Yêu thương, khen ngợi và nhìn nhận: Triết lý giáo dục trái tim với sự phát triển tâm hồn con

Ngày 23/03/2019 16:20 PM (GMT+7)

Yêu thương, khen ngợi và nhìn nhận: Bí quyết nuôi dạy con theo phương pháp Shichida là cuốn sách bổ ích mà phụ huynh nào cũng cần để có thể nuôi dạy con phát triển tốt cả thể chất lẫn tinh thần.

Qua những nghiên cứu hơn 50 năm về giáo dục sớm, giáo sư Makoto Shichida truyền thông điệp về vai trò tình yêu thương của cha mẹ và triết lý giáo dục trái tim đối với sự phát triển tâm hồn ở trẻ 0 - 6 tuổi.

Trước khi muốn con thay đổi, cha mẹ phải thay đổi

Trước khi trở thành cha mẹ, mỗi người không chỉ phải chuẩn bị tâm thế mà còn cả kiến thức, kĩ năng. Có những điều này, chúng ta mới không lúng túng và có thể nhận ra những thiếu sót, quan điểm sai lầm trong quá trình làm cha mẹ.

Sai lầm phổ biến nhất là nhiều phụ huynh dù rất thương con nhưng rất ít khi thể hiện tình cảm với con cái. Mỗi lời của cha mẹ với con không đơn thuần là bộc lộ tình cảm. Yêu thương không nói ra là yêu thương ích kỷ và ảnh hưởng không tốt đến chức năng não bộ, năng lực và tính cách của con trẻ.

Yêu thương, khen ngợi và nhìn nhận: Triết lý giáo dục trái tim với sự phát triển tâm hồn con - 1

Giáo sư Makoto Shichida cho biết: Khi người mẹ ôm ấp âu yếm con ngay từ lúc mới sinh, não bộ của đứa trẻ nhận được tình yêu thương, nội tiết tố tăng trưởng tiết ra, trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh. Việc ôm ấp và vuốt ve con sẽ giúp đánh thức vùng thân não. Chức năng của thân não là cho ta cảm giác thân thuộc. Nếu cảm giác này được đáp ứng hợp lý, con trẻ sẽ trở thành người đầy nhiệt huyết.

Sai lầm thứ nữa là quan điểm để con lớn thì dạy cũng được. Trong cuốn sách Yêu thương, khen ngợi và nhìn nhận: Bí quyết nuôi dạy con theo phương pháp Shichida chia sẻ: Càng bé con càng dễ uốn nắn.

Trong ba năm đầu đời của con, cha mẹ cần dạy cho con những nguyên tắc và giới hạn, những giá trị không thể phá vỡ. Khi lên ba, trẻ bắt đầu hình thành khả năng chịu đựng và sức mạnh ý chí. Sau giai đoạn này, trẻ đã hình thành cá tính, việc uốn nắn đưa con vào kỷ luật đã muộn khiến nhiều cha mẹ dùng đến đòn roi.

Tuy nhiên, việc "cho roi cho vọt" cũng là lợi bất cập hại vì dễ khiến con phản kháng, nổi loạn. Cha mẹ chỉ nên nghiêm khắc trong trường hợp thật sự cần thiết. "Mục đích thật sự của việc áp dụng kỷ luật trong quá trình nuôi dạy trẻ chính là nuôi dạy con trở thành người có ý chí mạnh mẽ. Có ý chí mạnh mẽ không có nghĩa là ích kỷ và tự mãn. Ngược lại, một đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ sẽ có thể vượt qua những ham muốn, đòi hỏi và cảm xúc cá nhân."

Cho đến hiện nay, những đứa con lớn người thiếu suy nghĩ vẫn luôn khiến cho các phụ huynh đau đầu.

Theo tác giả Makoto Shichida, sự thay đổi tư duy ở cha mẹ có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của con cái. Khi nuôi dạy con cái trở nên quá khó khăn, cha mẹ cần tự nhìn lại bản thân. Con cái là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ. Tình trạng của con như thế nào đều là kết quả quá trình nuôi dạy của cha mẹ.

Chính vì thế, cha mẹ hãy tìm cách thay đổi bản thân chứ không nên cố gắng thay đổi con. Khi cha mẹ thay đổi, con sẽ tự thay đổi theo.

Nuôi dưỡng tâm hồn con đúng cách

Sự thay đổi cha mẹ cần là nuôi dạy con một cách tích cực. Cuốn sách chỉ ra rằng: "Có một vài điều mà cha mẹ nên làm trước khi cố gắng đưa con mình vào kỷ luật hoặc phát triển khả năng của con. Đó là nuôi dưỡng nhân cách, kiến thức của trẻ thông qua việc xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa cha mẹ và con cái." 

