Dù thành công ngay lần chuyển phôi đầu tiên và may mắn chuyển 1 phôi sinh được song thai 1 trai 1 gái nhưng vợ chồng này từng nơm nớp lo sợ nhầm lẫn.
Cưới nhau 2 năm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ánh, 26 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh dù không áp dụng biện pháp ngừa thai nào nhưng vẫn không có bầu. Do đó, họ dắt nhau đi khám hiệm muộn ở bệnh viện. Kết quả, chị Ánh bị tắc ống dẫn trứng 1 bên, 1 bên còn lại thông yếu.
“Sau đó em được phẫu thuật nội soi để làm thông ống dẫn trứng. Nhưng kết quả còn ngạc nhiên hơn khi 2 ống dẫn trứng đều tắc. Vì thế bác sĩ tư vấn em làm thụ tinh ống nghiệm (IVF). Để ra quyết định IVF, vợ chồng em đã gặp gỡ rất nhiều bác sĩ và tham khảo về trường hợp của mình. Cho tới khi chúng em gặp bác sĩ Thân Trọng Thạch – Giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thì mới được phát hiện thêm bệnh tật chính xác của 2 vợ chồng gây hiếm muộn”, chị Ánh kể.
Tại đây, khi xem lại video phẫu thuật của chị Ánh, bác sĩ Thạch đã thấy rõ 2 ống dẫn trứng tắc đoạn gần, tuy nhiên tử cung chị Ánh dạng lạc nội mạc tử cung (Adenomyosis) nặng. Toàn bộ niêm mạc tử cung viêm mạn đỏ, dày không đều nhìn rất xấu xí.
Niềm vui vỡ òa của gia đình chị Ánh khi chuyển 1 phôi được song thai 1 trai 1 gái. (Ảnh: BSCC)
Thậm chí khi xem lại xét nghiệm máu, bác sĩ Thạch còn phát hiện 2 vợ chồng chị thuộc dạng thiếu máu tan máu bẩm sinh (Thalassemie) mà các bác sĩ thăm khám trước đã bỏ sót thông tin này. Vì thế, bác sĩ đã cho vợ chồng trẻ làm xét nghiệm gien. Và 2 vợ chồng chị Ánh đều là gen Beta-Thalassemie thể dị hợp. Như vậy nếu để có thai tự nhiên thì 25% sinh ra 1 đứa con đồng hợp Beta-Thalassemie - một bệnh lý thiếu máu nặng.
Theo chị Ánh chia sẻ, chị đã được tiến hành IVF chu kỳ đầu được 2 phôi N5, sinh thiết phôi 1 bình thường, 1 bất thường. Chu kỳ 2 chị được 5 phôi N5, sinh thiết phôi 1 bình thường, 4 phôi bất thường. Chị Ánh quyết định làm thêm 1 chu kỳ nữa vì muốn sinh nhiều con nhưng lần 3 dù có 5 phôi song lại bất thường cả 5.
“Tính ra em có tổng cộng 12 phôi N5 nhưng chỉ có 02 phôi bình thường. 10 phôi còn lại đều liên quan đến Thalassemie. Sau đó em được điều trị lạc nội mạc tử cung một thời gian để chuyển phôi”, chị Ánh tâm sự.
May mắn đã đến khi chị Ánh có thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên với 1 phôi và chị còn lại 1 phôi bình thường. Niềm vui như vỡ oà khi gia đình chị chờ quá lâu và cũng quá căng thẳng khi mất rất nhiều công sức cũng như chi phí lớn để có được thai như vậy.
Khi thai được 6 tuần niềm vui của vợ chồng chị Ánh lại nhân đôi khi kết quả siêu âm song thai và đều có tim thai. Tuy nhiên lẽ thường do chuyển 1 phôi nên ai cũng nghĩ là song thai cùng trứng, tỷ lệ thường không quá cao nên vợ chồng chị cảm thấy rất may mắn. Siêu âm hình thái và xét nghiệm lệch bội kiểm tra lại hoàn toàn bình thường. Cho đến khi thai 16-17 tuần phát hiện ra 2 bé khác giới tính khác nhau: 1 trai - 1 gái.
Khi biết chắc bản thân đang bầu song thai khác trứng dù chuyển 1 phôi nên vợ chồng chị Ánh bắt đầu lo lắng, hoài nghi về quá trình chuyển phôi: “Em nhớ, câu hỏi duy nhất của vợ chồng em lúc đó là có phải có sự nhầm lẫn gì khi chuyển phôi không? Có phải đã chuyển 2 phôi thì mới ra song thai khác giới như vậy? Nhân viên bện phải rà soát trở lại, trích xuất camera kiểm tra. Nhưng hôm đó chỉ có 1 ca chuyển phôi duy nhất là em nên khả năng nhầm lẫn là không thể”, chị Ánh nhớ lại.
Chia sẻ về hiện tượng chuyển một phôi IVF nhưng đậu song thai khác trứng như trường hợp chị Ánh kể trên, bác sĩ Thân Trọng Thạch giải thích: “Sau khi đã chắc chắn không có sự nhầm phôi thì giả thuyết lớn nhất là em có 01 thai do chuyển phôi (đã loại trừ Thalassemie) và 01 thai do thụ thai tự nhiên (chưa loại trừ Thalassemie). Mặc dù giả thuyết này là hợp lý nhất và có thể nói là duy nhất nhưng vẫn không thể xoá tan nghi ngờ của vợ chồng trẻ này về chuyện nhầm phôi. Bởi trước đó vợ chồng chị Ánh đã giao hợp tự nhiên 2 năm không có thai, kèm theo đó bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện đã khẳng định 2 ống dẫn trứng đã tắc thì sao có thai tự nhiên?”.
