Ngày ấy, bố mẹ vợ mất không để lại di chúc, chỉ có lời nhắn nhủ cho các con rằng, ngôi nhà và đất ấy cho cô con út trông.
Sau này, nếu có ngày bố mẹ mất đi, có cúng bái gì thì con cái có trách nhiệm thờ phụng. Nhất là con gái út, khi đã ở nhà này thì nên chịu trách nhiệm đón tiếp, cỗ bàn với các anh chị em.
Bố mẹ vợ tôi lựa chọn như vậy vì họ nghĩ, con út là đứa ngoan và lúc đó, hoàn cảnh của vợ chồng tôi khó khăn nhất. Còn các anh chị đã có điều kiện, có nhà riêng cả rồi nên sẽ không động tới chuyện đất cát. Vả lại, ngày trước, anh chị em trong gia đình vợ tôi rất hòa thuận, tốt bụng, yêu thương nhau, không bao giờ bố mẹ nghĩ lại có ngày anh chị em đánh chửi nhau, tranh chấp nhau chỉ vì chút đất đai ở quê như thế. Nhưng ở đời có ai học được chữ ngờ. Khi khó khăn mới biết lòng nhau.
Tôi vốn là chồng của cô con gái út của bố mẹ. Gia đình tôi cũng không khá giả gì lại ở xa. Đi làm ở quê nhà em, gặp em và lấy em làm vợ. Bố mẹ vợ thì thương chúng tôi nên quyết định cho tôi ở rể nhà ấy. Ngày đầu, tôi cũng ngại lắm, vì nghĩ như thế không hợp lý. Dù sao thì mình ở rể cũng mang tiếng. Vậy nhưng, được sự động viên của bố mẹ, của người trong nhà, ngay cả anh chị của em, nên tôi cũng đồng ý. Cả nhà em đều thương em vì là thân con út lại khó khăn nhất nhà.
Tôi vốn là chồng của cô con gái út của bố mẹ. Gia đình tôi cũng không khá giả gì lại ở xa.
(ảnh minh họa)
Chúng tôi cứ sống như thế, đi làm và nuôi bố mẹ già. Ngày bố mẹ mất, chúng tôi cũng chu đáo đủ bề. Sau này, khi con cái cũng có cả, anh chị thường xuyên lui về nhà chúng tôi. Căn nhà ban đầu chẳng có gì nhưng nhớ tới lời bố mẹ dặn, ai sống ở đây phải có trách nhiệm với anh chị em và chăm sóc cái nhà này là nơi hương hỏa, nên tôi cố gắng tiết kiệm, xây thêm phòng để cho vợ chồng con cái anh chị về có chốn ngủ. Nhà cửa vợ chồng tôi tiết kiệm đi làm, xây to rộng hơn, cũng đầy đủ tiện nghi hơn. Bao năm làm ăn kinh tế gặp thời nên vợ chồng cũng được kha khá.
Anh chị cả có lần gặp khó khăn về kinh tế, đã ngỏ ý vay tiền chúng tôi. Ngày đó không có nhiều nhưng chẳng bao giờ anh chị hỏi nên chúng tôi cũng cố gắng. Rồi một thời gian, tới kì trả nợ không thấy anh chị nói gì. Vì có việc nên chúng tôi có ý hỏi thì chị bảo, ‘nhà này dì chú ở, coi như đó là khoản phải chia cho anh chị em. Chị còn chưa đòi vợ chồng chứ mấy chục triệu mỗi người thì chú cũng nên biết điều một tí”. Chị nói là nói tôi chứ không nói ai. Tôi thấy vô lý nên nói lại, vì trước khi mất, bố mẹ cũng dặn, nhà này là nhà của con gái út, tức vợ chồng tôi.
Nghe tôi nói như vậy, chỉ nổi đóa lên, gọi chị em tới họp gia đình. Chị ấy bảo, tôi chỉ là thằng rể, ở nhà này là ăn bám, có tư cách gì mà lớn tiếng. Chị bảo, bây giờ không tranh chấp nhưng nhà đất rộng, vợ chồng tôi phải bán một mảnh ra, chia cho mỗi người vài chục triệu, coi như là quà của người ở nhà này, như thế mới công bằng. Nhà vợ tôi cũng đông anh chị em. Không biết vì nguyên nhân gì mà cả mấy người đều hùa theo, đều nói như thế là hợp tình hợp lý.
Họ còn nói tôi sướng, chẳng mất gì, được ở không nhà này lại còn không biết điều. Chỉ biết ăn rồi tích trữ, chắc tiền của đầy ra nhưng giấu giếm. Tôi nghĩ ái ngại quá. Họ bảo, tôi có giỏi thì mua nhà cho vợ ở, sao lại ở nhà vợ, ở rể thật mất mặt. Nghĩ lại tôi đúng là ở rể nhưng ngày đó, nhờ anh chị chỉ bảo, nhờ gia đình bố mẹ đồng ý, tôi mới dám ở. Sự hân hoan của cái nhà này làm tôi vui vẻ, hài lòng nhận lời, chứ tôi đâu có tham lam gì. Vợ chồng tôi lương cũng thấp, giờ bảo tôi đi mua một căn nhà mới thì làm gì có. Chúng tôi cố gắng tiết kiệm, vay mượn thêm đổ hết vào tu sửa cái nhà này, anh chị lại trở mặt. Nếu họ muốn giữ em gái họ lại thì chỉ ở nhà này, còn ra đi thì tôi chỉ còn cách về quê.
Giờ cả nhà đua nhau đòi tiền tôi, bảo phải bán ít đất đi để đưa cho họ. Tôi không làm thì họ chửi bới, thực sự tôi hết chịu nổi rồi. Giờ tôi mới thấm thía nỗi nhục khi sống trên mảnh đất nhà vợ, thật sự là quá buồn, quá mệt và tủi hổ. Tôi phải làm sao trong trường hợp này bây giờ?