Triết lý giáo dục của giáo sư Shichida dựa trên nền tảng phát huy sức mạnh tiềm ẩn của não phải, hay còn gọi là "giáo dục trái tim".

Yêu thương, khen ngợi và nhìn nhận: Triết lý giáo dục trái tim với sự phát triển tâm hồn con - 2

Có ba nguyên tắc vàng để con phát triển toàn diện: thể hiện tình yêu thương, nghiêm khắc đúng chỗ đúng cách và xây dựng sự tin tưởng từ hai chiều. Với mỗi nguyên tắc, cuốn sách đưa ra nhiều cách thức để cha mẹ có thể tương tác với con, giúp con phát triển thuận lợi.

Yêu thương không thể giữ trong lòng mà cần phải được nói ra. Cha mẹ có thể ôm con, khen ngợi khi con làm tốt. Ngoài ra, để thắt chặt tình cảm của cha mẹ và con cái, cha mẹ có thể dùng phương pháp tiếng vọng.

Khi con nói với cha mẹ điều gì, cha mẹ đặt mình vào vị trí của con và trả lời con bằng cách lặp lại những điều con nói kèm theo những câu hỏi gợi mở. Như vậy con sẽ dễ giãi bày suy nghĩ với bố mẹ, đồng thời giúp con sắp xếp suy nghĩ và diễn đạt rõ ràng.

Phương pháp 5 phút thủ thỉ vừa thể hiện sự quan tâm vừa giúp điều chỉnh những tính cách không tốt ở con. Khi con thiu thiu ngủ, cha mẹ hãy thì thầm: Con đang ngủ rất ngon. Ngủ ngon giúp con khỏe mạnh hơn. Sau đó cha mẹ đưa ra những lời gợi ý như: Con là một đứa bé ngoan, nghe lời. Con đã lớn rồi, đừng mút tay nữa nhé. Cha mẹ đều yêu con.... Và cuối cùng đưa con trở lại với giấc ngủ.

Khi ứng xử với con, cha mẹ cần nghiêm khắc nhưng không khắt khe lệch lạc. Lúc nói chuyện với con, cha mẹ hãy ngừng sử dụng những câu mang tính ra lệnh, tiêu cực, cấm đoán mà hãy bình tĩnh đưa ra yêu cầu một cách lịch sự.

Việc la mắng con quá nhiều không có tác dụng mà chỉ khiến con tức giận, xa cách cha mẹ hơn mà thôi. Trong trường hợp cần thiết la mắng, hãy giới hạn thời gian trong vòng 1 phút vì quá thời gian này, mọi sự quở trách phản tác dụng, chỉ nên mắng con vì bản thân sai lầm trong hiện tại, không chỉ trích bản thân con và không bới móc sai lầm đã qua.

Cha mẹ cũng cần phải luôn nhớ việc tin tưởng con cái. Cho dù có xảy ra việc gì, cha mẹ vẫn cần đặt niềm tin vào con, trân trọng những nét riêng của con. Trong quá trình nuôi dạy con, phụ huynh thường tập trung nâng cao khả năng và đánh giá con dựa trên những gì con làm được và không làm được.

Điều quan trọng phải là nhìn nhận con đúng theo những gì con có, tập trung vào những mặt tốt, không đặt nặng những điểm tiêu cực. Như vậy mới có thể xây dựng sự tin tưởng giữa cha mẹ và con.

Với nhiều trăn trở, suy tư về giáo dục sớm, giáo sư Makoto Shichida đã hoạt động trong lĩnh vực này từ năm 1958. Yêu thương, khen ngợi và nhìn nhận: Bí quyết nuôi dạy con theo phương pháp Shichida là một cuốn sách không thể thiếu để bắt đầu hành trình nuôi dạy con theo triết lý giáo dục trái tim. Bởi vì, chỉ khi các bậc cha mẹ hiểu được cốt lõi về phương pháp giáo dục đó, cha mẹ mới vận dụng đúng và hiệu quả cho con.

Mặc dù cuốn sách được đặt trong bối cảnh của Nhật Bản nhưng vẫn có nhiều tương đồng với xã hội Việt Nam hiện nay, các kiến thức trong sách vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự nóng hổi.

Thai giáo – Hành trình ấp ủ yêu thương để nở ra một cuộc đời hạnh phúc
Thai giáo – Phương pháp khoa học dạy con từ trong bụng mẹ là cuốn sách thú vị và bổ ích để các bậc phụ huynh chuẩn bị tốt cho quá trình làm cha mẹ sắp...
Minh Tuệ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sách hay cho bạn