Cụ Huệ là một trong những hoàng tộc cuối cùng chứng kiến sự sụp đổ của triều Nguyễn còn sống.
92 tuổi, cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn còn rất minh mẫn. Ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm, cụ ngồi xâu chỉ, luồn kim để may chiếc gối dựa (loại gối có nếp, có thể gấp vào, mở ra, dùng để gối đầu hoặc tựa lưng, tì cánh tay). Cụ cười: “Già rồi, giờ chỉ biết may gối để nhớ lại chuyện xưa thôi”.
Cụ Huệ là chắt nội của vua Minh Mạng. Trước đây, gia đình cụ sống ở trong cung. Do có biến, gia đình cụ bị đày ra làng Hương Cần (nay là xã Hương Toàn). Ngày ấy, Hương Cần là nơi đất cằn sỏi đá nhưng lại có món quýt tiến vua nổi tiếng đến bây giờ vẫn còn vang danh.
92 tuổi, cụ Huệ vẫn có thể tự xâu kim may gối dựa
Thân sinh cụ Huệ làm nghề bốc thuốc nam. Từ khi còn nhỏ, cụ đã phụ cha bốc thuốc và thuộc các đơn thuốc từ lúc nào không hay. Mỗi khi cha đi vắng, có khách đến, cụ có thể tự bốc thuốc đúng bệnh, không sai bao giờ. Cụ giỏi bốc thuốc chữa bệnh nhưng cố đô ngày đó không chấp nhận một người phụ nữ biết việc đàn ông.
Đến tuổi trăng tròn, cụ cũng như những cô gái xứ Huế khác tập may vá, thêu thùa. Cụ cần mẫn học hỏi, kiên trì khâu từng đường kim, mũi chỉ. Những chiếc khăn cụ thêu bao giờ cũng được xếp vào loại đẹp nhất. Danh tiếng Tôn nữ giỏi may vá nhanh chóng được truyền đi khắp kinh thành.
Vốn là người dòng dõi, lại có tài nên cụ nhanh chóng được vua gọi yết kiến. Cụ được nhờ may chiếc gối dựa để vua dùng. Gối may xong, vua dùng cứ tấm tắc khen vừa êm lại vừa đẹp. Từ đó, các ngài (thái hậu, hoàng hậu, công chúa…) cũng nhờ cụ làm. Chẳng mấy chốc, cụ trở thành một trong những người làm gối dựa có tiếng nhất kinh đô.
Cụ bảo, làm gối dựa nhìn qua thì cứ ngỡ là dễ nhưng thực ra rất khó và yêu cầu phải có kĩ thuật riêng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc. Gối của vua phải đủ năm lá gối. Gối của Hoàng Thái hậu và các quan phải đủ bốn lá. Gối làm xong phải vừa sang lại vừa mềm, dựa êm lưng, kê đầu phải vừa tầm…
Cụ Huệ là một trong những người hiếm hoi được ra vào cung một cách dễ dàng, thuận tiện. Cũng trong khoảng thời gian này, cụ biết được thói quen, tính xấu của các bậc vương tôn. Chúng tôi cố khơi chuyện để cụ tiết lộ một vài “điều không hay” của các ngài. Trước sau, cụ Huệ vẫn cười bảo: “Họ cũng là người mà, làm sao hoàn hảo được. Nhưng, họ là người tôn quý, mình phải giữ hình tượng cho họ. Thôi thì mình cứ nhìn mặt tốt của họ và bỏ qua những điều chưa tốt”.
Trong ký ức cụ Huệ, hoàng cung lúc nào cũng hào nhoáng, đẹp nhưng có không ít số phận buồn. Đó là những cung nữ, thái giám suốt đời phải cung phụng các ngài. Họ vẫn khao khát có một mái ấm riêng cho mình. Nhưng vì số phận, họ đành chôn chặt mong ước tưởng như đơn giản ấy.
