Vợ chồng xung khắc vẫn ở đến cuối đời

Ngày 01/09/2015 00:09 AM (GMT+7)

Ông ra bàn thờ, lặng lẽ đứng nhìn ảnh bà rồi thầm nói: "Hình như tôi thấy nhớ bà. Bà vợ xung khắc của tôi ạ". Cả đời ông, ngay cả khi bà mất, ông cũng chỉ lặng im. Nhưng lúc này, nước mắt bỗng khiến cho bức hình của bà cứ nhòa đi, nhòa đi…

Nhiều khi cô con gái út lại thủng thẳng hỏi mẹ: "U, sao thầy với U cứ ông chẳng bà chuộc thế mẹ? Già rồi, có hai người ở với nhau mà chả thèm câu chuyện câu trò với nhau bao giờ?

Bà tay vừa nhặt rau, vừa khe khẽ thở dài: "Ừ, thì ông ấy với U xung khắc nhau mà! Có ai nói với ai được câu nào lọt tai đâu.

- Xung khắc sao U còn lấy Thầy?

Bà nhìn con gái cười:

- Không lấy sao có được cô?

Bà nghĩ lại, cái thời của ông bà có ai tính tới chuyện dựng vợ gả chồng cho con mà còn xem tuổi, xem cung, xem mệnh như bây giờ? Các cụ có khi đẻ con ra, tên thì quên chỉ đếm số cho nhớ ấy chứ. Trẻ con cứ như sung, lớn lên cũng tự nhiên như cây cỏ trong vườn. Rồi thì cái chuyện chúng bay lớn lên thương ai thì lấy người đó. Còn nếu chưa thương ai thì kiếm người nào cũng tới tuổi dựng vợ gả chồng để lấy chứ hơi đâu cha mẹ còn đi kiếm cho như cái thời này.

Nhất là ở cái vùng đồng bằng chiêm trũng ấy, con người khi nào cũng mệt lả vì cái ăn và những lo toan bộn bề của cuộc sống. Thì cái chuyện lấy nhau cũng là chuyện tự nhiên hết sức bình thường. Chứ không phải là chuyện đại sự cả đời người như ngày nay đâu. Thậm chí nhà nghèo còn chả thèm làm đám cưới đám xin gì mà cứ thế thắp nén nhang lên bàn thở ông bà tổ tiên, rồi đưa nhau về làm vợ làm chồng.

Vợ chồng xung khắc vẫn ở đến cuối đời - 1

Hình minh họa

Nhưng nói thế không có nghĩa là cuộc sống cứ thế mà bình yên, hạnh phúc trôi qua. Ông bà năm nay cũng thấp thập cổ lại hy rồi, cũng đủ để làm đám cưới vàng, đám cưới bạc cả rồi đấy. Nghĩa là cũng đã ở cùng nhau tới đoạn cuối của đời người rồi. Thế nhưng thời gian nhìn mặt nhau ít lắm.

Cũng chả phải ông đi làm xa biền biệt gì, cũng chẳng phải bà công tác nới nào xa lắc xa lơ, cũng không phải vì gét cay gét đắng nhau mà sinh ra lạnh nhạt với nhau đâu. Các cụ chả nói: Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi là gì? Chả quen hơi mà cứ lần lượt bảy đứa con cả trai lẫn gái cứ lần lượt chui ra đấy thôi. Thế mà ít nhìn mặt nhau là sao?

 Ừ, thì có yêu nhau đâu. Cứ thế là ở với nhau vì cùng tới tuổi dựng vợ gả chồng thôi. Hai người dưng bỗng chốc về ở một nhà. Lúc đầu, ra vào tránh mặt nhau, nhìn cũng liếc trộm, có khi thấy người kia sắp đi vào nhà thì người này lại ngồi lại đợi người kia vào xong rồi mới đi ra. Tránh nhau như tránh tà. Nhưng khổ nỗi cũng chỉ là vì một chữ “thẹn”. Ban ngày gặp nhau thẹn, ăn cơm thẹn, ngủ càng thẹn, gọi nhau trống không…

Bà nhớ, mỗi khi ăn cơm mà không thấy ông đâu. Thầy u chồng kêu đi gọi, biết ông ở bên hàng xóm, bà đứng cạnh bờ rào mà đằng hắng: Ăn cơm rồi… Mấy lần cũng chả thấy ai về. Thì lại to giọng hơn: Về ăn cơm… Gọi chả có chủ ngữ gì cả, thế nhưng cũng có người biết đường mà về nhà đấy. Nhìn thấy nhau mà cũng thẹn thùng đỏ mặt tía tai.

