Có một điểm bạn dễ dàng phân biệt sự khác nhau giữa bệnh cúm thông thường và bệnh COVID-19 đó là người mắc bệnh cúm thông thường hay có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi. Nhưng với COVID-19, thông thường người bệnh chỉ có ho, ho khan, ho dai
Ths.BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết cúm là bệnh cảnh thông thường, nhiều người mắc hàng năm là do các loại virus cúm gây ra. Bệnh có văcxin phòng, cũng như thuốc đặc trị. Để phòng bệnh, người già và trẻ em nên tiêm phòng cúm mỗi năm một lần.
Triệu chứng cảm cúm bao gồm: Sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi. Có thể có các biểu hiện của viêm đường hô hấp trên như đau ngực, khó thở, có thể dẫn đến viêm phổi.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, COVID-19 là bệnh do chủng mới của virus corona gây ra. Theo bác sĩ Huyền, trước đây người ta hay nhầm virus này với virus cúm, tuy nhiên hai virus này hoàn toàn khác nhau. Một người mắc COVID-19 cũng sẽ có những triệu chứng tương tự gần giống như bệnh cúm thông thường.
Triệu chứng của bệnh COVID-19 bao gồm: Sốt, ho, đau mỏi người; Có các tổn thương viêm long đường hô hấp; Cũng có thể có các tổn thương của viêm phổi…Các triệu chứng cảnh báo bệnh nặng lên gồm ho nhiều, tức ngực, khó thở, sốt cao.
“Tuy nhiên có một điểm bạn dễ dàng phân biệt sự khác nhau giữa bệnh cúm thông thường và bệnh COVID-19 đó là người mắc bệnh cúm thông thường hay có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi. Nhưng với COVID-19, thông thường người bệnh chỉ có ho, ho khan, ho dai dẳng và sốt”, BS Huyền nói.
Ngoài ra, một điều khác biệt nữa là bệnh nhân COVID-19 phải có yếu tố dịch tễ, thông thường là phải tiếp xúc với người bị nhiễm, nghi nhiễm và về từ vùng dịch. Hiện tại bệnh COVID-19 lan ra hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì thế, tất cả những người đi từ nước ngoài về, đi qua các vùng sân bay đều là những người có nguy cơ bị mắc COVID-19
Số ca mắc ở Hà Nội cũng bắt đầu có dấu hiệu bệnh tăng dần. Vì thế, Hà Nội hay những nơi tụ tập đông người thì cũng là nơi mà bạn có nguy cơ mắc COVID-19.
Để phân biệt giữa 2 bệnh này thực sự rất khó nếu không phải bác sĩ. Vì thế, nếu bạn có những triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, các chuyên gia khuyến cáo hãy đeo khẩu trang y tế, tự cách ly tại nhà, dùng vật dụng cá nhân riêng, gọi điện đến cơ sở y tế được tư vấn.
Bộ Y tế nhận định diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu. Đáng lưu ý, hiện dịch COVID-19 tại nước ta đã bước sang giai đoạn mới, giai đoạn 3 - dịch lây lan trong cộng đồng. Có thể lúc này chưa thấy nhiều ca lây trong cộng đồng nhưng có thể có ca mắc mà không biết.
Tuy nhiên điều đáng lo ngại là hai ngày gần đây, người dân Thủ đô lại đổ ra đường mà nguyên nhân do tâm lý chủ quan trước ca mắc mới giảm, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, “ít ca mắc mới không có nghĩa là đã an toàn”.
“Vì có thể những người mang mầm bệnh đang di chuyển đâu đó và chưa được phát hiện. Nếu chúng ta không nghiêm túc thực hiện việc giãn cách xã hội thì nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào và có thể là nguồn lây cho người cao tuổi, người có bênh lý nền”, ông Nga phân tích.
Theo đó, nếu người dân không tuân thủ việc cách ly xã hội thì nguy cơ bùng phát dịch rất lớn, công sức tuần đầu tiên cả nước thực hiện giãn cách xã hội mà ở đó là rất nhiều công sức của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đổ xuống sông xuống biển.
Lấy ví dụ Singapore vì không kiên quyết thực hiện nên số ca nhiễm đang tăng vọt, mỗi ngày hàng trăm ca nhiễm. Do đó, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, người dân vẫn cần hạn chế tối đa ra đường, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng về giãn cách xã hội, những khuyến cáo phòng dịch của Bộ Y tế và của các địa phương.