Mạng xã hội chia sẻ rầm rộ về hình ảnh giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin COVID-19 kèm "Khuyến cáo không dùng thức uống có cồn trong vòng 50 năm" khiến nhiều người hoang mang.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một tờ giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19, điều đáng nói dưới phần đóng dấu của đơn vị tiêm chủng lại kèm "Khuyến cáo không dùng thức uống có cồn trong vòng 50 năm".
Việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại TP HCM đang được triển khai trên diện rộng. Thế nhưng, ngày 23/6, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh về một tờ giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại một bệnh viện ở TP HCM.
Điều khiến nhiều người hoang mang là dưới phần đóng dấu của đơn vị tiêm chủng lại kèm "Khuyến cáo không dùng thức uống có cồn trong vòng 50 năm", nhiều người thắc mắc liệu tờ giấy chứng nhận đó có thật hay không, và câu khuyến cáo ấy đúng hay sai.
Giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19
Liên quan đến hình ảnh này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS-BS Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết thông tin trên là không đúng.
Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy việc dùng thức uống có cồn làm giảm hiệu quả của vắc-xin COVID-19. Cũng không có bằng chứng cho thấy vắc xin COVID-19 không an toàn đối với những người sử dụng rượu bia.
Tuy nhiên, CDC và các chuyên gia đặc biệt cảnh báo người dân nên tránh uống rượu trước và sau khi tiêm chủng ngừa vì rượu có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước. Tốt nhất, nên kiêng uống rượu trong vòng 1 ngày hoặc lâu hơn sau khi tiêm vắc-xin. Rượu còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vắc-xin.
Ngoài ra, rượu bia được chứng minh là chất làm căng thẳng hệ miễn dịch. Cụ thể, rượu có thể giúp người uống ngủ nhanh hơn nhưng lại gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ tổng thể, tác nhân gây rối loạn chức năng miễn dịch tối ưu.