Rồi sau này có con thì gọi nhau bằng bố thằng cả, bố thằng hai, bố mày… Kể ra có con cũng giải quyết được ối vấn đề chủ ngữ trong câu của ông bà.

Thế rồi cái guồng quay cơm áo, gạo tiền cho cả một lũ tàu há mồm ấy khiến ông bà cũng cuồng quay theo. Tới khi chúng biết ăn, biết làm cả thì soi gương thấy tóc mình đã bạc, chân đã mỏi, gối đã chùng... Hóa ra cũng đã ở được cùng nhau cho tới gần hết đời người.

Nhưng hết một đời ở cùng nhau mà không nhìn nhau lắm, cũng không nói với nhau nhiều. Lúc mới thì thẹn nên chả nhìn, sau có con thì cắm mặt ngoài đồng từ sáng tới tối, về mệt, hai bàn chân vỗ vỗ vào nhau rồi lên giường đặt mình là ngủ như chết. Còn nhìn nhau cái nỗi gì?

***

Đấy, cái nhìn thôi đã khó, nói hẳn khó hơn nhiều. Thỉnh thoảng mới nói được với nhau vài câu thì lại: ông nói gà bà nói vịt. Rồi thở dài: Mặc kệ ông. Thích làm gì thì làm. Mặc kệ bà. Thích nói gì thì nói. Im lặng đi cho yên cửa yên nhà. Cho đỡ mệt người. Rồi thì, con cái nó nhìn vào. Thời gian cãi nhau thà đi kiếm cái gì cho con bỏ vào mồm chúng nó cho ấm bụng còn hơn.

Cứ thế, ông bà nhịn nhau. Nhịn nhau cũng chẳng phải vì yêu nhau, nhịn nhau vì con cái, vì không muốn tốn công sức vào mấy chuyện không đâu, vì cái nghĩa ở cùng nhau... Lấy thì cũng đã lấy rồi. Là chồng, là vợ, có gần ấy mặt con rồi. Như ván đóng thuyền, như đinh ngăm vào cột… Có ai muốn gỡ, muốn nhổ ra nữa đâu. Cho nên không hợp nhau thì cũng gắng mà chịu. Chứ hợp nhau mà ra tiền ra gạo mà chả phải lao động cũng giàu thì mới hay. Mới cần nghĩ lại. Chứ đằng này… Mà các cụ chả nói: cơm sôi thì nhở lửa… Biết thế mà liệu, mà nhìn trước nhìn sau…

***

Chuyện nhìn chuyện nói, giờ lại tới chuyện ăn. Ông bà ở với nhau gần ấy năm nhưng mỗi người ăn một kiểu, mỗi người một khẩu vị, trái ngược nhau. Ngày xưa đông con thì nhường chúng nó ăn. Mình qua quýt sao cũng được. Nhưng đến khi già, chỉ còn lại hai ông bà ở với nhau thì mới biết: Ông chẳng bà chuộc, mỗi người một ý… tới mức: mỗi bữa phải nấu hai nồi cơm,  nấu hai bát canh, và phải làm hai bát thức ăn mới được. Bà thích ăn cơm dẻo, ông chỉ ăn cơm khô. Bà thích canh hoa thiên lí nấu tôm, ông chỉ thích canh cua rau đay. Bà thích rau luộc, ông chỉ thích xào. Bà ăn nhạt, ông thì ăn đằm. Bà thích ăn xôi, ông lại bảo ăn xôi nóng ruột không chịu được…. Nhiều khi bà cáu: Ông thích ăn cái gì thì đi mà nấu. Chiều ông rõ mệt. Thế là mỗi người nấu một nồi cơm. Mỗi người một nồi canh. Nhưng vẫn là một tay bà nấu…