Có lẽ, chỉ có dịp Tết, những số phận ấy mới quên đi sự buồn bã bởi những bữa yến tiệc tưởng chừng không bao giờ ngưng. Ngoài ra, họ cũng được hưởng ân huệ là mặc áo quần mới, trang điểm, ăn món ngon vật lạ, lỡ có chuyện gì sai đều được bỏ qua…
Tết trong hoàng cung bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng Chạp với lễ Ban sóc. Nhưng, Tết chỉ chính thức khi lễ Phất thức, tức lễ lau chùi ấn tỷ và kim sách được diễn ra. Lúc này, tất cả các công việc đại sự đều được dừng, nhường lại cho sự nghỉ ngơi, thư giãn.
Các ngài rất coi trong lễ nghi và chữ hiếu. Do đó, ngày 30 tết, Vua vị hành đến Thế Miếu hoặc Thái Miếu làm lễ mời chư vị về ăn Tết. Trưa cùng ngày, lễ dựng niêu sẽ được diễn ra. Tối đó, trước hoàng thành sẽ đốt pháo và tất cả người dân cũng hưởng ứng.
Rạng sáng mồng 1 Tết, sau ba hồi trống, cờ được kéo lên ở Kỳ Đài. Vua mặc long bào, đội mũ cửu long đến điện Cần Chánh rồi lên kiệu, qua Đại Cung Môn sang điện Thái Hòa. Chừng 8 giờ sáng, lễ Vạn Tuế, các quan chúc mừng vua sẽ được diễn ra trong khúc tấu Lý Bình. Vua ban thưởng bằng một bữa yến tiệc linh đình. Để thể hiện lòng hiếu thảo, vua đến cung Diên Thọ, mừng tuổi hoàng thái hậu.
Trong dịp Tết, vua sẽ đến các miếu thờ trong đại nội, lăng tẩm các bậc tiên hoàng để thắp hương. Vua du hành để nắm tình hình của người dân. Đến ngày mồng 7 Tết, lễ hạ cây nêu sẽ được diễn ra ngay sau đó là lễ khai ấn. Nhưng, đến rằm tháng giêng, sau khi ăn Tết nguyên tiêu xong, Tết trong hoàng cung mới chính thức chấm dứt.
Khi cụ Huệ còn nhỏ, Tết trong cung chủ yếu là nghi thức, người đến dự yến tiệc phải tuân thủ nghiêm ngặt. Càng về sau, văn hóa phương Tây du nhập, các ngài ảnh hưởng khá nhiều. Yến tiệc từ những buổi tiệc ngồi trở thành tiệc đứng, rượu gạo được thay bằng rượu Tây…
Nụ cười luôn nở trên môi cụ Huệ
Nhiều thứ thay đổi nhưng có một thói quen mà vua vẫn giữ là trong dịp Tết, ngài sẽ lì xì cho mọi người một tờ bạc ban. Đây là một tờ tiền xu, dù giá trị vật chất không nhiều, nhưng giá trị tinh thần thì vô cùng lớn. Trong đời, cụ đã nhận được rất nhiều bạc ban, nhưng tiếc thay, thời gian trôi, đến giờ, cụ đã làm thất lạc hết, không giữ được đồng nào.
Tết đầu tiên sau khi vua Bảo Đại thoái vị, cụ Huệ thất thần trong mấy ngày liền. Bởi thói quen năm nào cũng vào cung đón Tết phải thay đổi. Cụ nhớ những bộ sắc phục đầy màu sắc, những câu nói văn hoa của các ngài… Tuy nhiên, nỗi nhớ ấy cũng dần vơi.
Là dòng dõi hoàng tộc lại là người chứng kiến bao thay đổi của đất nước nên về sau, cụ được chính quyền cấp một quyền riêng là được ra vào hoàng cung, các thế miếu, lăng tẩm… bất cứ khi nào. Khi còn trẻ, sức khỏe dồi dào, mỗi khi rảnh, cụ lại vào hoàng cung thắp hương cho các bậc tiền nhân. Về sau, công việc này chỉ được diễn ra vào những ngày Tết. Hai năm trở lại đây, do sức khỏe không còn như cũ, con cháu sợ nên không cho cụ đi. Thay vào đó, con trai cụ là ông Bùi Quang Thiện làm thay nhiệm vụ của mẹ.