Theo PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng Khoa Nhi – BV Bạch Mai), hiện đã có thuốc tẩy giun kim cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.
Một độc giả tâm sự về những lo lắng khi con dưới 2 tuổi bị giun: "Bin nhà em mới 19 tháng, mấy hôm nay cứ khóc quấy suốt, nhất là ban đêm. Con ăn uống cũng không được tốt. Tối hôm qua thì đi ngoài phân lỏng. Lúc thay bỉm cho con, em 'tá hoả' khi thấy loe ngoe trong bịch bỉm vừa thay một con nhỏ nhỏ màu trắng lẫn trong phân. Hai vợ chồng cùng cầm đèn pin săm soi một lúc thì kết luận rằng đấy đích thị là một...con giun. Em sợ quá".
Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Trước kia, thuốc tẩy giun quy định chỉ dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Hiện tại, có thuốc tẩy giun kim dùng được cho trẻ từ 1 tuổi trở lên là Pyrantel. Hiện nay, thuốc tẩy giun cũng không giống như trước đây, thuốc không gây mệt mỏi, chỉ diệt giun ở ống tiêu hóa và thấm vào máu vô cùng ít ”.
Theo bác sĩ Dũng, hiện tại, có thể thấy, nhiều em bé sống ở thành phố, nhà cao tầng sạch sẽ, điều kiện vệ sinh tốt, hầu như ít bị nhiễm giun. Cho nên, việc tẩy giun 6 tháng/lần có thể chỉ áp dụng cho những bé hay tiếp xúc với đất cát, điều kiện vệ sinh kém. Tiến hành tẩy giun với những bé khi ị ra giun, vạch hậu môn trẻ thấy có giun kim hoặc đi khám bác sĩ bị nghi ngờ nhiễm giun, xét nghiệm phát hiện giun trong phân.
“Trẻ bị nhiễm giun sẽ hay rối loạn tiêu hóa, đau bụng vặt, buồn nôn, thậm chí đôi khi nôn. Có một số trẻ bị nhiễm giun nặng thì suy dinh dưỡng. Nếu nhiễm giun tóc, giun móc sẽ gây thiếu máu. Những bé bị thiếu máu sẽ kém ăn, da xanh xao. Nếu thiếu máu nặng quá gây mệt mỏi, đi học thiếu tập trung, trí nhớ giảm, hoa mắt chóng mặt, tim đập nhanh”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Để tránh trẻ bị nhiễm giun, phụ huynh chú ý môi trường sạch sẽ, không cho trẻ tiếp xúc với đất cát, không để trẻ mút hay ngậm tay (ảnh minh họa)
Nếu giun quá nhiều gây tắc ruột, thậm chí đi ngược lên mật gọi là giun chui ống mật gây viêm đường mật. Thậm chí, nếu giun lên đường mật sâu quá gây áp xe gan, áp xe đường mật. Tuy nhiên, hiện nay, điều kiện vệ sinh tốt nên các hiện tượng này cũng ít hơn.
Bác sĩ Dũng nói thêm: “Khi cho trẻ uống thuốc giun, phụ huynh phải theo dõi xem phân có chứa giun không. Đặc biệt, theo dõi sát để phát hiện những bất thường của trẻ sau khi uống thuốc. Nếu có hiện tượng nôn, lả đi thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế. Trước khi tẩy giun cho trẻ nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Với trường hợp sống ở môi trường sạch sẽ thì không nên tự tiện tẩy giun”.
Để tránh trẻ bị nhiễm giun, phụ huynh chú ý môi trường sạch sẽ, không cho trẻ tiếp xúc với đất cát, không để trẻ mút hay ngậm tay. Lưu ý rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Đồ chơi dành cho trẻ nếu rửa được cũng nên vệ sinh thường xuyên.
Trong ngày Tết, có nhiều món ăn, kẹo bánh khác nhau, trẻ em sẽ thích và ăn nhiều. Khi ăn số lượng nhiều như vậy mà thức ăn bị nhiễm độc sẽ gây tiêu chảy, thậm chí ngộ độc thức ăn. Phụ huynh không nên cho trẻ ăn quá nhiều. Không nên cho trẻ ăn các đồ ăn lưu trữ từ bữa ăn trước.