Virus corona chủng mới tồn tại ở đâu trong môi trường xung quanh chúng ta và chúng có thể sống tới bao lâu ở bên ngoài? Những câu hỏi này sẽ được các chuyên gia của Học viện Quân y tiếp tục giải đáp.
1. Tác nhân gây bệnh COVID-19 là gì?
Tác nhân gây bệnh COVID-19 là một chủng virus Corona. Chủng virus gây bệnh COVID-19 khác hẳn với các chủng virus Corona đã biết trước đó nên đã được đặt tên là “virus Corona mới” (Novel Coronavirus - viết tắt là nCoV).
Trong danh pháp khoa học, tên chủng virus mới còn có thêm thông tin về năm phát hiện, do vậy tên đầy đủ của chủng virus Corona mới này là “2019 Novel Coronavirus” viết tắt hay ký hiệu là “2019-nCoV”. Ngoài ra, chủng virus này còn được một số phòng thí nghiệm khác gọi là SARS-CoV-2 với ý nghĩa là chủng virus Corona thứ hai gây bệnh có biểu hiện là hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS). Trên phương diện virus học, virus gây bệnh COVID-19 chính là chủng virus Corona mới có các ký hiệu là “2019-nCoV” hoặc “nCoV” hoặc “SARS-CoV-2”.
Từ ngày 11/02/2020, sau khi WHO chính thức gọi tên bệnh là COVID-19, các phương tiện truyền thông và giới khoa học nhiều nơi trên thế giới cũng có xu hướng gọi tên “virus gây bệnh COVID-19” là “virus COVID-19”. Tài liệu này cũng thống nhất dùng thuật ngữ “virus COVID-19”. Trong một vài ngữ cảnh “nhiễm COVID-19” cũng được hiểu là nhiễm virus gây bệnh COVID-19.
2. Virus COVID-19 có nguồn gốc từ đâu?
Tên gọi Corona bắt nguồn từ đặc điểm nhận dạng virus khi nhìn dưới kính hiển vi điện tử, chúng có các gai nhô ra ở mặt ngoài trông như hình chiếc vương miện.
Corona là một họ virus lớn thường thấy lưu hành và gây bệnh ở động vật. Sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS) xuất hiện ở người vào năm 2002 - 2003, các nhà khoa học xác định được virus Corona gây bệnh SARS (ký hiệu là SARS-CoV) có nguồn gốc từ cầy hương lây sang người. Đến dịch viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS) xuất hiện ở người vào năm 2012, các nhà khoa học lại xác định được virus Corona gây bệnh MERS (ký hiệu là MERS-CoV) cũng có nguồn gốc từ động vật (lạc đà). Lần này, khi phân lập được chủng virus mới ở các bệnh nhân đầu tiên bị bệnh ở Vũ Hán cũng thuộc họ Corona và yếu tố khởi phát bệnh có liên quan đến động vật hoang dã nên có thể khẳng định loại virus mới này (COVID-19) cũng có nguồn gốc từ động vật rồi lây sang và gây bệnh cho người.
Hình ảnh mình họa virus COVID-19 (Nguồn: Nature.com).
Hình ảnh virus Corona gây bệnh COVID-19 dưới kính hiển vi điện tử.
Như vậy, đã có ba bệnh dịch đặc biệt nguy hiểm do virus Corona có nguồn gốc từ động vật lây sang người là SARS, MERS và COVID-19. Có thể thấy, thế giới tự nhiên đã nhiều lần nhắc nhở con người về việc săn bắt, mua bán, giết thịt động vật hoang dã sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh mới thuộc loại đặc biệt nguy hiểm rất cao do quá trình này con người tiếp xúc trực tiếp với các chất bài tiết và thịt sống của động vật hoang dã.
3. Virus COVID-19 có ở đâu trong môi trường xung quanh chúng ta?
COVID-19 là virus có cả ở người và động vật bị bệnh cũng như người và động vật mang virus không có biểu hiện bệnh.
Từ người và động vật mang virus, COVID-19 được phát tán ra môi trường xung quanh chủ yếu dưới dạng giọt bắn từ dịch tiết đường hô hấp khi ho, hắt hơi, xì mũi hay khạc nhổ. Các giọt bắn này gây ô nhiễm không khí trong phạm vi bán kính 2m từ nguồn phát tán.
Từ không khí, các giọt bắn rơi lên bề mặt các đồ vật như quần áo, bàn ghế, điện thoại, bàn phím máy tính, nút bấm thang máy… gây ô nhiễm trực tiếp các bề mặt này. Nếu ai đó chạm vào bề mặt ô nhiễm trên rồi lại chạm tiếp vào các vật khác như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, thành ghế, tay vịn cầu thang, tay vịn trên các phương tiện giao thông… sẽ tiếp tục gây ô nhiễm gián tiếp cho các bề mặt mới này.
Như vậy, COVID-19 tồn tại chủ yếu trong không khí ở khoảng cách trong bán kính khoảng 2m xung quanh người mang virus ho, hắt hơi, xì mũi mà không đeo khẩu trang hay lấy tay che mũi, miệng; ở trên bề mặt các đồ vật xung quanh khu vực người ho, hắt hơi, xì mũi, khạc nhổ và có thể cả trên bề mặt các đồ vật bị ô nhiễm thứ phát rất khó xác định.
