Ăn nấm hương thường xuyên nhưng nhiều người vẫn chưa biết cách chọn cái nào mới tươi ngon và nhiều dinh dưỡng.
Nấm hương tươi (nấm đông cô) rất thơm ngon, bổ dưỡng nên nhiều người thường mua về để chế biến. Những món ăn được chế biến với nấm hương tươi như nấm xào, nhồi thịt, nấu súp, canh, xốt dầu hào, nướng, lẩu... Đặc biệt những ai ăn chay sẽ rất thích loại nấm này. Tuy nhiên, để chọn được những cây nấm hương tươi mới hái, còn tươi không phải ai cũng biết.
Nhiều người cho rằng, mua nấm hương tươi phải dựa vào kích cỡ. Chẳng hạn có người quan niệm, nấm càng to càng ngon, có người lại nghĩ những cây nấm nhỏ sẽ thơm hơn. Nhưng người bán cho rằng, việc phân biệt kích cỡ nấm hương là không cần thiết. Dù to hay nhỏ nếu bạn biết cách chọn thì nấm vẫn thơm ngon như thường.
Dưới đây là bí quyết chọn nấm hương tươi, chị em tham khảo nhé:
1. Ngửi mùi
Nấm hương tươi có mùi rất đặc trưng. Khi ngửi cho cảm giác tươi mới và có một chút mùi đất. Với những cây nấm hỏng thường có mùi chua hoặc mùi gây khó chịu rất rõ ràng.
2. Nhìn vào màu sắc
Màu sắc bình thường của nấm hương tươi là màu nâu vàng. Hơn nữa, khi dùng tay ấn vào, nó sẽ có sự đàn hồi nhẹ. Nếu mũ nấm có màu đen là nấm cũ, tốt nhất đừng nên chọn.
3. Nhìn vào chân nấm
Chân của nấm hương thưởng dày, dài và ngắn. Khi chọn, hãy mua loại có chân dày và ngắn này. Những cây nấm như vậy thường hấp thụ rất nhiều chất dinh dưỡng trong quá trình tăng trưởng, vì vậy chân của nó to, dày hơn bình thường.
Người bán cũng bật mí, những cây có chân to thường chứa dinh dưỡng cao hơn những cây có chân mảnh.
4. Nhìn vào mũ nấm
Trong quá trình phát triển, mũ nấm hương thường bị nứt. Việc này có thể do nó bị thiếu nước hoặc thiếu chất dinh dưỡng.
Loại nấm này thường không có giá trị dinh dưỡng bằng những cây nấm có mũ lành lặn, do đó, bạn không nên chọn chúng.
5. Nhìn vào phần nếp gấp dưới mũ nấm
Khi chọn, lật nấm để xem các nếp gấp dưới phần mũ. Nếu các nếp gấp đã được mở ra và bạn có thể thấy một đường mỏng bên trong, điều đó có nghĩa là nấm đã cũ và tất cả các bào tử bên trong đã rơi xuống. Những cây nấm này đã hết chất dinh dưỡng, không còn giá trị để mua.