Thiếu kiến thức xử trí khi trẻ sốt cao, mẹ Hà Nội khiến con 10 tháng suýt gặp nguy hiểm

Ngày 18/04/2018 05:56 AM (GMT+7)

Do không chuẩn bị trước những kiến thức xử trí khi trẻ bị sốt cao co giật mà vợ chồng chị Vũ Hạnh suýt gây nguy hiểm cho con 10 tháng tuổi.

Những ngày vừa qua là những ngày vợ chồng chị Vũ Hạnh (Hà Đông, Hà Nội) trải qua giờ phút kinh hoàng và đáng sợ nhất trong cuộc đời, khi mà cậu con trai bé bỏng Trần Viết Bảo Nam (10 tháng tuổi) bị sốt cao kèm theo co giật. Cũng vì chưa chuẩn bị trước cho mình những kiến thức xử lý tình huống khi trẻ bị sốt cao, co giật mà vợ chồng chị Hạnh suýt mang nguy hiểm đến cho con.

Thiếu kiến thức xử trí khi trẻ sốt cao, mẹ Hà Nội khiến con 10 tháng suýt gặp nguy hiểm - 1

Bé Trần Viết Bảo Nam 10 tháng tuổi

Chị Vũ Hạnh kể, 21h ngày chủ nhật, 15/4 vừa qua, vợ chồng chị đã cho con trai Bảo Nam uống thuốc và làm một số thao tác đơn giản giúp con hạ sốt tại nhà như chườm khăn ấm và đắp khăn xô ấm liên tục. Thế nhưng đến tận 12h đêm, cơn sốt của con không có dấu hiệu hạ, bé vẫn sốt 39 độ C.

Vợ chồng chị Hạnh quyết định cho con vào viện để khám. Thật may, Bảo Nam có dấu hiệu hạ sốt và chơi khỏe bình thường đến 3h sáng 16/4. Bên cạnh đó, Bảo Nam được các bác sĩ chẩn đoán viêm hô hấp nên kê đơn thuốc kháng sinh và hạ sốt. Tuy nhiên, vì lúc đó là rạng sáng nên không thể mua được thuốc kháng sinh, chị Hạnh đành cho con về nhà và nghe lời bác sĩ "nếu con sốt thì cho uống thuốc hạ sốt".

"Về đến nhà con vẫn chơi bình thường và uống thêm 100ml sữa nữa. Tuy nhiên, khoảng 4h sáng, Bảo Nam tiếp tục có dấu hiệu bị sốt lên, con bỗng khóc lớn rồi tự dưng im bặt, giật giật, mắt kéo sang trái xong ọe ọe. Mình không biết rằng lúc đó là con đang bị co giật mà chỉ nghĩ rằng bé quấy.

Sau khi chồng mình cho con uống thuốc hạ sốt thì con bắt đầu trớ, môi thâm dần. Chồng mình bế con thẳng đứng lên để vỗ vỗ như vỗ long đờm mà người con cứ mềm nhũn ra rồi không có phản xạ gì hết.

Vợ chồng mình bắt đầu hoang mang tột độ, toàn thân bủn rủn không biết nên làm thế nào nữa. Hai vợ chồng vừa bế con chạy vừa đập cửa hành lang các nhà cùng khu chung cư để cầu cứu. Lúc này con bắt đầu ọe ra nước miếng và dần hồi.

Sau khi đưa con được vào đến bệnh viện vì nhà cũng gần viện, các bác sĩ nói con bị sốt cao dẫn đến co giật. Rất may hiện giờ con không sao rồi. Sợ con sốt cao thêm nên vợ chồng mình để con nằm theo dõi và điều trị tại bệnh viện để có hướng giải quyết kịp thời", chị Hạnh chia sẻ.

Thiếu kiến thức xử trí khi trẻ sốt cao, mẹ Hà Nội khiến con 10 tháng suýt gặp nguy hiểm - 2

Cũng theo chị Hạnh, sau khi được các bác sĩ phân tích, vợ chồng chị đã rút ra được 3 sai lầm lớn đã mắc phải trong trường hợp vừa qua khiến cho con trở nên nguy kịch:

Thứ nhất, không biết những biểu hiện co giật ở trẻ dẫn đến việc lúc bé Bảo Nam bị co giật lại cho con uống thuốc hạ sốt. Điều đó sẽ khiến bé bị nghẹn ở cổ cùng mũi đờm đã có sẵn, càng nguy kịch hơn.

Thứ hai, không chuẩn bị sẵn những kiến thức về việc xử lý tại chỗ khi trẻ bị sốt cao co giật. Từ đó hai vợ chồng chị Hạnh lại luống cuống càng thêm nguy kịch.

Thứ ba, nên cho con ở lại bệnh viện để thăm khám và điều trị kĩ càng hơn trước khi xuất viện về nhà.

"Gương mặt con từng giây phút xảy ra vào đêm hôm ấy mình không thể nào quên: mặt tím ngắt, môi thâm xì, người mềm nhũn ra... Có thể những mẹ có con bị sốt co giật thì không lạ nhưng một số mẹ trẻ như mình chắc rất nhiều người chưa biết.

Mình khuyên các quý cha mẹ nên tìm hiểu ngay về cách sơ cứu trẻ bị sốt co giật tím tái mặt mày thì nên làm gì. Đừng để như mình sơ ý thiếu hiểu biết nên giờ cứ ảm ảnh mãi, dằn vặt bản thân.

Thương con đến run cả người. Không biết sau này con có ảnh hưởng gì không, và nỗi sợ hãi mỗi khi nhiệt độ con tăng sẽ tái phát", chị Hạnh nói thêm.

