Bà mẹ này cho biết trong thai kỳ mình ăn rất nhiều trứng vịt lộn nên con sinh ra có mái tóc dày và đen.
Trong thời gian mang thai, chắc hẳn bà mẹ nào cũng mong muốn con chào đời với vẻ ngoài hoàn hảo, da trắng, môi hồng, tóc dày dặn,... Cũng vì vậy mà nhiều mẹ bầu chăm chỉ thực hiện những "mẹo" đặc biệt về ăn uống như ăn lựu để con có má lúm, uống nước dừa giúp bé da trắng hay ăn trứng vịt lộn để tóc con dày đẹp.
Mới đây trên mạng xã hội Đài Loan, một bà mẹ mới sinh con sung sướng đăng tải hình ảnh bé sơ sinh của mình và thu hút đông đảo sự chú ý. Theo đó, các bé sơ sinh khi chào đời thường chỉ có một ít tóc tơ rất mỏng và thưa, màu tóc hơi nâu nâu nhưng bé gái này lại có mái tóc dày, đen nhánh và rậm rạp chẳng kém gì người lớn.
Em bé có mái tóc đen, dày được mẹ khẳng định là nhờ ăn nhiều trứng vịt lộn khi mang thai. (Ảnh minh họa)
Bà mẹ còn tự hào khoe bí quyết của bản thân: "Công sức tôi tuần nào cũng ăn 3 quả trứng vịt lộn đây các mẹ. Bé nhà tôi sinh ra tóc đen, dày dặn nhất khoa Sản luôn trong khi hai bố mẹ tóc mỏng dính".
Bài đăng với hình ảnh em bé đáng yêu đã lập tức nhận được sự chú ý của cư dân mạng. Nhiều người cảm thấy thích thú khi lần đầu được thấy em bé sơ sinh lại có mái tóc dày đến thế.
Và đương nhiên cũng không ít người quan tâm đến quan niệm "ăn nhiều trứng vịt lộn khi mang thai sẽ sinh con nhiều tóc" của bà mẹ này. Vậy nhưng đa số lại cho rằng quan niệm này không hề đúng và việc em bé tóc rậm chỉ là do dinh dưỡng thai kỳ hoặc có thể di truyền từ thế hệ trước nữa.
Thực tế tóc của bé sơ sinh thế nào phụ thuộc vào yếu tố di truyền và một phần vào việc bổ sung các dưỡng chất thiết yếu của mẹ khi mang thai. (Ảnh minh họa)
Khoa học nói gì?
Theo Momjunction, các chuyên gia cho biết việc bé sơ sinh tóc dài hay ngắn, ít hay nhiều, da trắng hay đen phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố di truyền và một phần vào việc bổ sung các dưỡng chất thiết yếu như sắt, canxi của mẹ khi mang thai.
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu hay khảo sát nào chứng minh bà bầu ăn nhiều trứng vịt lộn sẽ sinh con da trắng, tóc dày hay chân dài như nhiều lời đồn đại.
Vậy bà bầu ăn trứng vịt lộn được không?
Tuy không có tác dụng giúp sinh con tóc rậm hay chân dài nhưng trứng vịt lộn là một loại thực phẩm bổ dưỡng mẹ bầu có thể thêm vào thực đơn khi mang thai của mình.
Mẹ bầu vẫn có thể ăn trứng vịt lộn vì đây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
Một quả trứng vịt lộn cung cấp khoảng 182kcal năng lượng, 13,6g protein, 12,4g lipit, 82mg canxi, 212mg phốtpho, 600mg cholesterol… Không chỉ vậy, trứng vịt lộn cũng chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe như vitamin A, B, C… Thậm chí, hàm lượng chất sắt trong trứng vịt lộn còn nhiều hơn trong trứng gà.
Song, mẹ bầu nên chú ý không tập trung ăn quá nhiều trứng vịt lộn trong thai kỳ vì ăn trứng vịt lộn trong nhiều ngày có thể khiến hàm lượng cholesterol trong máu, làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường ở mẹ bầu. Hơn nữa, hàm lượng vitamin A trong trứng vịt lộn khá cao, nếu ăn quá nhiều mẹ bầu dễ bị dư thừa vitamin A, rất nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi.