Giá trị của một người không nằm ở bộ đồ mà chúng ta mặc, chiếc túi mà chúng ta sở hữu. Hãy nhớ rằng, vật chất sẽ không mang lại cho chúng ta niềm vui lâu dài.
Lương vừa lấy đã không thấy đâu, cuối tháng chưa đến mà ví đã xẹp lép trong khi nhìn thứ gì cũng muốn mua... Nếu bạn đang rơi vào tình trạng đó, đừng quá lo lắng vì không chỉ bạn, tôi mà rất nhiều người trong số chúng ta gặp phải khó khăn với bài toán này.
Chúng ta sa đà vào mua sắm, cảm giác chỉ muốn mất hết lý trí để mua về những bộ cánh khiến bạn mê mẩn khi đi trên phố, thậm chí mua chỉ để giải toả cảm xúc để rồi đến lúc hối hận đã không kịp. Hãy nhớ rằng, vật chất sẽ không mang lại cho chúng ta niềm vui lâu dài. Giá trị của một người không nằm ở bộ đồ mà chúng ta mặc, chiếc túi mà chúng ta sở hữu. Dưới đây là 5 điều tôi muốn chia sẻ với các bạn để mua sắm một cách hợp lý hơn, không phải hối hận khi nhìn những món đồ ngốn cả đống tiền mà không biết bao giờ mới dùng đến.
Bạn có đủ khả năng để chi trả cho món đồ đó?
Đây chính là câu hỏi đầu tiên mà bạn nên tự hỏi chính mình. Nghe thì có vẻ khá dĩ nhiên song sự thật là đôi khi chúng ta chỉ còn 1 triệu đồng trong ví nhưng vẫn vấn vương và dặn lòng sẽ phải mua bằng được chiếc váy có giá 900.000 đồng. Bạn tự nhủ với mình rằng quãng thời gian còn lại sẽ kết thân với mì tôm hay mượn tạm ai đó tới ngày lấy lương.
Dù thích đến mấy cũng hãy tự hỏi liệu bản thân mình có đủ khả năng chi trả cho món đồ đó không. Nhớ rằng, giá trị của bản thân không phụ thuộc vào món đồ chúng ta sở hữu.
Chìa khoá để bạn có thể tăng ngân sách cho mình chính là sống dưới mức điều kiện thực tế, chi tiêu ít hơn những gì mình kiếm được. Đừng cố xây một ngôi nhà thật to, mua những bộ cánh thật đắt tiền dù không đủ khả năng chỉ vì để "làm màu", gây ấn tượng với người khác.
Bạn mất bao lâu để kiếm được số tiền đó?
Sau khi xác nhận mình có khả năng chi trả cho món đồ đó, hãy tính xem món đồ đó có thực sự xứng đáng hay không bằng cách quy đổi xem bạn mất bao lâu để kiếm được số tiền đó.
Bạn mê mệt vì một đôi giày mới ra mắt có giá 1 triệu đồng. Đôi giày quá đẹp khiến bạn chỉ suy nghĩ rằng làm sao để sở hữu được chúng ngay lập tức. Hãy khoan vội vàng và làm một vài sự so sánh.
Một ngày công trung bình của bạn là bao nhiêu? Nếu là 200.000 đồng thì đôi giày đó tương đương với 5 ngày làm việc của bạn. Bạn còn thấy đôi giày đó xứng đáng không? Bạn còn mua nó như trước không?
Nếu câu trả lời vẫn là có, bạn thấy đôi giày xứng đáng thì bạn có thể chi tiền cho nó. Ngược lại, bạn thấy khoảng thời gian làm việc kia quý giá hơn, bạn có thể làm nhiều việc ý nghĩa hơn với 1 triệu đồng thì đó là lúc bạn nên để đôi giày lên kệ và từ bỏ những thứ không thực sự cần thiết.
Món đồ đó có tăng thêm giá trị cho cuộc sống của bạn?
Với mỗi đồng tiền bỏ ra, hãy xem liệu bản thân mình thu lại được những gì. Tiết kiệm không có nghĩa là bạn phải sống một cách tằn tiện khổ sở mà là chi tiêu một cách hợp lý.
Những người giàu có, thành công luôn chi tiền vào những thứ hữu ích, có thể phục vụ tốt cho cuộc sống, giúp họ tăng giá trị. Đó có thể là chiếc laptop đắt tiền nhưng đảm bảo tốc độ nhanh, pin "trâu", phù hợp với công việc của bạn. Đó có thể là robot vệ sinh nhà cửa có giá bằng cả tháng lương nhưng sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian dọn dẹp mỗi ngày và giúp cải thiện môi trường sống.
Đừng ngại chi tiền cho những thứ giúp bạn tiết kiệm thời gian, gia tăng giá trị cuộc sống và có ích cho đời sống tinh thần. Quan trọng cần phải hiểu bạn sẽ mua món đồ đó về làm gì, liệu nó có giúp bạn thấy vui hơn, khoẻ hơn hay tăng giá trị gì cho cuộc sống. Nếu câu trả lời là có, hãy mua nó còn nếu câu trả lời là không thì bạn đã biết mình cần làm gì rồi đó!
Bạn sẽ dùng món đồ đó trong những dịp nào?
Câu hỏi này rất thiết thực, đặc biệt là với sản phẩm thời trang hay đồ sử dụng mang tính mùa vụ. Thực tế là giá trị của một món đồ nằm ở số lần bạn sử dụng nó, tính hữu dụng chứ không phải số tiền bạn bỏ ra để mua nó.
Một chiếc quần âu chất lượng tốt có giá 1 triệu đồng sẽ không phải là đắt khi bạn có thể sử dụng hàng ngày khi đi làm. Thế nhưng một chiếc váy có giá 500.000 đồng sẽ là đắt khi bạn chỉ định dùng nó vào một dịp đi tiệc.
Mỗi khi cần mua một món đồ mới, hãy nghĩ xem mình có thể dùng nó vào những dịp nào. Nếu có quá ít dịp có thể sử dụng, bạn có thể xem xét đến việc liệu mình có thể mượn của bạn bè hay đi thuê với chi phí hợp lý hơn không.
Nếu là món đồ thời trang, hãy xem liệu tủ quần áo của mình ở nhà có phù hợp với món đồ đó. Trước khi chi tiền mua một chiếc áo, hãy nghĩ xem liệu mình có thể kết hợp với những món đồ nào đã có.
Câu hỏi này sẽ giúp bạn đưa ra được quyết định hợp lý, tránh trường hợp bỏ ra kha khá tiền để mua một cái áo hay đôi giày hoàn toàn không phù hợp với tủ đồ. Những món đồ cơ bản, dễ phối đồ và có tính ứng dụng cao sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản lớn.
Bạn có thực sự cần món đồ này hay chỉ là muốn?
Phân biệt được liệu mình thực sự cần món đồ đó hay chỉ là muốn sở hữu thôi sẽ giúp ích bạn rất nhiều để tiết kiệm và tập trung hơn vào những điều cần thiết. Cuộc sống với các chi phí ngày càng đắt đỏ, lương tăng có khi không lại với mức tăng của chi phí, bạn cần biết phân biệt rõ đâu là cần và đâu là muốn.
Một đôi giày thể thao để bạn phục vụ cho 30 phút chạy bộ buổi sáng chính là nhu cầu khi bạn cần sử dụng hàng ngày. Trong khi đó, một đôi giày với gót cao 10cm đẹp lung linh mà bạn rất thích khi nhìn thấy trên phố chỉ là mong muốn và có thể chỉ vài tháng nữa thôi, nó sẽ nằm im trong tủ giày của bạn mà không được sử dụng đến.
Cần và muốn, để phân biệt rõ được 2 phạm trù này sẽ không có trường lớp nào dạy bạn. Để trở thành người chi tiêu thông minh, hãy học hỏi dần dần và thói quen phân biệt cần hay muốn sẽ được hình thành theo thời gian.