Con cháu bảo: Các cụ già rồi giờ lại trái tính trái nết thế? Bao nhiêu năm ở cùng với con cái thì chả sao? Giờ đây con cái trưởng thành cả rồi, còn có hai ông bà thì thương yêu chăm sóc lấy nhau, chứ lại còn bày đặt ăn chung ăn riêng làm  gì? Nhưng bà không nghe, ông bỏ ngoài tai. Thế là giường mỗi người ngủ một cái, cơm mỗi người ăn một nồi. Chỉ là cái mâm thì vẫn chung thôi…

***

Có chăng là cứ ăn xong bà vẫn lặng lẽ bê bát đi rửa cho cả ông nữa. Vẫn đun nước chè tươi vào mỗi sáng, (sáng nào bà cũng dậy sớm ra vườn hái lá chè tươi rồi vào hãm để ăn sáng xong ông uống). Nhưng bà lại không thích chè, bất cứ thứ chè gì uống vào cũng khiến bà mất ngủ. Già rồi, ngủ được là bao mà còn thao thức thì có mà tới sáng.

Còn ông, có một thứ là ông không khi nào làm phật ý bà là cái ti vi. Tới già rồi mới được xem ti vi. Nên ông cứ để mặc bà thích xem cái gì thì xem, chèo, tuồng, cải lương… Bà nghe suốt ngày. Nhiều khi ông kêu não cả ruột. Ấy nhưng kêu thì cứ kêu rồi để đó thôi, chứ ông vẫn để bà xem thoải mái. Còn ông sẽ loanh quanh sang hàng xóm hoặc ra vườn cắt cành tỉa cây… Nếu buổi tối thì lại hì hùi ngồi đan mấy cái rá, cái rổ hoặc ngồi vót ít tăm, ít đóm hút thuốc, đẽo gọt ít đũa bằng tre cho đám trẻ đứa nào về lấy thì lấy…

Cứ quanh quẩn bên nhau suốt ngày như thế nhưng chả mấy khi ông bà tâm sự chuyện gì cũng nhau. Cứ việc ông ông làm, việc tôi tôi làm thôi. Có chăng chỉ là vài câu ngắn ngủi như: Tôi cắm cơm cho ông rồi. Ừ. Canh nấu rồi. Ừ. Tôi đi chợ. Hôm nay con út nó về… Ông sẽ lặng đi bắt gà hay mang chài ra quăng cá ở ao… Ông vốn ít nói, nói với bà không hợp nên lại càng yên lặng hơn. Nhưng bao nhiêu năm sống như thế quen rồi. Nếu có hôm nào ông hoặc bà mà nói nhiều hơn thường ngày, hoặc nói dễ nghe hơn là y như rằng cả ông lẫn bà lại hỏi lại nhau: Hôm nay ông (bà) bị làm sao ấy? Cho nên ông quen nói cụt lủn với bà, bà quen nói ngắn gọn với ông.

Thế nhưng chả đứa con nào đón được bà đi chơi dăm bữa nửa tháng bao giờ. Chỉ giỏi lắm được một hai hôm là bà lại khăn gói về nhà. Ông thì bảo: Sao bà không ở luôn với chúng nó đi? Nhưng cũng chỉ ông mới biết, ngày nào ông cũng ngóng xem cái bà này đã về chưa? Mai mà không về thì đi luôn đi… Mà cứ đứa nào nhăm nhăm về đón bà đi là ông ghét. Ông không thèm nói chuyện luôn. Bà không nói nhưng cũng biết thừa bụng ông.

Mỗi khi trời chuyển sang mùa đông lạnh, cái lạnh luôn khiến cho người già sợ. Nó giống như cái nỗi sợ “già” của người “trẻ” vậy. Bà khi nào cũng chuẩn bị chăn màn cẩn thận lắm. Cả cho ông nữa. Căn nhà nhỏ vì thế mà cũng ấm áp mùi nắng của đám chăn màn bùng nhùng trên giường. Ông lại lẩm nhẩm:

Cứ làm như rét chết ngay không bằng.

