Đã tiêm 1 mũi vắc xin COVID-19, đến lịch tiêm mũi 2 mà chưa kịp thì có sao không?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 25/07/2021 16:45 PM (GMT+7)

Rất nhiều thắc mắc về việc thời gian tiêm 2 mũi vắc xin là bao lâu và nếu không tiêm đúng khuyến cáo thì có hiệu quả bảo vệ không? TS Nguyễn Thị Cẩm Bình - Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock sẽ giải đáp thắc mắc này.

Hồng Anh (nguoihanoi1986***@gmail.com)

Chào bác sĩ! Tôi năm nay 40 tuổi (ở Hà Nôi) đã tiêm vắc xin Astrazeneca được 6 tuần nhưng chưa có lịch tiêm mũi thứ 2. Bác sĩ cho tôi hỏi khoảng cách các mũi tiêm vắc xin COVID-19 là bao lâu?

Trường hợp đến thời điểm tiêm mũi hai nhưng vì nhiều lý do mà tôi bị lỡ không kịp tiêm theo đúng khuyến cáo thì có làm sao không?

Xin cảm ơn bác sĩ.

Đã tiêm 1 mũi vắc xin COVID-19, đến lịch tiêm mũi 2 mà chưa kịp thì có sao không? - 1
TS.BS Nguyễn Thị Cẩm Bình

Khoảng cách giữa hai mũi tiêm vắc xin COVID-19 tùy vào từng loại vắc xin

Đa số vắc xin ngừa COVID-19 hiện nay đều cần hai mũi tiêm để đạt được miễn dịch đầy đủ của loại vắc xin đó. Tùy loại vắc xin khác nhau, khoảng cách giữa hai mũi tiêm có thể khác nhau.

Đối với vắc xin của Astrazeneca, khoảng thời gian khuyến cáo giữa hai liều tiêm trong khoảng từ 8-12 tuần. Các nghiên cứu cho thấy khoảng thời gian giữa hai mũi tiêm vắc xin Astrazeneca có ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin, và khoảng cách giữa hai mũi tiêm nên là từ 8 tuần trở lên để có thể phát huy tối đa hiệu quả của vắc xin.

Các loại vắc xin mRNA (mRNA là viết tắt của “Messenger RNA” - là một trong những loại vắc-xin giúp cơ thể phòng ngừa không bị nhiễm COVID-19 đầu tiên đã được phép sử dụng tại Mỹ) có yêu cầu thời gian mũi tiêm thứ hai tương đối ngắn hơn, với Pfizer là 21 ngày, Moderna là 28 ngày. 

Hiện chưa có dữ liệu nghiên cứu về tính hiệu quả của các loại vắc xin mRNA này nếu khoảng cách giữa hai mũi tiêm nằm ngoài khoảng thời gian tiêm được khuyến cáo của nhà sản xuất. 

Như vậy, nếu đã tiêm 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19, cần tiêm nhắc lại mũi thứ hai cùng loại trong thời gian phù hợp theo khuyến cáo với vắc xin đó.

Đối với các trường hợp tiêm trộn các loại vắc xin COVID-19, khoảng cách giữa 2 liều đang được các nước trên thế giới nghiên cứu và áp dụng là từ 4-12 tuần. 

Hiện nay, Bộ Y tế cho phép tiêm trộn vắc xin tại Việt Nam, trong trường hợp khi số lượng vắc xin hạn chế, và tiêm liều thứ hai bằng vắc xin Pfizer sau 8-12 tuần cho người đã tiêm liều thứ nhất bằng vắc xin Astrazeneca.

Đã tiêm 1 mũi vắc xin COVID-19, đến lịch tiêm mũi 2 mà chưa kịp thì có sao không? - 2

TS. Cẩm Bình cho biết, tốt nhất nên tiêm 2 mũi vắc xin đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Nếu bị lỡ mất thời điểm tiêm mũi thứ hai của vắc xin thì sao?

Khoảng thời gian giữa hai liều tiêm vắc xin từ khuyến cáo của nhà sản xuất cho đến tình hình thực tế cũng có những thay đổi nhất định. Ví dụ, Bộ Y tế Úc khuyến cáo hai mũi tiêm vắc xin Astrazeneca cách nhau khoảng 12 tuần trong bối cảnh thông thường, nhưng trong hoàn cảnh dịch bùng phát, có thể rút ngắn xuống 4-8 tuần. 

Tuy vậy, thời điểm tiêm mũi thứ hai có thể kéo dài hơn do không thể tuân thủ lịch tiêm hoặc do không đủ nguồn vắc xin, như ở Canada khuyến cáo có thể kéo dài khoảng cách giữa 2 mũi tiêm (đối với các loại vắc xin cần tiêm 2 mũi) đến 16 tuần.

Sau khi tiêm mũi đầu tiên 14 ngày và trước khi tiêm mũi 2, hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa nhiễm virus SARS-COV-2 có triệu chứng đạt khoảng từ 52% đến hơn 70%. 

Như vậy, người được tiêm 1 liều vắc xin vẫn được bảo vệ một phần. Hiện nay chưa có dữ liệu nghiên cứu hiệu quả của vắc xin nếu thời gian tiêm mũi hai bị trì hoãn lâu hơn khoảng thời gian khuyến cáo tiêm giữa 2 liều. 

Với vắc xin mRNA như Pfizer và Moderna, nếu không thể tuân thủ lịch tiêm giữa 2 liều thì có thể hoãn mũi thứ hai (theo khuyến cáo của nhà sản xuất) tối đa đến 42 ngày sau khi tiêm mũi thứ nhất. CDC Hoa Kỳ không khuyến cáo tiêm lại từ đầu nếu không thể thực hiện được mũi tiêm thứ hai.

Chuyên gia khuyến cáo: Không phải ai cũng dị ứng vắc xin, vậy nhận biết thế nào?
Suckhoedoisong.vn xin giới thiệu với bạn đọc những chia sẻ của PGS.TS.BSNT Hoàng Thị Lâm - Trưởng bộ môn Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà...

Dịch COVID-19

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vắc xin COVID-19