Những thực phẩm, đồ dùng bạn sử dụng mỗi ngày có thể tiềm ẩn độc tố gây ung thư mà bạn ít ngờ tới.
Aflatoxin là độc tố vi nấm cực kỳ độc, gấp 68 lần asen (thạch tín) và 10 lần so với kali xyanua. Nó có khả năng phá hủy mô gan cực kỳ lớn và có mối liên hệ rõ ràng với sự xuất hiện của bệnh ung thư gan. Tiếp xúc lâu dài với nồng độ cao của aflatoxin là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư gan. Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liệt aflatoxin vào chất gây ung thư loại 1.
Mặc dù nhiệt độ cao có thể giết chết aflatoxin, nhưng phải ở mức từ 280℃ trở lên mới có thể giết chết nó. Trong khi đó, nhiệt độ sôi của nước là 100°C, do đó rất khó để tiêu diệt aflatoxin chỉ bằng cách nấu nướng thông thường. Thậm chí, aflatoxin còn có khả năng chống lại tia cực tím.
Loại chất gây ung thư cực độc này nguy hiểm như vậy nhưng lại rất dễ tồn tại trong cuộc sống hàng ngày, ở chính những thức ăn, đồ dùng mà chúng ta vẫn hay sử dụng. Bác sĩ Huang Lei - chuyên gia nổi tiếng về ghép gan, phẫu thuật ung thư gan ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã liệt kê những thứ có thể ẩn chứa độc tố aflatoxin, mọi người cần cảnh giác.
1. Mộc nhĩ ngâm quá lâu
Bản thân mộc nhĩ khô không độc, hiện tượng ngộ độc xảy ra do thời gian ngâm mộc nhĩ quá lâu khiến nó bị nhiễm vi sinh vật.
Trong trường hợp nhiệt độ môi trường cao, các loại nấm hay mộc nhĩ ngâm lâu có khả năng bị nhiễm một loại vi khuẩn có tên là Pseudomonas cocos. Loại vi khuẩn này có thể tạo ra aflatoxin và axit trong men gạo. Cả hai chất độc này đều có thể làm tổn thương nghiêm trọng cho gan, gây bệnh gan, nếu hấp thụ các chất này lâu ngày trường hợp nặng có thể dẫn đến ung thư gan.
2. Đũa gỗ dùng lâu ngày
Khi dùng đũa gỗ ăn thức ăn có hàm lượng tinh bột cao, những dư lượng thực phẩm này sẽ bám vào đũa. Tinh bột ẩn trong các kẽ của đũa lâu ngày có thể sinh ra aflatoxin sau khi bị nấm mốc. Đôi khi nấm mốc này ẩn sâu bên trong, bạn khó có thể nhìn ra. Đũa gỗ dùng hàng ngày nên rửa sạch sẽ và sau một thời gian dài sử dụng cũng nên thay mới.
3. Thớt gỗ lâu ngày không thay
Nhiều hộ gia đình sử dụng thớt gỗ, nếu thớt không được làm sạch kịp thời, cặn thức ăn và nước đọng lại trong các vết nứt sẽ trở thành môi trường tốt cho vi sinh vật, nấm mốc, từ đó sinh ra độc tố aflatoxin. Nếu thớt có vết nấm mốc rõ ràng, bạn nên thay thớt mới.
4. Quả hạch bị đắng
Nếu ăn phải những quả hạch bị đắng như hạnh nhân đắng, óc chó đắng,.. bạn phải nôn ra và súc miệng kịp thời. Bởi vì vị đắng của các loại quả hạch này là do độc tố aflatoxin sinh ra trong quá trình nấm mốc. Nếu ăn thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ ung thư gan.
5. Gạo bị hỏng
Đừng nghĩ rằng bạn có thể buông lỏng cảnh giác khi cơm đã được nấu chín, vì gạo bị hư hỏng là thứ dễ sinh ra độc tố aflatoxin nhất. Tốt nhất đừng vì tiếc của mà giữ lại gạo bị mốc hỏng, kẻo có thể gây ra bệnh tật cho cả gia đình.
6. Lạc mốc, ngô mốc
Aflatoxin ẩn chứa trong thực phẩm bị mốc, đặc biệt là thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao như lạc, ngô, gạo, kê, đậu đỗ... Đừng nghĩ rằng chỉ cần vứt đi những hạt lạc hay hạt ngô mốc và giữ lại những phần không mốc sẽ không thể gây ra vấn đề gì, bạn không thể biết chắc rằng liệu độc tố nấm mốc đã lây lan ra cả những hạt lạc, hạt ngô trông có vẻ bình thường kia đâu.
7. Dầu lạc tự ép
Một số cây có dầu như lạc, ngô,... có thể bị mốc trong quá trình bảo quản, và aflatoxin có khả năng cũng sẽ xuất hiện trong dầu được ép ra. Tuy nhiên, các máy ép dầu gia dụng ở một số xưởng nhỏ quy trình đơn giản, thiếu quy trình loại bỏ các chất độc hại và không thể tinh chế nguyên liệu nên rất dễ ẩn chứa aflatoxin.
Vì vậy, cách hiệu quả nhất để tránh aflatoxin là loại bỏ và không ăn thực phẩm bị nấm mốc. Có nhiều loại nấm mốc khác nhau và hầu hết chúng đều gây hại cho cơ thể, vì vậy bạn phải kiên quyết vứt bỏ và đừng tiếc nuối.