Trước tình huống khó khăn này, bác sĩ Thạch đã đưa ra gợi ý cho vợ chồng chị Ánh cách duy nhất là chọc ối để xét nghiệm ADN thai và cha mẹ. Kèm theo đó tìm xem trong 2 thai thì thai còn lại có bệnh lý Thassemie hay không? Tuy nhiên sau 2 tuần suy nghĩ vợ chồng chị Ánh quyết định không chọc ối vì đã tin tưởng không có nhầm lẫn phôi, còn thai kia có bệnh hay không thì khi sinh ra sẽ xét nghiệm sau.
“Khi những khúc mắc của mẹ bầu được tháo gỡ, cả gia đình chị Ánh và bác sĩ đều cảm thấy nhẹ nhàng hơn. May mắn thai kỳ diễn tiến tiếp theo thuận lợi, cả 2 thai phát triển tốt, đến tuần 31 chị Ánh có dấu hiệu chuyển dạ nên nhập viện điều trị. Sau đó, kéo dài thêm được 2 tuần thì vỡ ối, ca mổ tiến hành rất nhanh vì chị Ánh chuyển dạ ngay sau vỡ ối.
Bé trai 2160 gram khoẻ mạnh, bé gái 1850 gram yếu hơn anh trai đã chào đời. Cả 2 bé được chăm sóc tích cực nhi 03 ngày, được ra Kanguroo 1 ngày rồi xuất viện. Khi 2 thiên thần non tháng được về với bố mẹ và gia đình, cả nhà sản phụ đều vui mừng tột đỉnh vì họ đã chờ đợi ngày này quá lâu”, bác sĩ Thạch vui mừng chia sẻ.
Khi chia sẻ lại câu chuyện trên, bác sĩ Thạch cũng cho rằng hiện tượng chuyển một phôi trong IVF cho kết quả song thai sau quá trình phân tách phôi như vợ chồng chị Ánh kể trên là hiện tượng rất hiếm gặp. Có hiện tượng này là tùy thuộc sự phân tách của phôi bào ở giai đoạn mà các cấu trúc của phôi như các lá phôi, màng ối, dây rốn và bánh nhau có thể dính chung hoặc tách riêng biệt.
Thông thường sẽ có 3 trường hợp xảy ra. Đầu tiên, nếu sự chia tách phôi xảy ra sớm từ ngay sau khi thụ tinh đến phôi ngày 4 sẽ tạo thành song thai cùng trứng 2 bánh nhau và 2 buồng ối. Trường hợp này chiếm khoảng 20 - 30% ở thai tự nhiên. Ngoài ra, nếu sự chia tách xảy ra ở giai đoạn phôi nang đến ngày 8 sau thụ tinh sẽ tạo thành song thai cùng trứng chung 1 bánh nhau nhưng có 2 buồng ối, chiếm khoảng 70 - 75% trường hợp ở thai tự nhiên. Bên cạnh đó, nếu sự chia tách xảy ra sau 1-2 tuần sẽ tạo thành song thai cùng trứng một bánh nhau, một buồng ối, chiếm khoảng 1-2% trường hợp ở thai tự nhiên.
Bác sĩ hiếm muộn Thân Trọng Thạch. (Ảnh: BSCC)
Được biết, tỷ lệ song thai cùng trứng theo các thống kê trên thế giới vào khoảng 4/1.000. Phân tách phôi thường dẫn đến thai kỳ song thai. Tuy nhiên, phôi cũng có thể tách làm 3 dẫn đến hiện tượng tam thai cùng trứng diễn ra tương tự như hiện tượng song thai cùng trứng. Quá trình phân tách phôi rất khó để đánh giá và quan sát bằng mắt thường, một số ít trường hợp có thể thấy rõ hiện tượng "phôi phân tách" ở giai đoạn phôi nang.
Bác sĩ hiếm muộn Thạch cũng cho biết, ngoài hiện tượng song thai cùng trứng vẫn có thể xảy ra tình trạng song thai khác trứng khi chuyển một phôi IVF. Khi ấy một phôi đậu thai từ phôi chuyển, thai còn lại là thai tự nhiên.
“Điều này có thể được lý giải bởi sự phóng noãn tự phát của các tế bào noãn còn lại sau khi chọc hút, làm tăng khả năng mang thai tự nhiên”, bác sĩ Thạch nói.
Tin liên quan
Bác sĩ có hơn 30 năm kinh nghiệm sản phụ khoa và 10 năm chuyên sâu về hỗ trợ sinh sản cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cho một số cặp...
Khi dao rạch qua lớp mỡ đầu tiên, bác sĩ phải mất 5 phút mới tìm được vị trí tử cung. Trong quá trình này, họ phải liên tục theo dõi tình...
Theo bác sĩ chuyên khoa, để thụ thai thành công, ngoài các yếu tố như chất lượng trứng tốt, phôi khỏe mạnh thì độ dày lớp niêm mạc tử cung...
Để sớm đón nhận được tin vui sau chuyển phôi, chị em tuân thủ các nguyên tắc ăn uống và đi lại sau.
Tin bài cùng chủ đề Bác sĩ Thân Trọng Thạch
Mỗi Tết Nguyên Đán về, nhận được những tin nhắn tri ân, những tấm thiệp chúc Tết kèm theo lời cảm ơn chân thành của các gia đình hiếm muộn, nam bác sĩ này càng được tiếp thêm sức mạnh mãnh...