Thói quen chi tiêu xấu – đừng quá căng thẳng khi thấy chúng bởi thực tế hầu hết chúng ta đều có ít nhất một vài thói quen. Quan trọng là cách chúng ta sớm phát hiện ra nó và có những bước thay đổi dần để xây dựng thói quen chi tiêu tốt hơn, tạo dựng tương
Chi tiêu nhiều hơn để được giao hàng miễn phí
Một trong những hạn chế khi mua sắm trực tuyến có thể là phí vận chuyển. Việc bạn tìm cách để được hưởng mã miễn phí vận chuyển là điều rất dễ hiểu. Tuy nhiên, sẽ là lãng phí khi bạn chi tiêu nhiều hơn chỉ để đáp ứng số tiền mua hàng tối thiểu đủ điều kiện hưởng giao hàng miễn phí.
Chuyên gia tiết kiệm tiền Andrea Woroch nói: “Nếu số tiền sản phẩm bạn mua đã gần với số tiền được hưởng mã miễn phí vận chuyển thì việc chi thêm vài đô la đó không phải là vấn đề. Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình đang phải nhặt thêm nhiều đồ, xem thêm nhiều thứ để cố cho đạt mức tiền được hưởng ưu đãi, việc nâng cấp đơn đặt hàng của bạn có thể không đáng”.
Thay vào đó, bạn có thể chờ đến các ngày ưu đãi trong tháng khi mã miễn phí vận chuyển thường nhiều hơn hoặc rủ bạn bè cùng mua để được miễn phí vận chuyển.
Mua sắm hàng tạp hóa không có danh sách, lên kế hoạch trước
Bạn có thể quyết tâm tiết kiệm tiền trong năm nay bằng cách ăn ít hơn và tự nấu ăn nhiều hơn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể mắc phải sai lầm và chi tiêu nhiều hơn mức cần thiết nếu luôn đi mua sắm không có danh sách và lên trước kế hoạch cho bữa ăn.
Khi không lên kế hoạch trước, bạn có thể sẽ quên thứ này thứ kia dẫn đến việc phải đi lại nhiều lần, mất thời gian và công sức. Việc mua sắm nhiều lần cũng dễ khiến bạn bội chi hơn do bị cám dỗ bởi những thứ trông có vẻ hay ho dù không cần thiết. Bạn cũng có thể mua những nguyên liệu mình đã có và lãng phí tiền khi không thể sử dụng hết nguyên liệu.
“Tôi chạy vào cửa hàng tạp hóa sau khi tập thể dục để chọn một vài món đồ khi không hề có kế hoạch, sự chuẩn bị trước như xem tủ lạnh đang có gì hay bữa ăn tuần tới của mình ra sao. Tôi chỉ nghĩ mình mua trứng hay sữa thôi nhưng cuối cùng lại tay xách nách mang bước ra khỏi cửa hàng cùng một hóa đơn mua sắm không hề ngắn. Và rồi dù có rất nhiều loại rau và trái cây thì tôi lại không đủ đồ nấu cho bữa tối và phải đi mua sắm thêm lần nữa”, Woroch chia sẻ.
Trả nhiều tiền hơn cho sự thuận tiện
Thói quen chi tiêu luôn sẵn sàng trả tiền cho sự thuận tiện có thể làm con đường tiết kiệm của bạn bị chệch hướng. Bạn có thấy mình luôn chọn dừng mua ở cửa hàng gần nhất dù biết giá ở đó đắt hơn, mua đồ ăn chế biến sẵn vì tiện hay thậm chí uống nước đóng chai vì ngại đun?
Hãy ghi nhật ký chi tiêu để biết tần suất bạn mua những thứ đó và tìm hiểu xem mình có thể loại bỏ khoản mua nào trong số đó bằng cách lên kế hoạch cho các chuyến đi mua sắm một cách chiến lược hơn hoặc dành ra một ít thời gian để làm một vài món vào cuối tuần rồi cấp đông để ăn trong tuần sau đó.