Bác sĩ chỉ cách xử trí khi trẻ bị sốt cao, co giật

PGS Nguyễn Tiến Dũng chỉ cách xử trí khi trẻ bị sốt cao kèm co giật

Theo chia sẻ của PGS Nguyễn Tiến Dũng  – Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trên báo Dân Việt, sốt cao là triệu chứng, không phải là bệnh. Nó là biểu hiện của cơ thể khi gặp tác nhân có hại cho cơ thể. Trẻ từ 6 tháng tuổi tới 6 năm tuổi khi sốt cao có tỷ lệ co giật từ 3-5%.

Nếu trẻ bị sốt không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt​, không làm em bé mệt, bứt rứt khó chịu, chán ăn thì không cần chữa sốt, hãy để tự nhiên. Bởi vì những em bé sốt nhẹ, không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung thì phần lớn bệnh nhiễm trùng lại nhanh khỏi.

Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ sốt quá cao có thể làm em bé khó chịu, bứt rứt. Một số cháu khô miệng, ăn không được khiến gia đình lo lắng. Đặc biệt là ở trẻ con, khi sốt cao có thể gây co giật.

Khi co giật trẻ có thể có thêm các biểu hiện: nôn ói, sùi bọt mép, đồng tử lộn lên trên làm mắt trắng dã. Các cơn co giật này thường là các cơn co giật toàn thể, ngắn, kéo dài không quá 5 phút. Sau co giật, trẻ có thể lờ đờ chậm chạp hoặc ngủ. Thời gian này có thể kéo dài tới cả tiếng đồng hồ. Trẻ thường bị 1 cơn co giật cho 1 đợt sốt. Đây là đặc điểm gần như chỉ có ở trẻ con, song cũng không nên quá lo.

Sốt cao co giật thông thường không gây hại não. Trừ các bệnh lý khác gây nên tình trạng này như viêm màng não, viêm não mà chúng ta bỏ sót trong chẩn đoán. Còn nếu là sốt cao do virus gây co giật, sau vài chục giây, trẻ hết giật trở lại bình thường, không để lại di chứng cho não, không gây hại não. Vì thế, cơn sốt cao co giật lành tính không phải uống bất cứ thuốc gì”, PGS Dũng khẳng định.

PGS Dũng khuyến cáo cha mẹ đặt trẻ nằm nghiêng khi sốt cao co giật thông thoáng đường thở.

Thiếu kiến thức xử trí khi trẻ sốt cao, mẹ Hà Nội khiến con 10 tháng suýt gặp nguy hiểm - 3

Theo bác sĩ Dũng, khi trẻ bị sốt cao co giật nên để trẻ nằm nghiêng.

Các bước xử lý tại chỗ mà cha mẹ cần nhớ rõ:

Bước 1:

Các bà mẹ bình tĩnh bế trẻ đặt nằm nghiêng (không được gập đầu bé vì không thở được). Cha mẹ cho trẻ mặc thoáng để tỏa nhiệt. Trẻ co giật có triệu chứng nghiến răng, cha mẹ không được day, không vuốt ngực…. Hãy cố gắng bình tĩnh, chỉ một vài chục giây trẻ sẽ hết giật.

Mọi người trong gia đình cũng không nên vây quanh bé mà hãy tản ra, để bé có không khí để thở. Mở thoáng cửa để hạ nhiệt độ không khí xuống.

Bước 2:

Không nhét bất cứ thứ gì vào mồm trẻ vì có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp trên. Khi trẻ hết giật cũng không nhét gạc mềm vào khóe mép, có thể cho khăn xô vào miệng đề phòng cơn co giật sau trẻ có thể cắn vào lưỡi.

Không cố giữ chân giữ tay trẻ vì có thể gây chấn thương cơ xương khớp của trẻ.

Không bế ẵm trẻ khi trẻ đang co giật vì có thể làm rơi trẻ gây chấn thương.

Bước 3: Dùng hạ sốt cho trẻ

Ngay sau cơn co giật, tốt nhất là dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ. Còn nếu trẻ tỉnh táo, có thể uống được thì có thể cho uống thuốc hạ sốt.

Còn trong thời điểm trẻ đang giật, tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc, rất dễ sặc, nguy hiểm.

Sau khi trẻ hạ sốt, bố mẹ nên đưa con đến viện khám để bác sĩ chẩn bệnh, xem có bệnh gì khác ngoài sốt không.

PGS Dũng cũng lưu ý mọi người chỉ nên dùng 2 loại thuốc hạ sốt: Nếu trẻ trên 38,5 độ, cha mẹ có thể dùng 2 loại thuốc là Pracetamol hoặc Ibubrofen. (Hai thuốc này hạ sốt tương đương nhau, tuy nhiên, các nước châu Á khuyến cáo nên dùng Paracetamol. Còn châu Âu thì họ ưu tiên dùng Ibuprofen… lý do vì các nước châu Á đang có sốt xuất huyết, còn châu Âu không có). Nếu đang có sốt huyết mà cho trẻ dùng Ibuprofen thì càng tăng sự nguy hiểm, làm cho sốt xuất huyết nặng thêm.

Bác sĩ Nhi khoa hướng dẫn cách sơ cứu trẻ bị sốt lên cơn co giật
Khi trẻ bị sốt cao lên cơn co giật, các ông bố bà mẹ lo lắng quá mức dẫn đến những hành vi sơ cứu sai gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ.
Chi Chi - Ảnh NVCC
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh