Khi nào mẹ bầu cảm nhận được con chuyển động, bé "đạp" bao nhiêu lần là bình thường?

Ngày 05/09/2022 16:00 PM (GMT+7)

Cảm nhận được con yêu của mình cử động là một trong những đặc điểm nổi bật của thai kỳ. Nhưng khi nào bạn cảm thấy em bé cử động và cảm giác ấy ra sao?

Khi nào mẹ bầu cảm nhận được thai nhi cử động?

Cảm nhận được con yêu của mình cử động là một trong những đặc điểm nổi bật của thai kỳ. Nhưng khi nào bạn cảm thấy em bé cử động và cảm giác ấy ra sao? Sự thật là ban đầu những cú đạp của thai nhi giống như những cú lắc lư và thai phụ sẽ không cảm thấy cho đến giai đoạn giữa thai kì.

Tùy vào cơ thể của mỗi mẹ bầu và sự phát triển của mỗi thai nhi, mẹ có thể bắt đầu cảm nhận con chuyển động từ tuần 16-22 của thai kỳ. Kể từ tuần thứ 29 cho đến tuần 40 (tam cá nguyệt thứ 3), thai nhi sẽ chuyển động mạnh hơn khiến các bà mẹ không thể không chú ý đến.

Mẹ bầu có thể bắt đầu cảm thấy em bé trong bụng chuyển động trong khoảng thời gian 16-22 tuần tùy trường hợp. (Ảnh minh họa)

Mẹ bầu có thể bắt đầu cảm thấy em bé trong bụng chuyển động trong khoảng thời gian 16-22 tuần tùy trường hợp. (Ảnh minh họa)

Thai nhi cử động khi nào?

Thai phụ có thể sẽ không cảm thấy con mình đạp cho đến khoảng từ tuần 16 đến 22, mặc dù chúng bắt đầu cử động từ tuần thứ 7-8 (các bà mẹ có thể chứng kiến con mình “nhào lộn” nếu đã siêu âm trước đó).

Những bà mẹ đã có kinh nghiệm mang thai sẽ cảm nhận được những cú đạp nhẹ sớm hơn những người lần đầu làm mẹ. Vì họ dễ dàng phân biệt những cú đạp của con mình với những cử động khác, chẳng hạn như đầy hơi. Những bà mẹ gầy cũng sẽ cảm nhận được cử động của thai sớm và thường xuyên hơn. Đặc biệt, khi người mẹ đã thấy được chuyển động của con thì phải mất vài tuần sau các bố mới có thể cảm nhận được em bé đạp.

Cảm giác thai nhi cử động ra sao?

Các bà mẹ đã miêu tả cảm giác ban đầu như bỏng ngô nổ, một con cá vàng bơi xung quanh hoặc những con bươm bướm bay lượn. Khi đã bước sang tam cá nguyệt thứ 3, thai phụ sẽ thấy được những cú thọc, lăn và đạp của con mình. Khi chúng lớn hơn, người mẹ còn có thể cảm thấy khuỷu tay hoặc đầu gối của em bé di chuyển thậm chí bé còn lộn nhào.

Mỗi lần mang thai đều khác nhau, vì vậy thật khó để nói chính xác cảm giác ra sao và khi nào thai nhi cử động, nhưng dưới đây là một phần hướng dẫn sơ bộ.

Chuyển động của bé từ tuần 16 đến 19

Thai phụ có thể sẽ nhận ra những cảm giác rung động mờ nhạt trong bụng mình vào khoảng thời gian này. Nếu đã từng mang thai trước đó, bạn sẽ quen thuộc hơn với cảm giác này và nhận ra chuyển động của thai nhi nhanh hơn. Còn nếu là lần đầu mang thai, bạn có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn một chút để nhận ra nó. Người mẹ sẽ dễ dàng cảm nhận hơn khi ngồi yên hoặc nằm xuống.

Chuyển động của bé từ tuần 20 đến 23

Những cú đá và huých nhẹ là những gì thường xuyên xuất hiện trong khoảng thời gian này. Nhiều tuần trôi qua, thai phụ dần cảm thấy chuyển động mạnh và thường xuyên hơn của em bé. Nếu trong thời gian này không cảm thấy cử động của bé, bạn cần phải trao đổi với bác sĩ.

Thai phụ sẽ thấy thai nhi trở nên hoạt bát hơn vào buổi tối. Những cú đá, vặn vẹo và lộn nhào xảy ra nhiều nhất khi thai phụ nằm thư giãn vào buổi tối. Một số bà mẹ sẽ thấy con mình cử động nhiều ngay sau khi ăn, đặc biệt là ăn đồ ngọt. Nhưng các nghiên cứu đã không tìm ra mối liên hệ giữa những gì bạn ăn và mức độ hoạt động của em bé.

Mỗi giai đoạn thai kỳ, mẹ sẽ cảm nhận được cử động của thai nhi khác nhau. (Ảnh minh họa)

Mỗi giai đoạn thai kỳ, mẹ sẽ cảm nhận được cử động của thai nhi khác nhau. (Ảnh minh họa)

Chuyển động của bé từ tuần 24 đến 28

Túi ối lúc này chứa tới 768.9 ml chất lỏng. Điều này sẽ giúp bé có nhiều không gian hơn để tự do di chuyển, vì vậy thai phụ sẽ cảm thấy con mình đang thực hiện các động tác nhào lộn trong bụng mình. Thai phụ thậm chí có thể nhận thấy thai nhi của mình “nhảy lên” khi có tiếng động đột ngột, hoặc em bé bị nấc cụt.

Chuyển động của bé từ tuần 29 đến 31

Thai nhi sẽ chuyển động dứt khoát hơn, những cú đá và đẩy mạnh hơn. Đôi khi mẹ sẽ cảm thấy run rẩy giống như rùng mình khi bé lắc tay, vai hay khuỷu tay.

Tuỳ thuộc vào vị trí của bé, thai phụ sẽ cảm thấy những cú đạp lên xương sườn, ở giữa bụng hoặc vùng xương chậu. Một số bà mẹ cho biết họ còn bị đá vào cổ tử cung – cảm giác hơi khó chịu nhưng điều này hoàn toàn bình thường. Đừng lo, cho dù bé có đạp mạnh đến đâu, chúng vẫn an toàn và không gây ra bất kì tổn thương nào.

Chuyển động của bé từ tuần 32 đến 35

Khi thai nhi lớn hơn và có ít chỗ để di chuyển hơn, thai phụ có thể nhận thấy những cử động của thai nhi cũng thay đổi, có thể trở nên chậm hơn nhưng kéo dài hơn

Chuyển động của bé từ tuần 36 đến 40

Khi thai phụ gần đến ngày dự sinh, em bé lớn hơn và sẽ không còn đủ chỗ cho những màn nhào lộn kịch tính. Sau khi thai nhi chuyển sang tư thế ngôi đầu để chuẩn bị sinh, người mẹ sẽ cảm thấy những cú đá ở các vị trí mới, ví dụ như bên dưới xương xườn hoặc hai bên. Chuyển động có thể chậm hơn, nhưng mạnh hơn. Những cú huých từ tay hoặc chân của bé có thể làm mẹ bầu cảm thấy khó chịu thậm chí là đau đớn

Việc nhận thấy sự thay đổi trong chuyển động của bé vào cuối thai kỳ là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng thai phụ vẫn cần chú ý đến sự di chuyển của con cho đến khi và ngay cả trong quá trình chuyển dạ.

Mức độ chuyển động của thai nhi bao nhiêu lần là bình thường?

Ban đầu, những cú đá đáng chú ý sẽ rất ít và xa nhau. Bạn sẽ cảm thấy một vài chuyển động trong ngày. Mặc dù bé thường xuyên di chuyển và đạp, nhưng nhiều chuyển động vẫn chưa đủ mạnh để bạn có thể cảm nhận. Nhưng những cú đá đó sẽ trở nên mạnh mẽ và đều đặn hơn trong tam cá nguyệt thứ 2 hoặc đầu tam cá nguyệt 3.

Đừng lo lắng nếu trải nghiệm của bạn khác với những mẹ bầu khác. Mỗi em bé đều có một kiểu hoạt động riêng và miễn là mức độ hoạt động của bé bình thường, không giảm thì chứng tỏ bé vẫn đang rất ổn.

Nếu thấy bé cử động ít hoặc nhiều bất thường, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để thăm khám. (Ảnh minh họa)

Nếu thấy bé cử động ít hoặc nhiều bất thường, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để thăm khám. (Ảnh minh họa)

Có nên theo dõi quá trình đạp của thai nhi không?

Khi cảm thấy mức độ hoạt động của bé chậm lại, bạn cần báo cho bác sĩ hoặc các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Bé cử động ít hơn trong tam cá nguyệt thứ 3, có thể báo hiệu một vấn đề và bác sĩ sẽ muốn bạn làm xét nghiệm, siêu âm đo lượng nước ối để có thể đảm bảo mọi thứ đều ổn.

Một số bác sĩ khuyên rằng trong tam cá nguyệt thứ 3, mẹ bầu nên dành một ít thời gian mỗi ngày để đếm những cú đạp của bé. Có nhiều cách để thực hiện việc này nên hãy hỏi bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Ví dụ: Bác sĩ đề nghị bạn chọn một thời điểm trong ngày khi em bé có xu hướng hoạt động nhiều. Sau đó ngồi yên hoặc nằm nghiêng xem mất bao lâu để bé thực hiện 10 chuyển động rõ ràng – đá, thúc cùi chỏ và chuyển động toàn bộ cơ thể. Nếu không cảm thấy 10 cử động trong vòng hai giờ, hãy gọi cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện kiểm tra. 

Em bé trong bụng thích và ghét những loại âm thanh nào, mẹ bầu nên biết để lựa cho bé nghe!
Để con phát triển khỏe mạnh, sinh ra là một đứa trẻ hạnh phúc, cha mẹ cố gắng nuông chiều cảm xúc của thai nhi bằng 4 loại âm thanh thai nhi thích...

Sự phát triển thai nhi

Theo Anh Duy (Dịch từ Baby Centre)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sự phát triển thai nhi