Dự trữ trước đồ dùng trẻ em quá xa
Đây là thói quen của không ít các bà mẹ, đặc biệt những người mới làm mẹ lần đầu. Các ưu đãi về đồ dùng cần thiết cho trẻ sơ sinh như tã bỉm có vẻ quá hời khiến bạn không thể bỏ qua và bị cám dỗ để tích trữ. Nhưng chuyên gia tiết kiệm Regina Conway cảnh báo rằng điều này có thể phản tác dụng vì con bạn có thể lớn nhanh hơn, trước khi bạn có thể tận dụng việc mua số lượng lớn của mình.
“Nếu bạn đang tìm cách tích trữ trước, hãy tìm những sản phẩm con bạn cần sử dụng lâu dài, có thể bảo quản lâu và dễ sử dụng, không liên quan đến cỡ,” Conway nói.
Luôn nói “Có” với con bạn
Trẻ em có thể gặp khó khăn trong việc kiên định để chi tiêu ít hơn. Theo kết quả một cuộc khảo sát, hơn một nửa số trẻ em mong đợi cha mẹ mua cho chúng những thứ chúng muốn. Và nếu bạn luôn là vậy, luôn nói “có” với tất cả những gì con mình muốn, ngân sách của bạn có thể bị thổi bay.
Hãy tránh chi tiêu quá mức cho con bạn bằng cách nhận ra rằng việc nói “không” với chúng là hoàn toàn bình thường. Bạn có thể dạy chúng về cách chi tiêu, tiết kiệm; cho chúng cơ hội được chủ động thông qua một số tiền tiêu vặt nhỏ mỗi tháng hoặc làm việc nhà để đổi lấy thứ chúng muốn.
Người khác có, mình cũng phải có
Bạn có thể dễ dàng rơi vào bẫy chi tiêu nhiều hơn khi có tâm lý phải theo kịp những gì bạn bè hoặc đồng nghiệp của mình đang mua. "Điều này có thể áp dụng cho bất cứ thứ gì từ việc mua một chiếc áo len hàng hiệu hay chi tiền cho chuyến du lịch nhóm mà bạn không đủ khả năng chi trả hoặc mua một ngôi nhà lớn hơn những gì bạn có đủ khả năng", chuyên gia mua sắm Trae Bodge nói.
Đây sẽ là một thói quen độc hại nếu bạn đang chi tiêu nhiều hơn khả năng chi trả. Hãy tìm ra những gì bạn đánh giá cao nhất và đặt mục tiêu tài chính của riêng bạn để có cách chi tiêu phù hợp với bản thân, làm những việc có ích, giá trị nhất với mình thay vì chỉ để gây ấn tượng với người khác.
Dễ dàng nói “có” khi mua sắm cùng người khác
Nếu những chuyến đi chơi với bạn bè của bạn luôn có phần mua sắm, bạn có thể đang tự đặt mình vào nguy cơ bội chi. “Tương tự như chạy đua vật chất để theo kịp nhà người ta, chúng ta có thể bị cám dỗ để mua thứ gì đó mà mình không cần khi đi mua sắm với bạn bè,” Bodge nói.
Hoàn toàn ổn khi bạn đi mua sắm cùng bạn bè song nếu bạn không cần bất cứ thứ gì hoặc bạn của bạn đang mua sắm trong một cửa hàng vượt quá khả năng của mình, hãy đơn giản là nói "Không".
Không lên kế hoạch chi tiêu cùng với nửa kia
Dù bạn đã cố gắng hết sức để tiết kiệm tiền nhưng nỗ lực chi tiêu ít hơn của bạn có thể bị lệch hướng nếu bạn và nửa kia không cùng chung chí hướng. Conway khuyên các cặp vợ chồng nên tạo ngân sách cùng nhau để đặt giới hạn chi tiêu. Tất nhiên, mỗi người đều nên có một số tiền rieeg nhất định để chi tiêu theo ý muốn.
“Nếu một người muốn sử dụng số tiền đó để mua giày và người kia muốn chuyển nó vào tài khoản tiết kiệm, mâu thuẫn sẽ không xảy ra bởi mỗi người đều có quyền quyết định với khoản tiền đó của riêng mình”, Conway nói.