự riêng tư nào. Tôi ước được như trái tim, biết tất cả mọi thứ mà không cần nhìn."
Tưởng rằng trái tim sẽ nói điều gì đó, nhưng trái tim không nói gì.
Một nửa sự mệt mỏi của cuộc sống đến từ sự sinh tồn và một nửa đến từ sự so sánh.
Những người trung niên rất có thể cảm thấy ghen tị sâu sắc với những người xung quanh, khi ai đó đã có rất nhiều thứ còn mình lại chưa đạt được điều gì. Nhớ rằng, tâm trí phức tạp hay đơn giản tùy thuộc vào cách nhìn của bạn về thế giới này.
So sánh không kiểm soát sẽ chỉ khiến tâm lý bạn mất cân bằng mà thôi. Học cách hài lòng, ổn định tâm lý, sống một cuộc sống không tranh giành với thiên hạ mới là điều mang lại cho bạn sự nhàn nhã, thoải mái. Vì đó là khi bạn biết ơn nên bạn hài lòng, vì bạn hài lòng nên bạn hạnh phúc.
Dù cuộc sống hiện tại của bạn có thế nào đi chăng nữa, bạn cũng phải trân trọng những gì mình đang có hơn những gì mình còn thiếu và biết ơn hiện tại.
3. Đừng ép buộc cơ thể
Nếu hỏi rằng lứa tuổi nào bị căng thẳng nhất thì đó có lẽ chính là độ tuổi trung niên. Trên có người già, dưới có trẻ nhỏ, bên cạnh có bạn đời, cuộc sống thực sự rất khó khăn với biết bao nỗi lo toan. Chi phí giáo dục cho con cái, chi phí y tế cho người già, chi phí sinh hoạt cho cả gia đình... Có thể nói, gánh nặng cuộc sống đã vô tình làm còng lưng của những người trung niên.
Người đàn ông nọ năm nay 45 tuổi, công việc mỗi ngày đều kéo dài từ sáng sớm đến tối muộn. May mắn là thu nhập cũng không tệ, cuộc sống gia đình anh có thể nói là tốt.
Thế nhưng, không ai biết rằng anh mang một nỗi sợ trong mình: không dám đi khám sức khỏe. Anh không có thời gian để đi khám sức khỏe và cũng thẳng thắn thừa nhận rằng bản thân sợ nếu bị chẩn đoán mắc bệnh gì đó, người trong vai trò trụ cột gia đình như anh không biết phải làm sao.
Trong cuộc sống, thực sự có rất nhiều người như vậy. Cái gọi là khủng hoảng tuổi trung niên không chỉ liên quan đến tài chính mà còn liên quan đến sức khỏe.
Càng bước vào tuổi trung niên, bạn càng nên chú ý đến sức khỏe của mình, không nên ép mình làm nhiều việc quá sức, tránh làm thêm giờ và thức khuya nếu có thể. Đồng thời, bạn nên đến ngay cơ sở y tế khi thấy có triệu chứng bất thường.
Cuộc sống là một cuộc chạy marathon và ai có thể hoàn thành nó thành công sẽ là người chiến thắng. Hãy tập cho mình thói quen ăn uống lành mạnh, kết hợp hợp lý các nhóm chất, đảm bảo giấc ngủ ngon, vận động vừa phải. Làm người, hãy mang những gì nên mang và bỏ bớt những gì không thực sự cần thiết. Không có gì quan trọng bằng một cơ thể khỏe mạnh.
Con người không dễ gì bước đến tuổi trung niên. Vì vậy, hãy sống một cuộc sống thoải mái hơn, không phàn nàn, so sánh hay ép buộc bản thân mình. Làm được 3 điều này, ai cũng sẽ tiến xa hơn trên con đường thịnh vượng của riêng mình.