Ấy thế nhưng đêm đêm ông vẫn chui vào đống chăn màn ấy ngủ ngon lành. Bà lại cười thầm:

Chỉ được cái ác mồm ác miệng là nhanh!

***

Nhưng rồi, thời gian mà, cái quy luật của đời người không ai tránh được cái chuyện sinh, lão, bệnh, tử. Và thời gian đã lấy đi cái dấu cộng trong cuộc đời ông, chỉ còn lại một dấu cộng cô đơn ở lại. Chỉ vì là hai cực cùng dương nên ông bà mãi mãi không thể nào gần nhau được. Nhưng nếu không gần nhau ở những thứ giống nhau thì hẳn phải gần nhau ở chính những điều trái ngược và con người, đôi khi lại thường nhớ tới những điều trái ngược trong cuộc đời mình khi mọi thứ đã đi qua. Nhớ quay quắt mới lạ lùng.

Dạo này ông già hơn. Mắt cũng mờ đi. Mỗi tối ông lại ngồi trước ti vi nghe hết chương trình nọ tới trương trình kia… Cứ mở thế cho có tiếng người, chứ cũng chả biết có chữ nào vào đầu không nữa. Tăm, đũa, rổ, rá… một mình ông dùng đáng bao nhiêu? Ngồi làm một hôm là có dùng tới chết. Con cái thì kệ chúng nó. Ông cũng chẳng còn cặm cụi ngồi ngoài hiên mà đẽo đẽo, gọt gọt,vót vót như khi xưa nữa… Hơn nữa, cái cảm giác ngồi làm một mình khiến ông không chịu được. Người xưa chả nói: ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân là gì? Nên những ống tre ông cũng bỏ đó chỏng trơ tự khi nào…

Và mỗi buổi sáng thức giấc, không có ai đặt trên bàn chuyên trà xanh nóng. Trên bà chuyên chén chỏng trơ lạnh lẽo. Cây trà xanh ngoài vườn rậm um lá, ông muốn uống mà cũng chả thèm động tay vào…

Hai nồi cơm điện bây giờ một cái vứt xó không ai dùng. Giàn hoa thiên lí nở đầy ngoài ngõ, thứ mùi hương thanh thanh dịu dịu ấy bỗng khiến ông cứ cồn cào ruột gan. Ông vác dao ra định chặt đi, vì có ai ăn nữa đâu mà để đấy? Để chỉ khiến ông thêm buồn… Nhưng nghĩ một lúc rồi ông lại đứng lên. Tay vỗ vỗ vào gốc cây như đã hiểu gì đó, như thể ông và cái cây ấy cả hai vừa thầm nói với nhau và thầm thấu hiểu một điều thật sâu xa tâm đắc lắm…

Nhiều khi đang thơ thẩn ngoài vườn ông lại vội vào nhà vì cứ nghĩ có ai vừa mới nhắc mình vào ăn cơm… Ông đứng tần ngần ở đó, khẽ rũ đôi vai, cái đầu hơi cúi xuống buông một tiếng thở dài… Làm gì còn ai nữa đâu? Cái tuổi già yếu ớt thật kỳ lạ. Nhưng sao khi con người ta trở nên yếu ớt và dễ mềm lòng thì cuộc đời lại bắt chúng ta phải đối diện với những nỗi cô đơn, những cuộc chia ly đau đớn đến vậy? Hóa ra, sống cả một đời, chắc gì đã chắt chiu đủ cái bản lĩnh và sự vững vàng để có thể bước đi một mình khi tóc đã bạc, chân đã run… Và khi ấy, ngay cả cái sự xung khắc cả một đời kia bỗng dưng cũng trở thành niềm nuối tiếc xót lòng.

Ông ra bàn thờ, lặng lẽ đứng nhìn ảnh bà rồi thầm nói: "Hình như tôi thấy nhớ bà. Bà vợ xung khắc của tôi ạ". Cả đời ông, ngay cả khi bà mất, ông cũng chỉ lặng im. Nhưng lúc này, nước mắt bỗng khiến cho bức hình của bà cứ nhòa đi, nhòa đi…

Đào Thy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện vợ chồng