Từ các lý do trên, hành động đeo khẩu trang khi bị bệnh hoặc nghi ngờ mang mầm bệnh; che mũi, miệng khi ho, hắt hơi khi không đeo khẩu trang; không xì mũi, khạc nhổ nơi công cộng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hạn chế phát tán và gây ô nhiễm virus trong cộng đồng; thường xuyên vệ sinh các đồ vật xung quanh cũng là biện pháp hiệu quả để tránh ô nhiễm (kể cả trực tiếp và gián tiếp) môi trường sống; hạn chế chạm tay vào các bề mặt có nguy cơ ô nhiễm cao, rửa hoặc sát trùng tay thường xuyên, hạn chế bắt tay cũng là các biện pháp hiệu quả để tránh gây ô nhiễm thứ phát. Điều này không chỉ đúng với COVID-19 mà còn đúng với tất cả các bệnh có tác nhân gây bệnh trong đường hô hấp nói chung.
Hình ảnh virus COVID-19 nhân lên và thoát ra khỏi tế bào chủ (Nguồn: John Nicholls, Leo Poon và Malik Peiris - ĐHTH Hồng Kông).
4. Virus COVID-19 có nhân lên trong môi trường tự nhiên không?
Không. COVID-19 nói riêng và virus nói chung không tự nhân lên được. Virus phải “mượn” tế bào sống để nhân lên bằng cách “khống chế” tế bào chủ “làm việc” cho virus. Sau khi nhiễm được vào tế bào virus sẽ kiểm soát tế bào chủ bằng cách cài các gen của virus vào bộ gen của tế bào chủ, bắt tế bào bị nhiễm virus tạo ra các thành phần của virus. Khi đã đủ các thành phần cần thiết, các thành phần này lắp ghép lại với nhau để hình thành nhiều virus mới, đồng thời làm tổn thương cho tế bào bị nhiễm virus.
5. Virus COVID-19 tồn tại bao lâu trong môi trường tự nhiên?
Trong môi trường tự nhiên, virus chỉ tồn tại nguyên dạng và không nhân lên, do vậy thời gian sống của virus trong môi trường tự nhiên là thời gian tồn tại của một thế hệ virus. Thời gian này là bao lâu sẽ phụ thuộc vào bản chất của virus và các điều kiện tự nhiên.
Thông thường, ở nhiệt độ lạnh virus sẽ tồn tại lâu hơn, nhất là nhiệt độ lạnh âm sâu; các yếu tố khác như độ ẩm, chất liệu bề mặt (đất, gỗ, sắt…) cũng ảnh hưởng đến thời gian tồn tại của virus; đặc biệt ánh sáng mặt trời có tác dụng tiêu diệt virus rất hiệu quả.
Đã có một số nghiên cứu cho thấy COVID-19 có thể sống được đến vài ngày, thậm chí đến 9 ngày trong môi trường tự nhiên. Vì thế, các biện pháp vệ sinh môi trường có vai trò hết sức quan trọng trong việc triệt tiêu nguồn tác nhân gây bệnh có trong môi trường. Không nên chủ quan cho rằng virus đã bị tiêu diệt bởi các yếu tố từ môi trường. Mặt khác, môi trường sống thông thoáng, có ánh nắng mặt trời cũng có ý nghĩa rất tốt làm giảm bớt các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus COVID-19 trong môi trường.
6. Virus COVID-19 lây nhiễm vào con người như thế nào?
Mỗi loại virus có các cấu trúc đặc trưng trên bề mặt hoạt động như những “móc câu” để virus bám vào các cấu trúc phù hợp với loại móc câu ấy (được gọi là thụ thể - receptor) trên bề mặt tế bào chủ để virus chui vào bên trong tế bào. Tế bào nào có cấu trúc giúp các “móc câu” của virus “móc” vào được sẽ là tế bào “nhạy cảm” với virus và bị virus nhiễm vào.
Virus COVID-19 có gai protein S được dùng để bám và xâm nhập vào tế bào đích (Nguồn: Sciencealert).
Virus COVID-19 sử dụng protein S làm “móc câu” để gắn vào thụ thể của nó trên bề mặt màng tế bào niêm mạc đường hô hấp của vật chủ, qua đó virus xâm nhập và nhân lên gây bệnh cho cơ thể.
Do các tế bào của đường hô hấp là đích tấn công của virus COVID-19 (trong đó các tế bào niêm mạc ở mũi, họng được cho là cửa ngõ đầu tiên để virus COVID-19 xâm nhập vào cơ thể) nên thường xuyên uống nước ấm, không để họng bị khô là một biện pháp được khuyến cáo để bảo vệ họng, giảm bớt khả năng tấn công của virus vào các tế bào niêm mạc họng.
Mời quý độc giả đón đọc Phần 3: Những hành động nào có thể lây truyền virus corona chủng mới? trên chuyên mục Sức khỏe vào lúc 7 giờ sáng ngày 2/4. |