Với những người có cơ địa dị ứng với hải sản, trẻ nhỏ và nhất là khi sứa không được chế biến đúng cách thì tuyệt đối không nên sử dụng.
Lợi ích của sứa
Trên một số con phố ở Hà Nội hiện nay đã xuất hiện các hàng quán bán sứa đỏ, đây là món ăn độc đáo được nhiều người yêu thích. Điều đáng nói là món ăn này không bán quanh năm mà chỉ bán theo mùa trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 5 Âm lịch.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, trong y học cổ truyền sứa biển có tính bình, vị mặn, tác dụng thanh nhiệt giải độc, hóa đờm hạ áp, khứ phong trừ thấp... Ngoài ra, sứa biển còn giúp nhuận trường bình gan, có thể trị liệu được các bệnh ho nhiều đờm, đại tiện táo kết, phong thấp, viêm khớp, cao huyết áp, viêm loét, phù chân…
Sứa là món ăn giàu dinh dưỡng và có thể hỗ trợ phòng được bệnh.
Về giá trị dinh dưỡng, trong 100 gram sứa có 12,3 gram protein, 3,9 gram đường, 0,1 gram chất béo, 182mg canxi, 9,5 gram sắt, 1,32 gram i-ốt… Ngoài ra còn có các nguyên tố vi lượng khác như B1, B2, phốt pho, magie...
Không phải loại sứa nào cũng ăn được và không phải ai cũng ăn được sứa
Lương y Trung cũng cho biết để sứa có màu đỏ đẹp bắt mắt, các nhà hàng, tiểu thương đã sơ chế, ngâm sứa (thường hay dùng cây sú vẹt) để chuyển màu đỏ đậm, về cơ bản điều này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe người ăn.
Việc một số người bị dị ứng, thậm chí bị ngộ độc nặng khi ăn sứa là do cơ địa hoặc quá trình chế biến sứa khi mới bắt lên không đảm bảo.
Đặc biệt, có nhiều loại sứa khác nhau, một số loại sứa có chứa độc tố rất mạnh gây chết người, chẳng hạn như sứa hộp, sứa tầm ma biển, sứa bờm sư tử, sứa mặt trăng... Vì thế không phải loại sứa nào cũng có thể ăn được.
Với các loại sứa ăn được cũng không nên ăn tươi, mà nên chọn loại sứa đã được sơ chế đúng quy cách, khi nào thịt sứa chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt mới đem chế biến làm thức ăn.
Sứa biển không phải ai cũng có thể ăn được, nhất là trẻ nhỏ và người có cơ địa dị ứng.
Lương y Trung cũng lưu ý không cho trẻ em ăn thịt sứa để phòng ngừa tiêu chảy. Ngoài ra, những người tỳ vị hư hàn, bị dị ứng với hải sản, người mới ốm dậy, bị suy nhược cơ thể, người đã từng bị ngộ độc thực phẩm trong quá khứ cũng không nên dùng sứa biển, kể cả đã được chế biến cẩn thận và nấu chín.
Độc tố trong sứa biển có thể gây độc dẫn tới hôn mê
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo nếu chế biến sứa không đúng cách, không loại bỏ hết độc tố có trong sứa sẽ dẫn tới việc bị dị ứng, ngộ độc. Khi bị ngộ độc sứa biển, người bệnh cảm thấy nôn nao khó chịu, nhức đầu, da tím tái, nhiều lúc co giật và nặng có thể dẫn đến hôn mê.
Theo Cục An toàn thực phẩm, độc tố của sứa thường nằm ở xúc tu, mỗi xúc tu có hàng triệu nematocys - tế bào châm, rất nhỏ và chứa chất độc. Những xúc tu này được sử dụng khi chúng bắt mồi hoặc để tự vệ. Khi chạm phải những xúc tu này con người sẽ bị dị ứng.
Trong xúc tu của sứa có chứa chất độc có thể gây ngộ độc.
Đặc biệt, khi bị sứa cắn, các độc tố này sẽ ngấm qua da người xâm nhập vào cơ thể, nếu nhẹ, nạn nhân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều. Toàn thân chỉ cảm thấy khó chịu, không nên quá lo lắng.
Ở thể nặng có thể gây đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt...
Ở thể tối cấp, tai biến xảy ra tức thì sau khi độc tố của sứa biển xâm nhập vào máu nạn nhân. Nạn nhân nôn nao, nhức đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở nhanh, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt. Nạn nhân đi vào trạng thái lơ mơ, nhiều khi co giật, có thể hôn mê cần đưa ngay vào bệnh viện để chống sốc phản vệ.
Ở thể cấp hay bán cấp, sau chừng 15 phút chạm phải sứa, nạn nhân ngứa ở bàn tay, bàn chân, trên da nổi ban đỏ từng vùng, nổi mày đay toàn thân, phù quineke ở mắt, môi, mặt, thanh quản nên ngạt thở, mạch nhanh, yếu.
Tim đập nhanh đều, huyết áp hạ thấp, ho khan, khó thở khò khè. Thanh quản phù gây khó thở. Nạn nhân buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chảy nước mắt, chảy nước mũi, vã mồ hôi. Đây là biểu hiện sốc phản vệ, cần đưa ngay vào bệnh viện chống sốc.
Chế biến không đảm bảo để nhiễm độc tố có trong sứa có thể gây sốc phản vệ nguy hiểm.
Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, phòng chống ngộ độc thực phẩm do sứa biển, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không sử dụng sứa biển tươi (chưa qua chế biến) làm thức ăn, làm gỏi ăn sống, đặc biệt không sử dụng sứa (kể cả sứa đã qua chế biến) làm thức ăn cho trẻ em.
Chỉ sử dụng sứa biển đã qua chế biến đúng cách. Quá trình chế biến sứa tươi phải được ngâm qua 3 lần trong nước muối và phèn, khi nào thịt sứa sẽ chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt thì mới đem sử dụng để chế biến làm thức ăn.
Tin liên quan
Dù được rất nhiều người yêu thích, song dâu tây, cải bó xôi, cải xoăn,... lại nằm trong danh sách 12 loại rau củ, trái cây có chứa dư lượng...
Tin bài cùng chủ đề Ths.Lương y Vũ Quốc Trung
Các nhà khoa học đã phát hiện ra, cây rau càng cua giàu kali, canxi và chứa chất có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư.